Trong đời sống nhân dân, từ mỗi nếp nhà đến nền văn hóa đất nước đậm đà bản sắc, lòng tin và niềm hy vọng là những nhân tố cốt lõi của nguồn sức mạnh nội sinh. Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn, thách thức đến đâu cũng phải củng cố niềm tin, thắp sáng hy vọng để đoàn kết vượt qua, hướng tới tương lai tươi sáng...
1
Lên 6 tuổi, tôi được ông bà nội cho đi theo ra đồng. Đó là một ngày mùa đông hanh hao gió buốt. Rét căm căm nhưng từ khi hừng đông chưa mở mắt, trời đất chung một màu nhờ nhờ của sương đêm mờ đục, người làng đã đổ ra đồng cày bừa, gieo cấy. Bà con tranh thủ thời gian làm thật nhanh để kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Thế giới tuổi thơ tôi mở ra không gian bao la, lạ lẫm với những cánh đồng chằng chịt ruộng bờ, với núi đồi trùng điệp và con sông quê uốn lượn như dải lụa khổng lồ xuôi về biển cả. Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra, đất nước, quê hương trong lời ru của bà, trong bài dân ca mẹ hát thật mênh mông chứ không chỉ là góc sân, khoảng trời, lũy tre và đêm trăng rằm bên thềm hoa cau trông vời chú cuội ngồi gốc cây đa...
Tôi quên cả rét, chạy tung tăng bên bờ ruộng trong chiếc áo tơi thùng thình. Năm ấy, dân quê tôi được mùa. Thu hoạch xong vụ xuân-hè, chuẩn bị cho vụ hè-thu, ông tôi nói với mọi người: “Năm ni có lụt, mà có khi lụt to nữa”. Ông là nhà Nho, am hiểu thiên văn, địa lý nên điều ông nói, dân làng rất tin.
 |
Một góc đô thị TP Hà Nội (trong ảnh là khu vực công viên Thống Nhất). Ảnh: HẢI PHONG |
Quả nhiên năm đó lụt to, rồi năm sau, năm sau nữa... lụt lội, mất mùa liên miên. Đời sống dân làng rơi vào khó khăn, túng thiếu, ngày giáp hạt dài lê thê, đám trẻ trâu chúng tôi quên nô đùa vì bụng đói cồn cào... Có điều lạ là năm nào cũng có lụt nhưng không mùa nào bà con bỏ gieo trồng, cấy hái. Ông bà mình có truyền thống cần cù, chịu khó từ bao đời, được mùa chẳng phụ ngô khoai, mất mùa không quên cấy hái. Mỗi khi gieo hạt xuống ruộng vườn, ai cũng có niềm tin, niềm hy vọng về những vụ mùa bội thu.
Ngay cả khi mất mùa, đói kém, trong chum, trong vại của mỗi nhà cũng không bao giờ thiếu thóc giống. Triết lý giản dị ấy đã trở thành nếp nhà từ đời này qua đời khác. Bổn phận của nhà nông, ai cũng ghi nhớ và thực hiện như một nhu cầu tự thân...
Tôi lớn lên, mang theo khát vọng của ông bà, cha mẹ, rũ bùn, xỏ giày rời xa lũy tre làng đi học hành rồi an cư lạc nghiệp ở thành phố, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi không quên đường ăn nết ở từ lũy tre làng. Quãng đời gắn với bờ đê, ruộng bãi chỉ có chưa đầy 20 năm, nhưng đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất, quyết định thiên hướng cho cả cuộc đời.
Ở đất nước mình, hầu như ai cũng được sinh ra bên một dòng sông, trong một quê hương nếp nhà dân dã. Và tôi tin, cho dù có đi nơi đâu, làm gì, ai ai cũng nhớ một phần “chân quê”...
Vừa rồi xem truyền hình, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc cán bộ, đảng viên và người dân phải giữ nếp nhà, giữ lấy chân quê mà thấm thía vô cùng. Rất nhiều người khi tâm sự với chúng tôi cũng đều có chung trạng thái cảm xúc ấy.
Nếp nhà là những gì tiến bộ, tốt đẹp nhất được gạn lọc, chưng cất từ phong tục tập quán, từ nền nếp gia phong tích tụ bao đời. Nếp nhà là thành tố cốt lõi của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ được nếp nhà thì trong cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội... lúc nào cũng sẵn nguồn sức mạnh nội sinh để gặp khó khăn không nản chí, gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn sẽ cùng nhau sẻ chia, giúp đỡ. Giữ được nếp nhà là giữ được văn hóa. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Niềm tin, niềm hy vọng trong đời sống tinh thần của mỗi người chính là những giá trị cao đẹp của nếp nhà.
Tổ tiên ta, ông bà ta từ ngàn vạn năm rồi, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của ngoại xâm, thiên tai, dịch bệnh... có những giai đoạn lịch sử dân tộc bị áp bức, nhân dân thành nô lệ dưới gót giày ngoại bang cả trăm năm, nhưng niềm tin và khát vọng độc lập, tự do chưa và không bao giờ nguội tắt trong lòng dân. Khát vọng ấy được gạn lọc, chưng cất qua thời gian, hóa thành linh khí quốc gia, giúp dân tộc ta, nhân dân ta không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, trước bất cứ khó khăn, thử thách nào...
