Tham dự tọa đàm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Tư lệnh Quân khu 3; Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cùng lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị; các nhà khoa học; các nhà nghiên cứu trong và ngoài Quân đội.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tính đúng đắn, khoa học của Nghị quyết
Thay mặt Ban tổ chức, phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, đáp ứng kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; tạo ra không khí phấn khởi, vui mừng trong toàn xã hội. Nhiệm vụ tiếp theo sau Đại hội XII của Đảng là phải nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Thông qua việc tổ chức buổi tọa đàm này, Ban tổ chức mong muốn với trí tuệ, trách nhiệm, tình cảm và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, các đại biểu sẽ đóng góp những ý kiến quý báu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chủ trương, giải pháp mà Đại hội XII của Đảng đã quyết nghị, thông qua.
Sau phần gợi mở của Ban tổ chức, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận với lập luận sắc bén, vừa có tính lý luận sâu sắc, vừa có tính thực tiễn phong phú. Các đại biểu đã khẳng định: Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn qua hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Viết Thông.
Phát biểu tham luận tại tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được thể hiện theo vấn đề, thay vì theo lĩnh vực, sát hơn với thực tiễn, đó là điểm mới so với cách xây dựng các văn kiện và Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, Dự thảo các văn kiện được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi ở đại hội đảng các cấp và lấy ý kiến của toàn dân. Đa số ý kiến đồng tình với nội dung của Dự thảo các văn kiện. Như vậy có thể thấy, chúng ta đã “đưa được cuộc sống vào Nghị quyết”.
Theo đồng chí Nguyễn Viết Thông, để Nghị quyết XII của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần phải xác định rõ ba vấn đề: Làm gì? Làm như thế nào? Ai làm?
Để giải quyết được câu hỏi “làm gì”, cần phải làm tốt một số nội dung như: Tuyên truyền Nghị quyết; thể chế hóa nghị quyết, xây dựng chương trình hành động; tổ chức thực hiện Nghị quyết; kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết. Trả lời câu hỏi “làm như thế nào”, đồng chí Nguyễn Viết Thông cho rằng, Đảng làm trước, cấp trên làm trước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 6 nhiệm vụ trung tâm Đại hội đã nêu; làm kiên quyết, kiên trì, tránh hình thức; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.
Câu hỏi “ai làm?” được Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ, việc đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của tất cả các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng quyết định nhất là người đứng đầu.
Chúng ta biết rằng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải thật sự sâu sát cơ sở, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương tiếp tục làm rõ thêm quan điểm về công tác dân vận của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XII và các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh, nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, Đảng ta rút ra 5 bài học quan trọng, trong đó có bài học “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là bài học sâu sắc, là sự kế thừa ý thức “dân là gốc” của ông cha ta qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Bởi thế có thể thấy rõ, quan điểm xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là “lấy dân làm gốc”.
Đồng chí Nguyễn Thế Trung, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại tọa đàm.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Trung, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ, cấp ủy các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ và giải pháp. Để đưa nhanh Nghị quyết vào cuộc sống, ngoài tổ chức quán triệt sâu rộng, theo phương pháp đổi mới thì 6 nhiệm vụ nói trên cần có 6 “tư lệnh” chỉ huy thực hiện. Mỗi nhiệm vụ cần xác định rõ trọng tâm; nguồn lực thực hiện; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm; xác định thời gian hoàn thành. Ngoài ra, cần xác định những nội dung quan trọng của Nghị quyết, để Nhà nước thể chế hóa kịp thời thành chính sách, pháp luật. Cùng với đó cần tập trung tìm hiểu, nắm bắt, giải quyết thấu đáo, thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
TS Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu.
Đến với tọa đàm, TS Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu làm rõ hơn mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế; vai trò của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí cho rằng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã mô tả rõ hơn, dễ hiểu hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như vai trò của kinh tế Nhà nước...
Đa dạng các biện pháp quán triệt, thực hiện Nghị quyết
Một trong những mảng nội dung được quan tâm, tham luận sôi nổi, có chất lượng tại buổi tọa đàm là việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3.
Trong tham luận của mình, Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 đã làm nổi bật cách thức cụ thể hóa chủ trương của Đảng vào thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh trên địa bàn Quân khu 3. Đồng chí cho biết, Quân khu 3 là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh (QP-AN) của đất nước. LLVT quân khu luôn phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về QP-AN, nhất là những nội dung mới được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Quân khu 3 đã xác định một số chủ trương, biện pháp cụ thể để xây dựng nền QPTD vững mạnh, như: Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT quân khu theo hướng xây dựng bộ đội chủ lực “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, bảo đảm tỷ lệ theo quy định, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, sắp xếp đúng chuyên nghiệp quân sự; coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị cho các đối tượng; tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố, tăng cường QP-AN; tăng cường thế trận và sức mạnh của khu vực phòng thủ, đồng thời chủ động nắm chắc tình hình, xử lý thắng lợi mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Trong tiêu đề Đại hội XII, Đảng ta xác định rất rõ: “Xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Hưng Yên là một trong những địa phương đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa (CNH-HĐH). Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, ngay sau Đại hội XII của Đảng, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều cách thức, biện pháp để sớm đưa địa phương trở thành tỉnh công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên chia sẻ, tỉnh Hưng Yên đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2015 - 2020), trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Phát triển kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội; quốc phòng, an ninh, tư pháp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; tăng cường xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh; đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.
