Nhận định của đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trong phiên thảo luận tổ ngày 9-11 cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khi đánh giá tầm quan trọng của Dự án Luật Hỗ trợ DNVVN, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều băn khoăn.

“Bà đỡ” của lực lượng lao động

Theo ĐB Đỗ Tiến Sỹ (Hưng Yên), tại nhiều địa phương, DNVVN chủ yếu  góp phần thúc đẩy tạo điều kiện phát triển cho tỉnh, tuy tốc độ không nhanh nhưng giữ vững nguồn thu, tạo sự ổn định trong quá trình phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn, khi nông dân dành đất để phát triển cho công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Khẳng định vai trò quan trọng của DNVVN đối với lao động nông thôn, ĐB Sỹ dẫn chứng “ly nông bất ly hương”, người nông dân khi không làm nông nghiệp thì không có nghĩa đi thành phố khác để phát triển, mà có thể tham gia thị trường lao động DNVVN ở làng nghề, tiểu thủ công nghiệp. Họ chính là “bà đỡ” những lao động nông thôn.

Ghi nhận ý nghĩa lớn của Luật Hỗ trợ DNVVN đối với cộng đồng doanh nghiệp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng đây là dự án luật quan trọng, góp phần thực hiện chính sách rất lớn là huy động nguồn vốn xã hội và năng lực của các tổ chức cá nhân tham gia vào thị trường, góp phần vào công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế.

leftcenterrightdel
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

Đóng góp vào dự án, ĐB Nhưỡng đề nghị bên cạnh quan điểm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị bền vững, thì cần bổ sung hỗ trợ những DN tham gia vào dự án xử lý môi trường và các dự án DNNVV đầu tư ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Thẳng thắn nhận xét rằng các điều khoản trong luật còn mang tính chung chung, ĐB Nhưỡng đề nghị tại Điều 10, cần xác định rõ loại quỹ, như nguồn quỹ, phương pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ, làm rõ hạn mức tín dụng, vấn đề bảo lãnh và các điều kiện bảo đảm này có khác với cho vay sản xuất kinh doanh thông thường không, bởi chúng ta đang xác định là ưu đãi, hỗ trợ.

“Khi chúng ta hỗ trợ các DNNVV phải khác với các DN tiềm năng rất lớn về mặt tài chính. Bởi các DN kia "đi băng băng bằng các loại xe công suất lớn", còn DNNVV chỉ là "đi xe cút kít, xe thô sơ”, ĐB tỉnh Bến Tre nêu ý kiến.

Do đó, Dự án Luật cần làm rõ chính sách hỗ trợ làm các thủ tục. ĐB Nhưỡng cho biết khi đi tiếp xúc cử tri, các DN nói để tham gia vào thương trường vô cùng mệt mỏi và chán nản, bởi một người tham gia dự án thì lập tức nhận được giấy của cơ quan chủ trì gửi tất các sở ban ngành yêu cầu cho ý kiến và riêng đi tất cả các sở ban ngành phải mất 1-2 năm, thậm chí phải “xin xỏ” mới được cấp văn bản đồng ý tham gia vào dự án.

“Đấy là DN có tiềm năng còn kêu thế thì DNVVN bước chập chững vào thị trường, nếu không cải cách rõ các vấn đề về thủ tục, hỗ trợ họ đến đâu thì chúng ta sẽ ngăn cản, thậm chí tiêu diệt họ ngay từ bước đầu”, ĐB Nhưỡng cho biết.

Cần đánh giá ảnh hưởng đến thu ngân sách

Đồng tình với Dự án Luật sẽ tạo nhiều hỗ trợ cho DN, nhưng ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng bày tỏ lo ngại nếu các chính sách hỗ trợ không chặt chẽ, sẽ dẫn đến tư tưởng dựa vào Nhà nước, DN “giữ mình” ở vị trí đó để được hỗ trợ, thay vì phát triển để phải đóng góp, nộp thuế nhiều hơn.

ĐB Thủy cho rằng hiện nay tỷ lệ nợ xấu của đối tượng này thấp thực sự không phản ánh được vấn đề, bởi do họ không có tư tưởng làm để trả nợ, mà vay rất thấp. Do đó, cần có đánh giá rõ ràng về Nghị định 56 trước khi ban hành luật.

Tỏ ra băn khoăn về Dự án Luật này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng là thực sự rất cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu nói đến các chính sách hỗ trợ thì cần có thời hạn và ở thời điểm nhất định. Như vậy, ban hành một dự án luật có cần thiết hay không vì luật mang tính ổn định lâu dài. Nếu luật hóa tất cả các quy định như trong dự thảo thì có nghĩa sẽ được áp dụng trong thời gian rất dài.

ĐB Mai nêu, trong những văn bản pháp luật cũng như Nghị quyết của Đảng đều quy định cạnh tranh bình đẳng và tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp vươn lên, tránh ỷ lại, cũng như tránh sự thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Như vậy, cách hỗ trợ trong dự án luật này cần lưu ý thêm.

Theo đại biểu, cùng với việc ban hành luật này thì tác động rất lớn đến ngân sách. Theo báo cáo của Chính phủ thì sẽ giảm thu khoảng 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Theo như Bộ Tài chính thì số giảm thu khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Một trong những nguyên tắc khi ban hành chính sách đó là không làm giảm thu ngân sách. Khi ban hành dự án luật này đã tác động lớn đến ngân sách, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn.

“Đưa ra rất nhiều hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, cung cấp thông tin... đằng sau những hỗ trợ này là kinh phí, nguồn lực thực hiện, nhưng trong Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được, khiến tính khả thi của dự án luật chưa cao”, ĐB Mai nhận xét.

ĐB Lê Quân (Hà Nội) thì cho rằng luật này đáp ứng yêu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cũng như triển khai đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự thảo Luật đưa ra theo tính chất các DN đang cần gì thì hỗ trợ đó. Do đó, cần có đánh giá về tác động của dự án Luật này, đánh giá ảnh hưởng thế nào đến thu ngân sách về thuế.

"Dự thảo Luật cần bảo đảm nguyên tắc khuyến khích DN tăng trưởng, để DN lớn lên. Dự thảo Luật cần xây dựng theo hướng hỗ trợ DN trong một giai đoạn nhất định như trong 3-5 năm đầu DN mới đi vào hoạt động. Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các DN có đóng góp trong việc tạo việc làm, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào đổi mới sáng tạo chứ không nên hỗ trợ theo cách cào bằng", ĐB Quân đề nghị.

Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội đã nghe trình bày dự án Luật Quy hoạch; Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư...

THU HÀ