Hà Nội: Cán bộ hỗ trợ tối đa cho người dân
Ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm) sáng 1-7, số lượng người dân đến thực hiện dịch vụ công ở mức ổn định, không quá biến động so với các ngày trước đây, một phần vì các thủ tục hành chính hiện nay đa phần đã được thực hiện trên môi trường mạng.
 |
Cán bộ tại điểm phục vụ hành chính công Tây Hồ hỗ trợ người dân. Ảnh: THÁI HƯNG |
Ngay từ sớm, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm đã có mặt đầy đủ, sẵn sàng đón tiếp những công dân đầu tiên đến làm thủ tục hành chính. Mọi công tác chỉnh trang, bố trí cơ sở vật chất đã được Trung tâm hoàn thiện trước ngày 30-6. Ngoài lực lượng cán bộ, nhân viên của Trung tâm, đơn vị cũng bố trí thêm đội ngũ đoàn viên, thanh niên ứng trực, hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký các thủ tục.
Anh Lê Việt Long, sinh sống ở Khu đô thị Xa La (Hà Nội) đến Trung tâm sáng nay để làm thủ tục về đất đai. Theo anh Long, trước đây anh thường làm những thủ tục này tại các văn phòng đăng ký đất đai địa phương, đi lại nhiều nơi và khá phức tạp, đến nay mọi thủ tục đều được quy về một mối tại Trung tâm nên tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. “Lĩnh vực đất đai khá phức tạp nhưng cán bộ Trung tâm hướng dẫn đầy đủ. Tôi thấy có sự khác biệt rõ rệt so với trước. Hy vọng Trung tâm tiếp tục lược bỏ các thủ tục còn rườm rà trong thời gian tới để người dân được thuận tiện hơn...”, anh Lê Việt Long đánh giá.
Theo đồng chí Bùi Dương, Giám đốc Chi nhánh số 1, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội, không chỉ những ngày này mà cách đây 2 tuần, Chi nhánh số 1 đã quán triệt với đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện ứng trực 100% quân số, trừ những trường hợp có vấn đề liên quan đến sức khỏe. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ chi nhánh không có đồng chí nào nghỉ phép, tất cả thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. Từ ngày 1-7, Cổng dịch vụ công TP Hà Nội cũng như cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố sẽ không hoạt động nữa mà chỉ còn lại một Cổng dịch vụ công Quốc gia thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của người dân theo chỉ đạo của Chính phủ. Để hệ thống được vận hành ổn định, Trung tâm đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, hệ thống máy móc, băng thông đường truyền đều được nâng cấp. Đơn vị cũng trang bị thêm robot thực hiện chức năng “trợ lý ảo” để người dân thuận tiện trong thao tác tìm kiếm thông tin.
Về vấn đề thay đổi địa giới hành chính, Trung tâm đã có sự chuẩn bị, phối hợp từ sớm với các văn phòng đăng ký đất đai; thường xuyên giao ban, trao đổi thông tin, thống nhất phương án là không yêu cầu người dân phải đi đính chính các thông tin trên giấy tờ. Các cán bộ hành chính sẽ tiếp nhận nguyên trạng hồ sơ của người dân, còn việc đính chính, điều chỉnh là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
 |
Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân tra cứu thông tin tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ảnh: THÁI HƯNG |
Ngay trong sáng 1-7, tại điểm phục vụ hành chính công Tương Mai (UBND phường Tương Mai, TP Hà Nội), không khí làm việc diễn ra khẩn trương, chuyên nghiệp. Khu vực tiếp công dân được bố trí khoa học, biển bảng chỉ dẫn rõ ràng, hệ thống máy móc hiện đại bảo đảm kết nối thông suốt với Cổng dịch vụ công Quốc gia và hạ tầng dữ liệu dùng chung của thành phố.
