Trong hành trình ấy, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) trở thành dấu mốc thiêng liêng, một ngày đặc biệt để triệu triệu con tim người Việt cùng hướng về cội nguồn dân tộc, cùng cúi đầu tri ân những người con ưu tú đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Lịch sử Việt Nam là bản trường ca hùng tráng được viết nên bằng lòng quả cảm, máu và nước mắt của các thế hệ anh hùng. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu giá trị của sự hy sinh ấy. Người từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc... bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Lời dạy của Người là chân lý nhân văn, được khắc ghi trong tư tưởng, hành động của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam.
 |
Lãnh đạo, chỉ huy Hải đội 202 (Vùng Cảnh sát biển 2) thăm, tặng quà Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Chánh, xã Triệu Cơ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa / qdnd.vn
|
Từ lời dạy của Bác, đạo lý dân tộc đã thấm sâu vào từng việc làm, từng nghĩa cử tri ân. Những ngôi nhà tình nghĩa được dựng lên; những sổ tiết kiệm, phần quà ấm áp được trao tận tay người có công; những công trình ghi công liệt sĩ vươn mình giữa đất trời như những cột mốc linh thiêng nhắc nhở thế hệ hôm nay phải sống tốt hơn, tử tế hơn, cống hiến nhiều hơn, để xứng đáng với lớp người đi trước.
Để đạo lý của dân tộc thêm đậm sâu, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tận tụy, nghĩa tình với các hoạt động tri ân, là một nhịp cầu nối dài, tô thắm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, với tấm lòng tri ân sâu sắc, trong mỗi chúng ta cùng truyền đi thông điệp "ghi lòng, tạc dạ", vì một đất nước hòa bình, thịnh vượng, nghĩa tình và nhân ái.
QĐND
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.