Kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt hải sản và du lịch biển đang là thế mạnh của các tỉnh ven biển khu vực Nam Bộ như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang… Các tuyến đảo có tiềm năng kinh tế, du lịch biển đang hấp dẫn du khách bao gồm: Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Quý, Thổ Chu… Xác định rõ lợi thế, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các tỉnh này đều hướng mạnh về biển với mục tiêu làm giàu từ biển. Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XII của Đảng, Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng toàn diện; khai thác có hiệu quả các tiềm năng của tỉnh, tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch biển”. Điều này được thể hiện bằng những giải pháp đột phá mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể; trong đó, huyện đảo Phú Quý tập trung lựa chọn đầu tư quy hoạch, phát triển mạnh du lịch biển và nuôi trồng thủy sản, hình thành các cụm kinh tế biển với quy mô hiện đại.

Biển Hải Phòng tấp nập về đêm với các hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Hoàng Hà. 
Sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, từ một huyện đảo khó khăn cách xa đất liền, thu nhập chính của các hộ dân là nuôi trồng, đánh bắt hải sản và làm nông nghiệp, đến nay, huyện Phú Quý đã vươn lên, phát triển khá toàn diện. Kinh tế biển và du lịch biển Phú Quý trở thành ngành kinh tế có bước phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng 24,6% cơ cấu kinh tế của huyện. Đồng chí Trần Tới, Bí thư Huyện ủy Phú Quý, cho biết: Với những ưu thế riêng được thiên nhiên ban tặng và sự phát triển du lịch theo định hướng thân thiện, bảo tồn nét hoang sơ vốn có, bám sát tinh thần Đại hội XII của Đảng, Phú Quý đang đầu tư chiến lược để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế, du lịch biển đảo. Huyện xúc tiến triển khai hệ thống dịch vụ du lịch, kêu gọi đầu tư nâng cấp các tuyến vận tải hành khách Phú Quý-Phan Thiết đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện tại, Phú Quý đã có phương tiện tàu cao tốc rút ngắn thời gian đi lại giữa đảo với đất liền, từ 6 giờ xuống còn 3,5 giờ. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch Phú Quý phát triển nhanh, ổn định hơn, an toàn hơn và là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn đến với đảo. Tuy nhiên, Đảng bộ huyện Phú Quý cũng nhìn nhận thẳng thắn hạn chế lớn nhất trong phát triển kinh tế biển và du lịch biển là hệ thống dịch vụ du lịch trên đảo còn quá nghèo nàn, thiếu đầu tư cơ bản. Theo lãnh đạo huyện, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển do Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII xác định, huyện sẽ mở rộng đối tượng đấu thầu, nâng cấp, bổ sung tàu khách, tăng cường dịch vụ mang đặc trưng của đảo; đồng thời mở rộng quy mô hoạt động ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản tập trung cho cả 3 xã Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Long. Các mô hình kinh tế biển, dịch vụ cảng biển và sửa chữa tàu thuyền đang được khuyến khích phát triển mạnh để bảo đảm đưa Phú Quý trở thành trung tâm du lịch ấn tượng vào năm 2020.

Với huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, du lịch biển gắn với các giá trị lịch sử văn hóa cũng được coi là khâu đột phá để phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng biển. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, nhận định: Để Côn Đảo phát triển thành trung tâm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tạo đà phát triển kinh tế biển, huyện đang đẩy mạnh mô hình kết hợp chặt chẽ 4 yếu tố: Hành hương - du lịch - lưu trú và bán quà lưu niệm. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đề xuất với lãnh đạo tỉnh tiếp tục hoàn thiện việc trùng tu, nâng cấp các hạng mục Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo tạo điểm nhấn cho các hành trình du lịch biển.

Thực tế hiện nay, du lịch Côn Đảo mới chỉ dừng lại ở việc tắm biển, thăm hệ thống nhà tù, đi chợ mua đặc sản hoặc đạp xe quanh đảo… Một trong 4 yếu tố là “quà lưu niệm” ở Côn Đảo chưa độc đáo, chưa đa dạng chủng loại nên thiếu sức cạnh tranh. Để khắc phục tình trạng này, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Huyện ủy Côn Đảo xác định, các sản phẩm du lịch biển phải mang đậm giá trị đặc trưng Côn Đảo, tạo điểm khác biệt để níu chân du khách. Theo đó, từ dịch vụ làm sạch bãi biển, cung ứng hàng lưu niệm, ngăn chặn tình trạng “chặt chém” đến chuẩn hóa hướng dẫn viên và hiện đại hóa phương tiện chuyên chở du khách được các ngành chức năng của huyện triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến mới ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Cũng với quyết tâm khắc phục hạn chế, vướng mắc, lựa chọn điểm nhấn để phát triển, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang triệt để giải quyết sự trùng lắp, thiếu liên kết giữa các vùng biển, đảo giàu tiềm năng. Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định: Để phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tỉnh Kiên Giang tập trung xây dựng và phát triển huyện đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh; từng bước phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính: Kinh tế biển; công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng và dịch vụ tài chính, ngân hàng. Riêng với du lịch biển Phú Quốc được tỉnh ưu tiên hàng đầu với những cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển kinh tế biển xứng đáng với vị thế, tiềm năng và sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh…

Kinh tế biển có tiềm năng rất lớn. Theo đề án của Tổng cục Du lịch,đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 53-55% GDP cả nước. Trong đó, du lịch biển có mức đóng góp từ 14-15% kinh tế biển quốc gia. Do vậy, việc chọn đúng khâu đột phá để phát triển kinh tế biển đang được các tỉnh, thành phố ven biển đặc biệt quan tâm, coi đó là giải pháp quan trọng để biến tiềm năng thành hiện thực, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra.

THÀNH HIỂN