Theo đồng chí Đào Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND phường Tương Mai, trước thời điểm chính thức chuyển đổi mô hình quản lý hành chính, cấp ủy, chính quyền phường Tương Mai đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức vận hành thử nghiệm nhiều lần, rà soát kỹ lưỡng toàn bộ quy trình làm việc. Mỗi nhóm công việc đều được phân công cụ thể, rõ ràng, từng cán bộ được giao nhiệm vụ sát thực tiễn, phù hợp với năng lực chuyên môn. Nhờ đó, khi bước vào ngày đầu vận hành cơ chế mới, bộ máy không hề lúng túng mà trái lại, vận hành trơn tru, hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Đáng chú ý, trong điều kiện là phường có quy mô dân số lớn, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, Tương Mai đã linh hoạt cải tạo không gian làm việc, bố trí lại phòng chức năng, đầu tư bổ sung các thiết bị cần thiết như máy tính, máy in, đường truyền internet tốc độ cao. Bên cạnh cơ sở vật chất, yếu tố con người được coi là then chốt tạo nên thành công. Đội ngũ cán bộ phường Tương Mai không chỉ được đào tạo bài bản, nắm vững quy trình chuyên môn mà còn thể hiện rõ trách nhiệm và sự cầu thị trong phục vụ nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Hồi, cư dân tổ 10, chia sẻ sau khi hoàn tất thủ tục nhanh chóng trong thời gian ngắn: “Tôi thực sự ấn tượng với trách nhiệm của cán bộ ở đây. Không còn cảnh chen chúc hay chờ đợi mệt mỏi như trước, mọi thứ đều rõ ràng, thuận tiện”. Cựu chiến binh Đỗ Tuấn Thật (tổ 17) cũng bày tỏ sự đồng tình: “Cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất lễ phép, từ tốn với người lớn tuổi. Nếu giữ được tác phong này lâu dài, chính quyền địa phương hai cấp chắc chắn sẽ gần dân và vì dân hơn bao giờ hết”.
Trong khi đó, đánh giá cao việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng chí Nguyễn Thị Yên, Tổ trưởng Tổ dân phố số 18 (phường Phương Liệt, TP Hà Nội) cho rằng: “Bộ máy chính quyền mới có ưu điểm là nhanh gọn, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong quá trình vận hành. Thông tin sẽ nhanh hơn, giúp chính quyền thành phố gần dân, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn”.
Thanh Hóa: Kiến tạo nền hành chính phục vụ
Ngày 1-7-2025, tại tỉnh Thanh Hóa không khí ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp lan tỏa mạnh mẽ. 166 xã, phường trên toàn tỉnh đồng loạt tổ chức kỳ họp HĐND đầu tiên, kiện toàn tổ chức bộ máy, thông qua các nghị quyết trọng tâm.
Tại hai xã Hoằng Lộc và Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trực tiếp kiểm tra hoạt động chính quyền trong ngày đầu vận hành. Xã Hoằng Lộc, sáp nhập từ 6 xã, có hơn 36.000 dân, 71 chi bộ trực thuộc và hơn 1.600 đảng viên. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa I đã thành lập đầy đủ các cơ quan tham mưu, ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên...
 |
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nói chuyện, trao đổi với người dân xã Quảng Ninh đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. |
Đến kiểm tra Trung tâm phục vụ hành chính công các xã Hoằng Lộc, Quảng Ninh và phường Hạc Thành, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc của cán bộ, nhân viên các đơn vị và khẳng định: Trung tâm phục vụ hành chính công là nơi giao tiếp với người dân nhiều nhất, xây đắp tới niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền. Do đó, đội ngũ cán bộ tại đây phải hội đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ thân thiện, kỷ cương và tác phong chuyên nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, đẩy mạnh số hóa, vận hành liên thông dữ liệu... hướng đến chính quyền số cấp xã thực chất, hiệu quả.
Nghệ An, Hà Tĩnh: Nỗ lực cao nhất để hoạt động thông suốt
Phường Thành Vinh (tỉnh Nghệ An) là đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 6 phường trước đây. Ngay trong buổi sáng 1-7, lượng người dân đến làm thủ tục khá đông nhưng các khâu tiếp nhận, giải quyết đều diễn ra khá thông suốt. Trước đó, trong đêm 30-6, phường còn cử cán bộ tham gia tập huấn để sẵn sàng cho ngày vận hành chính thức. Đáng chú ý, Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An đã cử tổ công tác thường trực tại trung tâm để “tiếp ứng” trong những tình huống phát sinh, bảo đảm không để tồn đọng, ách tắc. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng công nghệ và tổ chức tập huấn chuyên sâu cho hơn 2.000 cán bộ cấp xã.