2
Tờ lịch cuối cùng của năm 2021 đã rời lốc. Giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng đã theo năm cũ đi qua.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước khắp bốn biển năm châu đón chào năm mới 2022 với niềm tin, hy vọng, khát vọng mới. Với chiến lược thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta có đầy đủ cơ sở để củng cố vững chắc niềm tin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta sẽ khai mở tiềm năng, tận dụng cơ hội để phục hồi và phát triển. Kết quả tốt đẹp của các chuyến thăm, quan hệ ngoại giao giữa lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ ta với nguyên thủ quốc gia một số nước bạn dịp cuối năm 2021, tiếp tục củng cố, nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chúng ta có niềm tin rằng, nhất định chúng ta sẽ vượt qua thách thức, khó khăn để tiếp tục củng cố, phát triển cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của quốc gia, dân tộc; tiếp tục chăm lo tốt hơn cho đời sống đồng bào, chiến sĩ. Sau cơn mưa trời lại sáng. Qua dông bão là trời quang, mây tạnh. Qua đêm dài, hừng đông mở sáng đón bình minh...
Nhìn lại giai đoạn đầy thử thách, khó khăn của năm 2021, đã có những lúc, những nơi, trong đời sống xã hội xuất hiện tâm lý bi quan. Đó là khi chúng ta chứng kiến hình ảnh người lao động ở các khu công nghiệp tại các đô thị lớn, do hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh mà vất vả hồi hương. Đó là bữa cơm thời Covid của người nghèo, là hình ảnh những người buôn thúng bán bưng chật vật trong các khu nhà trọ giữa dịch bệnh bủa vây. Đó là hình ảnh những gia đình gạt nước mắt đón nhận hũ tro cốt của người thân tử vong do dịch Covid-19...
Đó là những mảng trầm, mảng tối của đời sống xã hội mà không một quốc gia, dân tộc nào có thể tránh được trước sự tấn công của đại dịch Covid-19. Bám vào những mảng tối ấy, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, tung tin giả, bóp méo, bôi đen, quy kết, lớn tiếng chỉ trích lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của đất nước trong chỉ đạo, điều hành chống dịch, hòng làm xói mòn lòng tin, dập tắt hy vọng của dân ta.
Vượt lên thử thách, khó khăn, vượt lên đau thương, mất mát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã khơi dậy, lan tỏa phẩm giá của người Việt Nam và truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc, làm sáng lại những mảng tối, ấm lại những vùng lạnh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xốc lại niềm tin, chia ngọt sẻ bùi, nhường cơm sẻ áo. Bầu không khí nghĩa tình, nhân ái đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” thêm một lần đưa cả dân tộc xích lại gần nhau với tinh thần tương thân tương ái. Đó là biểu hiện cao đẹp của nếp nhà, của bản sắc văn hóa dân tộc. Niềm tin chiến thắng dịch bệnh, niềm hy vọng về tương lai tươi sáng, khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường chính là sự chưng cất, kết tinh từ bệ đỡ của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tiễn sinh động ấy là câu trả lời đanh thép, phản bác mọi thông tin xuyên tạc, quy chụp của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch...
3
Tôi nhận được lời mời đến dự lễ đính hôn của một sĩ quan trẻ ở Đồng Nai. Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu trên tuyến đầu chống dịch, bén duyên với nữ tình nguyện viên xinh đẹp, giỏi giang ở TP Hồ Chí Minh. Chứng kiến Bộ đội Cụ Hồ giúp dân trong cao điểm chống dịch, gia đình cô gái đã gả con gái cho anh sau gần nửa năm đôi trẻ quen nhau, hò hẹn.
Lễ đính hôn là một cái kết thật đẹp của mối quan hệ quân dân trong hoạn nạn, khó khăn. Sắc áo cô dâu, sắc hoa đính ước như là sắc màu hy vọng về một tương lai tươi sáng cho hạnh phúc, tình yêu. Dịch bệnh đi qua, những đoàn quân Bộ đội Cụ Hồ chi viện giúp các địa phương chống dịch trở về đơn vị, nhưng tình cảm keo sơn gắn bó quân dân, mà điểm nhấn là những mối tình đẹp như trang thơ có màu quân phục thì còn mãi trong đời sống nhân dân, tô thêm nét đẹp cho mỗi nếp nhà.
Đêm cuối năm 2021, tôi dậy thật sớm. Phương Nam độ này mưa nhiều. Nửa đêm về sáng trời trở lạnh, chả khác gì mùa đông miền Bắc. Gà gáy tàn canh, tôi đứng trên tầng cao nhìn về phương đông. Ký ức tuổi thơ ùa về theo từng đợt gió. Tôi vẫn như thấy ông nội tôi, ngồi vuốt giấy dó, nâng cán bút viết câu đối bằng mực Nho. Đêm đông, ông thường ra đầu làng xem thiên văn. Đi qua mùa bão lũ, ông xem sắc màu, độ sáng của hừng đông để nói với dân làng niềm hy vọng mùa màng...
Đi qua năm 2021 đầy âu lo và biến động, trước mặt tôi, hừng đông đang mở sáng...
Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN