Dự hội thảo có đại biểu các cơ quan, ban, ngành Trung ương, Quân khu 3, tỉnh Hưng Yên, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, báo chí và nhân chứng lịch sử. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi lẵng hoa chúc mừng.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Quang cảnh buổi Hô%3ḅi thảo khoa học Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến. Ảnh: Ảnh: Trọng Hải.
Trong lời chào mừng, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định mục đích, ý nghĩa của hội thảo là nhằm làm rõ những giá trị lịch sử và cách mạng của Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến; khơi dậy lòng tự hào, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước; đồng thời, phát huy những giá trị lịch sử và cách mạng của di tích này nói riêng, mảnh đất và con người Hưng Yên nói chung trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Mỗi tham luận, bài viết, ý kiến tại hội thảo sẽ là những nén tâm nhang tưởng nhớ và tri ân sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tại Cây đa và Đền La Tiến.
Báo cáo đề dẫn do Đại tá Nguyễn Hoàng Nhiên trình bày đã đề nghị các tham luận cần tập trung làm sáng tỏ và sâu sắc hơn: Bối cảnh lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, âm mưu và thủ đoạn của địch trong mở rộng phạm vi chiếm đóng đồng bằng và trung du Bắc Bộ; ý chí kiên cường, bất khuất của người dân Hưng Yên-nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng bốt La Tiến đặt trong mối quan hệ với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Hưng Yên, với Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hội thảo tập trung đề xuất, phân tích các giải pháp để phát huy giá trị lịch sử-văn hóa và truyền thống vào công cuộc xây dựng quê hương Hưng Yên hiện nay.
Các đại biểu trò chuyê%3ḅn xung quanh Hô%3ḅi thảo khoa học Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến. Ảnh: Trọng Hải
“Nước sông Luộc sục sôi dòng huyết hận"
Ngay từ chiều hôm trước khi diễn ra hội thảo, ban tổ chức cùng các đại biểu đã tổ chức lễ dâng hương tại Địa điểm Cây đa và Đền La Tiến thuộc xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên). Những ngày tháng lịch sử cách đây hơn 60 năm lại trở về trong ký ức của các nhân chứng lịch sử. Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh-người con của quê hương La Tiến từng bị bắt giam tại bốt; Thượng tá Phạm Quang Minh-người trực tiếp tham gia trận đánh tiêu diệt bốt; Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp-người đầu tiên viết bài về chiến thắng La Tiến... đều đã ở tuổi trên dưới 90, nhưng vẫn đầy nhiệt huyết khi trở lại địa danh lịch sử và sống lại khoảnh khắc hào hùng năm xưa.
Nhìn lên bản đồ, La Tiến là mảnh đất nằm bên tả ngạn sông Luộc, địa bàn giáp ranh của 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hải Dương. Do có vị trí chiến lược quân sự và giao thông quan trọng, án ngữ con đường huyết mạch di chuyển của lực lượng kháng chiến và bộ đội chủ lực ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, nên thực dân Pháp đã xây dựng La Tiến trở thành đồn bốt kiên cố do sĩ quan Pháp trực tiếp chỉ huy. Nơi đây, chỉ trong gần 5 năm chiếm đóng tại La Tiến (1949-1954), thực dân Pháp và tay sai đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước của ta. Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù không những không đàn áp được phong trào, mà còn thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, ý chí chiến đấu ngoan cường vì độc lập, tự do của quân và dân ta - Nước sông Luộc sục sôi dòng huyết hận/ Trời Phù Cừ cao vút khí anh linh (GS Vũ Khiêu). Trận tiến công tiêu diệt bốt La Tiến do quân và dân ta tiến hành vào cuối tháng 1-1954 đã góp phần vào những chiến công vang dội của quân và dân tỉnh Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; có ý nghĩa to lớn trên chiến trường cả nước, góp phần làm suy yếu địch, tạo điều kiện cho quân và dân ta đi tới Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tham luận tại hội thảo, nhìn từ góc độ địa lý-lịch sử, PGS, TS Phạm Xanh khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà địa danh này trở nên nổi tiếng, mà nó được khởi phát từ vị trí địa lý đặc biệt về quân sự và giao thông ở vùng châu thổ sông Hồng, là mảnh đất "trên bến dưới thuyền", rất trù phú, kho người, kho của của vùng châu thổ sông Hồng. Thiếu tướng, PGS, TS Quản Văn Trung, Chính ủy Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng lại nhìn La Tiến dưới góc độ lịch sử quân sự. Bốt La Tiến là một căn cứ quân sự, chỉ huy toàn bộ hệ thống đồn bốt hai bên bờ sông Luộc; chia cắt trung tâm khu du kích của Liên khu 3 thành hai phần, lấy sông Luộc làm ranh giới; khống chế các tuyến giao thông, cơ động thủy-bộ của ta và hệ thống đê điều, cống tưới tiêu, đe dọa sản xuất, đời sống, tính mạng của nhân dân. Từ đây thực dân Pháp mở các cuộc hành quân lớn càn quét, bình định, tàn sát nhân dân; vây bắt cán bộ, bộ đội, du kích, đồng bào đưa về bốt tra tấn, thủ tiêu một cách dã man. Bốt La Tiến trở thành “lò cắt tiết, cối xay người” khổng lồ của thực dân Pháp.