Từ sáng sớm, cán bộ công chức, viên chức xã biên giới Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An đã có mặt tại công sở. Trụ sở xã mới được đặt tại trung tâm xã Nhôn Mai cũ nên nhiều cán bộ từng làm việc, định cư ở xã Mai Sơn trước đây phải rời nhà từ khi còn rất sớm, vượt quãng đường hơn 20km mới kịp giờ làm việc. Chị Lô Thị Pá, công chức Tư Pháp-Hộ tịch, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhôn Mai cho biết: "Xã mới đi vào hoạt động, địa điểm làm việc xa nhà hơn nhiều, chúng tôi cũng có phần vất vả trong đi lại nhưng luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày đầu tiên vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhân dân đến làm các thủ tục hành chính cũng khá đông, tôi và đồng nghiệp tận tình hướng dẫn để bà con sớm hoàn thành mọi công việc". Trao đổi với chúng tôi, ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai cũng cho biết thêm, thời gian qua, xã Nhôn Mai phải gánh chịu nhiều thiệt hại do lũ quét. Nhưng với tinh thần vượt khó, khẩn trương, cán bộ công chức, viên chức xã vừa giúp dân khắc phục hậu quả, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Xã mới Quế Phong được thành lập cũng có diện tích rộng lớn, dân cư đông đúc, nhiều thành phần dân tộc như Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Ngay từ đầu, xã biên giới đã tổ chức tập huấn bài bản cho cán bộ, công chức theo từng vị trí công việc cụ thể.
Không khí tất bật, khẩn trương trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp cũng diễn ra tại nhiều xã ở Hà Tĩnh, nơi có 69 đơn vị hành chính xã, phường đi vào hoạt động. Có mặt tại xã Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), lãnh đạo xã bận rộn với các cuộc họp ngắn, cán bộ chuyên môn liên tục di chuyển giữa các phòng để trao đổi nghiệp vụ, xử lý công việc tồn đọng và tiếp nhận phản ánh của người dân. Sáng nay, xã Nghi Xuân tổ chức buổi chào cờ đầu tiên và HĐND xã họp, thực hiện một số nội dung theo thẩm quyền, công bố các quyết định, thông qua nghị quyết và sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự và bắt đầu vận hành trung tâm hành chính công. Xã Nghi Xuân mới có dân số, diện tích mở rộng việc giải quyết thủ tục hành chính cũng tăng lên gấp nhiều lần. Ngày đầu tiên làm việc, hệ thống phần mềm xử lý thủ tục hành chính có chút trục trặc do quá tải dữ liệu, khiến việc tiếp nhận hồ sơ bị chậm. Tuy nhiên, ngay sau đó, sự cố đã được khắc phục, hệ thống hoạt động ổn định trở lại, việc giải quyết thủ tục được bảo đảm thông suốt.
 |
Người dân phường Thành Vinh (tỉnh Nghệ An) đến giải quyết thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: HOA LÊ |
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Xuân chia sẻ: “Chúng tôi xác định đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nên gần như toàn bộ cán bộ, công chức đều làm việc xuyên suốt, không có ngày nghỉ. Trung tâm hành chính công được chạy thử nghiệm trước đó hai tuần. Các cán bộ, chuyên viên có kinh nghiệm được lựa chọn kỹ lưỡng; khuôn viên giao dịch cũng được bố trí lại hợp lý, tạo điều kiện thuận tiện tối đa cho người dân đến làm thủ tục. Tinh thần chung là không để sự thay đổi về tổ chức gây gián đoạn việc phục vụ nhân dân; không để xảy ra khoảng trống trách nhiệm giữa các cấp chính quyền”.
Đà Nẵng: Thủ tục nhanh gọn, người dân hài lòng
Sáng 1-7, tất cả các xã, phường, thành phố Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Việc vận hành bộ máy chính quyền mới trong ngày đầu tiên được diễn ra thuận lợi, người dân đánh giá cao tinh thần phục vụ chu đáo của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tam Kỳ (TP Đà Nẵng) có rất đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Ngày đầu vận hành theo mô hình mới, nhưng đội ngũ cán bộ đã có mặt đông đủ để triển khai các khâu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhằm phục vụ tốt cho người dân.
Đồng chí Bùi Tấn Công, Phó chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tam Kỳ cho biết, để phục vụ người dân, đơn vị đã triển khai đầy đủ cán bộ cùng các thiết bị cơ sở vật chất bảo đảm... Theo đồng chí Đỗ Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Tam Kỳ, tuy là ngày đầu tiên vận hành phường theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhưng mọi công việc đều diễn ra một cách thuận lợi, thông suốt, hiệu quả. Tam Kỳ là một trong 6 phường được TP Đà Nẵng lựa chọn thí điểm vận hành theo mô hình mới. Theo đó, các nội dung công việc đã được đội ngũ cán bộ, công chức nắm bắt khá kỹ lưỡng, nên quá trình phục vụ công dân khá thuận lợi.
