Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm phòng triển lãm ảnh về Việt Nam.
Trọng thị mà thân tình
Trên các đường phố của thủ đô Trung Quốc vẫn không thể tránh khỏi nạn kẹt xe, tuy nhiên, lưu lượng ở khu vực trung tâm đã giảm hẳn. Những ô cỏ chữ nhật xinh xinh trồng cây xanh có ở khắp nơi, dọc các con đường, với những cụm hoa phù dung, hoa hồng rực rỡ trong nắng mùa hè. Cũng nhiều không kém là các biểu ngữ bằng tiếng Trung và tiếng Anh, nội dung kêu gọi hợp tác, cùng nhau chia sẻ lợi ích. Nhiều nhất là những biểu ngữ nhân dịp Diễn đàn Cấp cao hợp tác sắp diễn ra ở Bắc Kinh: “Hợp tác Vành đai và Con đường-cùng nhau chia sẻ sự thịnh vượng”...
Phía Trung Quốc đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang theo đúng lễ nghi đón nguyên thủ quốc gia, có 21 phát đại bác, có duyệt đội danh dự, trọng thị nhưng vẫn thân tình. Chiều 11-5, ở Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở đầu cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo hai quốc gia bằng câu: “Thật vui khi được gặp lại đồng chí Trần Đại Quang trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước. Tôi cũng đi thăm Việt Nam mới đây thôi...”.
Sự trọng thị đó thể hiện trên Trung Hoa nhật báo, một trong những tờ báo lớn có đông lượng người đọc nhất ở Trung Quốc. Trên trang nhất số ra ngày 12-5, một ngày sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 5 ngày, đăng trang trọng bài báo lớn ở chính giữa trang với tiêu đề: Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Bài báo trích lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong buổi hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, rằng chuyến thăm sẽ tạo động lực cho quan hệ giữa hai nước để thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Bài báo cũng trích lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói phía Việt Nam mong muốn mở rộng quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thúc đẩy giao lưu nhân dân...
Một cuộc tham quan thú vị
Không có gì thể hiện rõ ràng tinh thần “giao lưu nhân dân” ấy hơn một hoạt động “bên lề” khá thú vị diễn ra trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân. Cũng trên tờ Trung Hoa nhật báo nói trên, bức ảnh lớn duy nhất trên trang nhất kèm theo bài báo không phải thể hiện một hoạt động ngoại giao chính thức, mà là hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viên hướng dẫn Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân Nguyễn Thị Hiền đi xem phòng triển lãm ảnh chủ đề “Việt Nam tươi đẹp: Việt Nam trong mắt nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung Quốc”, được trưng bày trang trọng ngay trong Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh.
Để có triển lãm này, cần phải đi ngược lại thời gian một chút, khi trung tuần tháng 4 vừa qua, một đoàn gồm 10 nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung Quốc đã được mời sang Việt Nam để sáng tác các tác phẩm chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong thời gian một tuần lễ, từ ngày 9 đến 15-4, đoàn đã đi thăm Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, kết quả là có được triển lãm ảnh về một đất nước Việt Nam cẩm tú, mến khách.
Triển lãm ảnh chia theo 4 chủ đề: Non nước hữu tình; Tiếng vọng của lịch sử; Đời sống nhân văn; Đô thị dưới ánh sáng, phản ánh khá đa dạng đời sống cũng như cảnh vật của Việt Nam. Thông qua ống kính nhiếp ảnh, các nghệ sĩ Trung Quốc kể những câu chuyện về đời sống văn hóa, tinh thần, cảnh vật tươi đẹp, sự phát triển của các đô thị và cuộc sống của người dân Việt Nam, giới thiệu với nhân dân Trung Quốc thiên nhiên, văn hóa cũng như diện mạo một nước Việt Nam hấp dẫn, nhiều màu sắc.
Sau hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân Bành Lệ Viên đứng chờ sẵn Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân rồi cùng vào trong phòng triển lãm.