Về vấn đề phát triển kinh tế của Hưng Yên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ cho biết, Hưng Yên sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông, các khu đô thị hiện đại; phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ; động viên các nguồn lực, khai thác các nguồn thu, tăng tỷ lệ thu nội địa, đảm bảo chi hiệu quả; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mang đến tọa đàm những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ở Hà Nam, đồng chí Vũ Nguyên Đán, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp là tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 sâu rộng trong Đảng và các tầng lớp nhân dân, để đưa nhanh Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đồng chí Vũ Nguyên Đán, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao các ban, ngành của tỉnh tham mưu xây dựng chương trình hành động sát tình hình thực tiễn của địa phương, có tính khả thi cao; kiên quyết khắc phục cho bằng được tình trạng sao chép, mô phỏng chương trình hành động của cấp ủy cấp trên, không bám sát tình hình nhiệm vụ của địa phương, thiếu thực tiễn, sáng tạo. Tỉnh ủy sẽ tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân qua truyền hình trực tiếp; các đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp dự, chỉ đạo việc học tập, quán triệt nghị quyết tại địa phương, đơn vị mình; các lớp học tập, nghiên cứu Nghị quyết đều phải dành thời gian nhất định thảo luận thống nhất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết và tập trung thảo luận kỹ chương trình hành động của cấp mình.
PGS, TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thế, Phó giám đốc Học viện Chính trị. Ảnh: Trọng Hải
Trong tham luận của mình, PGS, TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thế, Phó giám đốc Học viện Chính trị cũng nêu bật cách quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ở Học viện Chính trị. Đồng chí cho biết, Đảng ủy học viện đã chỉ đạo cấp ủy các cấp trong toàn đảng bộ xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII theo hướng đổi mới về nội dung, hình thức, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Trong đó, đặc biệt chú trọng những quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề lý luận thực tiễn phát triển mới trong các văn kiện Đại hội về: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ làm cơ sở để định hướng trong xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Phát biểu tại tọa đàm, Thiếu tướng Ngô Kim Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, khi xác định rõ: Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng.
Thiếu tướng Ngô Kim Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng TTLL phát biểu tại buổi tọa đàm.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng Binh chủng TTLL hiện đại, ngay sau Đại hội XII của Đảng, Đảng ủy Binh chủng TTLL và các cấp ủy trong toàn binh chủng đã ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề; chỉ huy các cấp có kế hoạch cụ thể về xây dựng đơn vị tiến lên hiện đại, trong đó xác định 2 nhân tố chính đó là con người và vũ khí trang bị. Về con người, binh chủng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sạch, lành mạnh; động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao; đoàn kết, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; có trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về trang bị, khí tài, binh chủng sẽ tập trung điều chỉnh “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2015- 2020” theo hướng hiện đại, “lấy mạng làm trung tâm”; xây dựng hạ tầng thông tin liên lạc quân sự có khả năng kết nối, tích hợp linh hoạt với các mạng viễn thông khác, làm cơ sở cho động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của thông tin nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thiếu tướng Ngô Kim Đồng đã kiến nghị, đề xuất: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, đào tạo, thu hút những người có đủ tiêu chuẩn, chất lượng cao vào quân đội; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư con người, nguồn lực đối với các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại để thu hút nhân tài.
Phát huy trách nhiệm của toàn xã hội
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, hiệu quả là trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và là trách nhiệm của mọi người. Song như vậy là chưa đủ, các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, phát biểu tại tọa đàm.
Trong tham luận tại tọa đàm, TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều biến đổi, với nhiều cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước..đã có nhiều hoạt động xuyên tạc, chống phá Đại hội XII của Đảng ta. Với sự phân tích thấu đáo, cặn kẽ và dẫn chứng cụ thể, TS Cao Đức Thái đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực phản động, thù địch, khi cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc phương thức tổ chức, nhất là về nguyên tắc tập trung dân chủ của Đại hội Đảng; xuyên tạc những vấn đề liên quan đến nhân sự Đại hội... Theo TS Cao Đức Thái, để phản bác lại những luận điệu sai trái nói trên, chúng ta cần làm rõ đường lối, chính sách “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”; nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đại hội; đánh giá của cộng đồng quốc tế về Đại hội XII.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản tiếp tục khẳng định, Nghị quyết Đại hội XII có những vấn đề mới. Để những vấn đề đó đến với quần chúng nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nhanh chóng chuyển tải những vấn đề đó đến với nhân dân. Đồng chí cũng đánh giá cao việc kịp thời tổ chức buổi tọa đàm "Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống" của Báo QĐND, Cục Tuyên huấn và Trung tâm PT-TH. Đây cũng là một trong những biện pháp thiết thực để Nghị quyết của Đảng "thấm nhanh, thấm sâu" vào cuộc sống...
Sinh viên Phan Thị Hồng Hạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bạn Phan Thị Hồng Hạnh đã chia sẻ niềm vui của bản thân, cũng như đông đảo sinh viên nhà trường trước sự thành công của Đại hội XII của Đảng; đồng thời thể hiện quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện nhằm tích lũy kiến thức, kỹ năng, trình độ để phục vụ xã hội, đất nước, và đó cũng là cách đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đi vào cuộc sống. Phan Thị Hồng Hạnh cũng thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước ta.
Thiếu tướng Trần Hoài Trung phát biểu kết luận tọa đàm.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Trần Hoài Trung nhấn mạnh, sau hơn 3 giờ thảo luận sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, bằng trí tuệ, kinh nghiệm và tình cảm của các đại biểu, buổi tọa đàm “Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống” đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Các ý kiến tham luận thêm một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, cách mạng, khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; quyết tâm, trách nhiệm và những cách làm sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết; cách thức nhận diện và đấu tranh với các thế lực thù địch, để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, của mỗi người, cũng như của các cơ quan thông tấn, báo chí trong thực hiện Nghị quyết. Tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà lý luận tại buổi tọa đàm sẽ góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân...
Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