Và rồi câu chuyện ấy đến tai thủ trưởng cơ quan. Nhưng thay vì ủng hộ các ý kiến chê bai, dè bỉu thì người đứng đầu lại từ tốn giải thích: Thật ra, việc tự nhìn thấy mình đẹp trai hoàn toàn không có lỗi. Có chăng là do anh cán bộ kia chưa biết cách soi gương.

Theo thủ trưởng cơ quan, thường thì mọi người hay nhầm tưởng động tác soi gương là việc dễ dàng, nhưng đúng ra đó là việc rất khó khăn, phức tạp. Khó là bởi khi soi gương, ta sẽ nhìn thấy chính ta bằng đôi mắt của mình chứ không phải bằng mắt người khác. Khi ấy, mắt sẽ thu thập hình ảnh rồi chuyển lên não bộ; nhưng não là cơ quan chịu sự chi phối rất lớn bởi kiến thức, kinh nghiệm, định kiến cá nhân... nên nó sẽ định sẵn đáp án mang nặng sự thiên vị. Thành thử, dù hình ảnh trong gương có thế nào đi chăng nữa thì sự đánh giá vẫn thường theo hướng tự mãn cá nhân.

Từng Đảng viên phải học cách soi gương một cách trung thực; phải đủ can đảm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; nhìn mình nhưng phải bằng lăng kính khách quan. Ảnh minh họa/Tuyengiao.vn. 

Đó là sự thật hiển nhiên, bắt đầu và chịu chi phối từ quy luật hoạt động của trung ương thần kinh, do vậy, để nhìn nhận, đánh giá đúng về bản thân qua tấm gương soi thì chắc chắn bạn phải học cách soi gương. Theo đó, khi nhìn mình trong gương, bạn phải có ít nhất một sự so sánh; hãy đặt mình ở gần một người khác, vật khác; hãy tập dùng "ánh nhìn khách quan" để đánh giá, nhận xét... Và hơn thế, khi soi gương, thay vì đi tìm cái đẹp, bạn cần chú ý đến những cái chưa được, còn khuyết thiếu, hạn chế. Hãy tập cách xoay người lại để nhìn ra phía sau lưng mình qua tấm gương soi... Có như vậy bạn mới nhìn đúng phần nào hình hài và con người thật của bạn!

Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ đang rộ lên phong trào “tự soi, tự sửa”, nhưng xem ra kết quả vẫn giậm chân tại chỗ. Trong mối quan hệ ấy, “tự soi” là tiền đề, là điều kiện cần, cung cấp giữ liệu cho “tự sửa”. Ấy nhưng năng lực “tự soi” của cán bộ hiện nay xem ra vẫn còn quá nhiều yếu kém, nặng áp đặt chủ quan như kiểu câu chuyện soi gương ở trên. Vẫn còn đó một bộ phận lớn cán bộ không dám nhìn thẳng vào sự thật mà mặc định tư duy “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Bản tự kiểm điểm, tự đánh giá hằng năm của mỗi người thường dài dằng dặc về thành tích và chỉ điểm qua vài ba dòng khuyết điểm vô thưởng vô phạt. Việc tự nhận yếu kém, khuyết điểm trước tổ chức, tập thể chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để và thiếu cơ chế khuyến khích, giám sát;... Do đó mà điểm yếu, mặt xấu của cán bộ dù tồn tại phổ biến vẫn rất khó nhận diện, phát hiện thông qua nội bộ hoặc do cán bộ tự phát hiện, tự nhận khuyết điểm. Cho đến khi cấp có thẩm quyền dùng “gương chiếu yêu” thì mới soi ra hình hài của những cá nhân tham ô, tham nhũng, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xuống cấp về đạo đức, lối sống. Bấy giờ tổ chức và đồng đội mới té ngửa về chân dung thật của những người trước đó vẫn khoác lên mình hình hài của sự chuẩn mực.

Vậy nên câu chuyện soi gương rất cần được chia sẻ đến đông đảo cán bộ, đảng viên. Từng người phải học cách soi gương một cách trung thực; phải đủ can đảm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; nhìn mình nhưng phải bằng lăng kính khách quan, trên tinh thần lắng nghe góp ý của tập thể, đồng đội; phải tự nhìn kỹ vào từng tiểu tiết cơ thể và tư cách, phẩm giá... để tránh rơi vào căn bệnh hình thức, huênh hoang, khoe mẽ!

NGUYỄN TẤN TUÂN