Đóng góp ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện đã có rất nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều luật nhằm hỗ trợ DNNVV, nhưng do còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức thực hiện chưa tốt nên việc hỗ trợ DNNVV không có hiệu quả. Trong khi đó, dự thảo luật có một số quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh của hơn 10 luật khác, có thể dẫn đến xung đột pháp luật, có thể xảy ra việc hỗ trợ nhiều lần cho một đối tượng. Về đối tượng áp dụng, có nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng áp dụng như quy định của dự thảo luật là quá rộng (khoảng 97,9% là DNNVV), xét nguồn lực hiện nay của Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ tất cả. Do đó, dự thảo luật cần ưu tiên chọn lựa hỗ trợ nhóm doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng là thực sự rất cần thiết. Dự thảo luật đưa ra rất nhiều sự hỗ trợ cho DNNVV về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ kỹ thuật... Tuy nhiên, trong những văn bản pháp luật cũng như nghị quyết của Đảng đều quy định cạnh tranh bình đẳng và tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp vươn lên, tránh ỷ lại cũng như tránh sự thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Theo đại biểu, cách hỗ trợ là cần tạo cơ chế, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các hỗ trợ mang tính trực tiếp hoặc hỗ trợ tài chính. Việc hỗ trợ phải mang tính khuyến khích doanh nghiệp lớn mạnh, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp "không chịu lớn", chỉ thích nhỏ để được hỗ trợ và doanh nghiệp càng nhỏ thì nhận hỗ trợ càng nhiều. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, dự thảo luật cần xây dựng theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định, ví dụ như chỉ hỗ trợ trong 3-5 năm đầu khi doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các doanh nghiệp có đóng góp lớn trong tạo việc làm, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào đổi mới sáng tạo và không hỗ trợ theo cách cào bằng sẽ gây lãng phí nguồn lực, không khuyến khích được doanh nghiệp lớn mạnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng đồng tình với quan điểm cần hỗ trợ có trọng tâm. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp và các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị bền vững.

Cũng tại phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020).

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về: Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai nội dung trên và dự án Luật Cảnh vệ.

Hôm nay (10-11), Quốc hội tiếp tục làm việc.

MINH MẠNH