Đến phường Sơn Trà, chúng tôi thấy đội ngũ cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã có mặt đầy đủ, người dân đến làm thủ tục khá đông, nét mặt ai cũng tươi cười, phấn khởi. Sau khi được cán bộ phường nhiệt tình hướng dẫn cụ thể từ khâu lấy số thứ tự đến hướng dẫn nhập số liệu nên các thủ tục thừa kế nhà đất diễn ra nhanh gọn, ông Phan Hữu Thạch hồ hởi cho biết: “Chính quyền địa phương hai cấp ngay từ ngày đầu triển khai đã thể hiện rõ tính ưu việt, không chỉ gần dân mà còn tận tình phục vụ nhân dân. Thực hiện mô hình này tôi thấy đội ngũ cán bộ xã, phường chủ động linh hoạt hơn trước và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm gần dân, sát dân hơn...”.
Ghi nhận trong sáng đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công xã, phường thành phố Đà Nẵng, người dân đến giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính diễn ra nhanh gọn. Các thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định, bảo đảm thông suốt, ổn định. Người dân muốn giải quyết thủ tục, hồ sơ chỉ mất vài phút là được giải quyết. Đội ngũ cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm.
Được biết, để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, TP Đà Nẵng đã cập nhật cơ sở dữ liệu hơn 2.000 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và các phường, xã trên địa bàn lên cổng dịch vụ công quốc gia nhằm bảo đảm cho việc đồng bộ, liên thông, không gián đoạn thông tin, dữ liệu.
Cần Thơ: Hứng khởi ngày làm việc đầu tiên
Từ sáng sớm ngày 1-7, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ, dù số lượng hồ sơ tiếp nhận trong ngày đầu tiên tăng đột biến, gấp ba lần so với bình thường, nhưng cán bộ, công chức tại đây vẫn giữ được tinh thần chuyên nghiệp, tận tụy, chu đáo, luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân trong từng thủ tục. Để phục vụ tốt cho bà con, chính quyền thành phố đã phối hợp với Thành đoàn và các trường đại học huy động lực lượng sinh viên, đoàn viên tình nguyện hỗ trợ người dân lấy số thứ tự, điền biểu mẫu, tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến... Nhờ lực lượng trẻ đầy nhiệt huyết này, quy trình thủ tục diễn ra nhanh chóng, giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian chờ đợi. Chị Trịnh Thùy Linh, phường Ninh Kiều chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng lo khi sáp nhập thì thủ tục sẽ bị rối, nhưng mà vào đây mọi nhân viên hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo nên thủ tục được thực hiện suôn sẻ”.
Không riêng chị Linh mà ngày làm việc đầu tiên theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân. Đó là sự chỉn chu trong tác phong công vụ, là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, là những nụ cười hài lòng của người dân khi bước ra khỏi Trung tâm hành chính với bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Ông Huỳnh Đức Dũng, Chủ tịch UBND phường Sóc Trăng (TP Cần Thơ) cho biết: “Phường đã chủ động cải tạo phòng làm việc, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, ghế ngồi, máy móc để đón tiếp và phục vụ người dân chu đáo. Ngày đầu làm việc, lãnh đạo phường quán triệt đến cán bộ, công chức phải nỗ lực hết mình phục vụ người dân, đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu”.
Cà Mau: Đưa dịch vụ công đến tận cửa nhà dân
Một nền hành chính gần dân hơn, hiệu quả hơn không chỉ ở đô thị mà còn lan tỏa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tại xã Khánh An (tỉnh Cà Mau), mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã được triển khai song song với tổ công nghệ số cộng đồng. Từ sáng sớm, các thành viên tổ công nghệ đã đến từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính bằng hình thức số hóa. Mô hình này giúp tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời xóa bỏ rào cản tâm lý trong việc tiếp cận dịch vụ công vốn là thách thức đối với người dân vùng sâu, vùng xa. Ông Lê Minh Trung, người dân xã Khánh An cho biết: “Ban đầu còn nhiều lúng túng, đặc biệt với người lớn tuổi. Nhưng nay đã có khoảng 70-80% người dân bắt nhịp tốt. Cán bộ đến tận nhà tập huấn, hướng dẫn rất nhiệt tình”.
Mô hình “đưa dịch vụ công đến tận cửa” không chỉ mang lại thuận lợi mà còn khẳng định tinh thần cải cách hành chính lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Ngày làm việc đầu tiên không chỉ khởi đầu cho một cơ cấu hành chính mới mà còn mở ra kỳ vọng về một nền hành chính công hiện đại, thân thiện và nhân văn hơn. Đây chính là minh chứng cụ thể cho cam kết xây dựng một chính quyền phục vụ-nơi người dân là trung tâm, là mục tiêu và cũng là động lực cho mọi cải cách.
Nhóm PV thực hiện
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.