Là nghị quyết về danh nhân văn hóa của UNESCO mang một nội dung kép cả văn hóa và chính trị, Nghị quyết 24C/18.6.5 có giá trị lớn lao, thể hiện sự tôn vinh của cộng đồng thế giới đối với giá trị, ảnh hưởng của tư tưởng và sự nghiệp Hồ Chí Minh đối với Việt Nam và thế giới, đem lại cho chúng ta niềm tự hào vô hạn về “Người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại vì hòa bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội” ( 1).

Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, nhân dân của Người sống trong cuộc đời bần cùng của kiếp người mất độc lập, tự do, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập tự do. Trong hành trình vạn dặm, bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc và nhân loại cần lao, Người đã thấu hiểu, tìm kiếm và đoàn kết những người bị áp bức. Trong trái tim Người có “lòng nhân ái cao cả” của Đức Chúa Giêsu, có tinh thần cao cả tự do, bình đẳng, bác ái của Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789, và ngời sáng phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của những người cộng sản. Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành đội tiên phong vững vàng sáng suốt của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Người đã xây đắp nên khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc tạo ra sức mạnh to lớn vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù với khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Sự thành công của cách mạng cũng như nền hoà bình tự do mà chúng ta đang sống gắn liền với cuộc đời chiến đấu, hy sinh hơn 60 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự cao cả của Người không chỉ là sống, chiến đấu và hy sinh cho độc lập, tự do của riêng dân tộc mình mà còn vì tự do, độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người đã hoạt động trong phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở châu Âu, phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa ở châu Á. Người chính là chiến sĩ quốc tế mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng đã có cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người luôn luôn giáo dục nhân dân Việt Nam thấm nhuần sâu sắc và kết hợp chặt chẽ tinh thần yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh truyền thống văn hóa của Việt Nam, một truyền thống có từ nhiều nghìn năm trước và những lý tưởng của Người tiêu biểu cho khát vọng các dân tộc khác trên thế giới bởi họ đấu tranh nhằm khẳng định bản sắc văn hóa của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Như lãnh tụ Cuba Fidel Castro ca ngợi: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”(2). Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và được kính trọng đối với hàng triệu triệu người khắp nơi trên Trái đất, được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa, các bộ từ điển danh nhân lỗi lạc của thế giới.

Với tấm lòng yêu mến và kính trọng sâu sắc đối với Người, nhiều quốc gia trên thế giới đã lấy tên của Người đặt cho các quảng trường, đại lộ, nhà trẻ, trường học,...; đã dựng phù điêu, tượng đài của Người trên quảng trường và trên các đường phố lớn. Và trên đất nước của Người, ngày nối tiếp ngày, những dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và những di tích khác về Người ngày một thêm đông. Đó là những việc làm thiết thực nhằm góp phần vào việc thực hiện nghị quyết của UNESCO, cũng chính là một trong những nhịp cầu góp phần thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hữu nghị và hòa bình giữa nhân dân toàn thế giới”(3).

Bà Katherine Muller Marin, từng là Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã ca ngợi: “Có được một vị chủ tịch như Hồ Chí Minh, người được nhiều người không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới tôn vinh như anh hùng dân tộc, giống như có được một biểu tượng giúp chúng ta có được một tầm nhìn, chỉ cho đất nước một bến đỗ an toàn cho đất nước”(4).

Tiếp bước con đường vinh quang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ người Việt Nam nhất định sẽ bảo vệ, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới những di sản mà cha ông ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại, tạo nền tảng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện của dân tộc ta phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

VŨ KIM YẾN (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)



(1) Trích bài phát biểu của bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tổ chức vào 12-5-2010 tại Hà Nội

 (2) Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1998

 (3) Bút tích  của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài liệu trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

 (4) Trích bài phát biểu của bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tổ chức vào 12-5-2010 tại Hà Nội