Và rồi đã diễn ra một cảnh tượng khá thú vị: Cảnh vật, con người trong ảnh là của Việt Nam; chụp ảnh là các nghệ sĩ nhiếp ảnh Trung Quốc; diễn giải làm sâu thêm nội dung các bức ảnh là Chủ tịch nước Trần Đại Quang; còn ông Tập Cận Bình, người mà tháng 12-2011 từng đi thăm Việt Nam với tư cách Phó chủ tịch Trung Quốc, tháng 11-2015 thăm Việt Nam với tư cách Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, cứ mỗi bức ảnh lại như gặp người quen cũ!
Dừng trước bức ảnh Địa mạo karst ở tỉnh Ninh Bình của tác giả Hoàng Vĩnh Cẩm với phong cảnh xanh mướt hữu tình, Chủ tịch Trần Đại Quang tự hào nói: “Đây là quê tôi! Ninh Bình còn có một danh thắng nữa là Tràng An ở khu Tam Cốc-Bích Động, có khu chùa Bái Đính mới được xây dựng cũng đẹp lắm”.
Trước bức ảnh Vịnh Hạ Long, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dừng lại ngắm hồi lâu rồi nói: “Khi thăm Việt Nam, tôi đã tới đây rồi. Rất đẹp!”. Tới một bức ảnh khác, chụp cảnh cầu Thê Húc trên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dừng lại để nhớ về một kỷ niệm trong chuyến thăm Việt Nam trước đây: “Tôi cũng đã qua cây cầu này để vào trong đền rồi; tôi còn nhớ ở đó có tiêu bản một con rùa to lắm!”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp lời: “Ở Việt Nam, chúng tôi gọi đó là Cụ Rùa”.
Hai nhà lãnh đạo dừng lâu bên bức ảnh chụp trẻ em Hà Nội nhảy dây trên một phố cổ ở Hà Nội để Chủ tịch nước Trần Đại Quang giải thích với Chủ tịch Tập Cận Bình về những trò chơi dân gian của người dân Việt Nam.
Rồi đến trước bức ảnh chụp thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Đây là thành phố mà tôi sẽ đến vào cuối năm nay”. Đó là một lời khẳng định lại của Chủ tịch nước Trung Quốc về việc ông sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC mà Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 11 tới, trong Năm APEC Việt Nam 2017...
Dự kiến kéo dài chừng 10 phút nhưng sau hơn 30 phút, hai nhà lãnh đạo mới kết thúc chuyến tham quan phòng triển lãm ảnh. Trước khi chia tay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói, phía Việt Nam cũng sẽ tổ chức một triển lãm ảnh tương tự khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào cuối năm nay, với chủ đề: “Trung Quốc tươi đẹp: Trung Quốc trong mắt nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam”. Rồi ông cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình, bởi vì “không có gì khác hơn điều mà chúng ta đã thống nhất về tăng cường giao lưu nhân dân, chính là những phòng triển lãm ảnh như thế này. Giao lưu nhân dân cũng chính là giao lưu nhân văn!”.
Sự giản dị ở Phúc Châu
Ở thành phố Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến phía nam Trung Quốc, chặng dừng chân thứ hai của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm cấp Nhà nước, bên cạnh việc tham gia các hoạt động chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cũng đi thăm khu phố cổ, thăm khu Di sản phi vật thể, xem biểu diễn kịch và thưởng trà, một đặc sản của Phúc Kiến.
Những người dân Trung Quốc bình thường hết sức ngạc nhiên trước sự giản dị, chân tình của nhà lãnh đạo Việt Nam. Phải chăng, qua các hoạt động tưởng chừng như “bên lề” này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hiện thực hóa tinh thần “giao lưu nhân văn” mà ông cùng Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí nhằm thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai đất nước.
Không thể không nhớ đến câu ngạn ngữ của người Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn ra trong bài phát biểu kéo dài 20 phút trước Quốc hội Việt Nam trong chuyến thăm của ông hồi tháng 11-2015, rằng: “Người thân thì mong người thân tốt; láng giềng thì mong láng giềng tốt”.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân kết thúc các hoạt động song phương cũng trên tinh thần mong muốn “người thân tốt, láng giềng tốt” ấy, như lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, là hai bên cần có các hoạt động giao lưu nhân văn làm rường cột cho tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Phía trước là các hoạt động đa phương trong Diễn đàn Cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”...
Bài và ảnh: YÊN BA (từ Bắc Kinh, Trung Quốc)
(Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)