Không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào khi nhớ lại hình ảnh năm xưa cùng mẹ ra bãi sông Luộc "bới trong xác người không lành lặn và ngập ngụa máu tanh" tìm bố, bà Đặng Thị Thu, 72 tuổi, người dân thôn La Tiến có bố là ông Đặng Đình Kiện bị giặc Pháp treo lên cành đa và cắt cổ, vứt xác xuống sông Luộc nói trong nước mắt: Mới chỉ là cô bé 6 tuổi, tôi đã chứng kiến hình ảnh dọc bên bờ sông Luộc, người chết nổi như bèo tây. Nước sông nhuộm đỏ máu người, những thi thể trôi dạt vào một khu bãi gọi là Vụng Quạ, ngày ngày xác người lềnh bềnh thối rữa. Nhiều ngày bới tìm mà hai mẹ con không thể nào nhận ra đâu là thi thể của bố...
Các đại biểu tham quan di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến. Ảnh: Trọng Hải.
Địa danh lưu mãi sử xanh
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh, quê ở xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, cách La Tiến 4 cây số thì rưng rưng nhớ lại những ngày bị giam cầm và bắt lao động khổ sai tại bốt La Tiến hơn 60 năm trước. Ông không sao quên được cảnh vừa cầm bát canh mẹ mang vào tiếp tế, chưa kịp đưa vào miệng thì bị tên đội lao đến, giơ chân đá khiến bát canh văng ra, bắn tung tóe lên mặt, lên người; bị bỏ đói và tra tấn dã man... Uất ức trước hành động bạo tàn của kẻ thù, ông quyết tâm vào bộ đội, chiến đấu lập công, trong đó xuất sắc nhất là cùng đồng đội bắt sống Đờ Cát tại Chiến trường Điện Biên Phủ.
PGS, TS Trần Trọng Thơ (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, trận tập kích tiêu diệt vị trí La Tiến rạng sáng 31-1-1954 là một trong những chiến công vang dội của quân và dân Hưng Yên nói riêng, quân và dân Tả Ngạn sông Hồng nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Giải phóng bốt La Tiến, LLVT Tả Ngạn, trực tiếp là Tiểu đoàn 664, Trung đoàn 42 cùng LLVT địa phương huyện Phù Cừ đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch đồn trú, thu một số lượng lớn vũ khí, xóa sổ một căn cứ gây tội ác khét tiếng của địch ở Đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với việc tiêu diệt các bốt như Bến Trại (Thanh Miện, Hải Dương) tháng 11-1950, Quỳnh Lang (Quỳnh Côi, Thái Bình) tháng 3-1953, chiến thắng La Tiến đã nhổ đi “cái gai” địch cắm sâu vào khu du kích 3 tỉnh, phá vỡ hoàn toàn thế kìm kẹp của địch ở khu vực trọng yếu nam Hưng Yên, tây Hải Dương, bắc Thái Bình, đánh thông con đường thủy huyết mạch trên sông Luộc để lực lượng kháng chiến cơ động đánh địch; tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia tòng quân, dân công hỏa tuyến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.
Đưa tin về chiến thắng bốt La Tiến, theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ có ngay bài viết “San phẳng đồn La Tiến” của nhà báo Khắc Tiếp trong số báo ra ngày 22-2-1954 đã cổ vũ tinh thần, thúc giục quân và dân ta phấn khởi, hăng hái tiến lên lập công mới. Một ngày sau đó, Báo Cứu quốc (tiền thân của Báo Đại đoàn kết ngày nay) cũng có bài “Bọn giặc khát máu ở vị trí La Tiến đã phải đền tội ác tày trời của chúng!” trên số 2539. Sau khi miêu tả tội ác dã man của quân thù tại cây đa La Tiến, bài báo đã ca ngợi ý chí kiên cường, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta. Theo thông tin do nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết cung cấp tại hội thảo, bài viết trên không đề tên tác giả, do thời gian đã lâu, cho dù nỗ lực tìm kiếm nhưng đến nay Báo Đại đoàn kết vẫn chưa xác định được tác giả đã viết bài báo nói trên. Ông hy vọng, thông qua hội thảo lần này, các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ tuyên truyền rộng rãi, có thể có những phát lộ về tác giả bài viết của báo.
"Địa chỉ đỏ" hôm nay và tương lai
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, qua hơn 60 năm, trên vị trí bốt La Tiến xưa, đền La Tiến, tấm "Bia căm thù" và cây đa cổ thụ vững chãi cùng thời gian là chứng nhân tố cáo tội ác tàn bạo của quân thù, chứng nhân cho ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Đây là tài sản tinh thần có giá trị to lớn, có tính dân tộc và mang dấu ấn thời đại. Trên khuôn viên rộng hơn 3.000m2, tại vị trí bốt La Tiến xưa, đền La Tiến, "Bia căm thù", cây đa cổ thụ đã được xây dựng và tôn tạo theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.
Ngày 25-4-2005, Cây đa La Tiến đã được Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hưng Yên xác nhận thuộc danh mục cây cổ thụ cần được chính quyền, nhân dân địa phương chăm sóc, bảo vệ như đối với di sản văn hóa-lịch sử. Năm 2008, dự án tu bổ, tôn tạo di tích "Bia căm thù" và Cây đa La Tiến đã được thực hiện đầu tư với sự tài trợ của nhiều cá nhân, tổ chức. Năm 2010, đền La Tiến được khánh thành trong niềm phấn khởi của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Năm 2012, di tích được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau đó, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng hồ sơ đề nghị và ngày 18-11-2015 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Địa điểm Cây đa và Đền La Tiến là Di tích lịch sử Quốc gia.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã gợi mở ý tưởng xây dựng một nhà trưng bày các tài liệu, hiện vật lịch sử tại di tích trên diện tích bố trí khoảng 200-250m2 với 3 phần chính: Phần trưng bày theo chủ đề lịch sử hình thành, các đặc trưng về văn hóa-xã hội, truyền thống của nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên nói chung và xã Nguyên Hòa nói riêng; phần trọng tâm trưng bày tài liệu, hiện vật lịch sử thể hiện sự tàn ác, thâm độc, tội ác dã man của thực dân Pháp, ý chí sắt đá của cán bộ, nhân dân địa phương và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để chiến đấu đánh thắng; phần trưng bày thể hiện tinh thần phát huy truyền thống quê hương của nhân dân xã Nguyên Hòa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất với tỉnh Hưng Yên, cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu, triển khai quy hoạch tổng thể, xây dựng điểm Di tích lịch sử Quốc gia Cây Đa và Đền La Tiến. Ngoài năng lực của mình, doanh nghiệp này cam kết sẽ kêu gọi các nguồn lực xã hội khác, đưa di tích lịch sử này thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ về giá trị lịch sử-văn hóa có tính giáo dục cao, mà còn là cả về giá trị du lịch, thương mại, đem lại giá trị gia tăng cho cộng đồng nơi có di tích. Hướng tới đưa điểm Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến thành một trong những địa chỉ du lịch lịch sử đầu tiên của Hưng Yên thu hút đông đảo lượng khách tham quan không chỉ trong tỉnh mà còn trên địa bàn cả nước.
Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, đồng trưởng ban tổ chức, khẳng định Di tích Cây đa và Đền La Tiến có vị trí đặc biệt với những giá trị phong phú, sâu sắc. Gần 40 tham luận khoa học, bài viết, ý kiến gửi đến hoặc trình bày trực tiếp tại hội thảo đã phản ánh khá toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về sự kiện lịch sử diễn ra quanh địa danh La Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp và về sau này. Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến là một chứng tích lịch sử, nơi ghi dấu và vạch trần tội ác dã man của kẻ thù; minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; nơi tôn vinh giá trị chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hội thảo cũng đã đề xuất nhiều ý tưởng trong quy hoạch và phát triển di tích cho xứng tầm với truyền thống lịch sử, anh hùng của địa danh này; đồng thời đặt ra một số nội dung cần được quan tâm nghiên cứu làm rõ và hoàn thiện trong thời gian tới...
"Chúng ta có thể hình dung trong tương lai gần trên mảnh đất La Tiến-một địa chỉ, di sản, một "mỏ" lớn để chúng ta khai thác, không chỉ là giá trị vật chất, mà quan trọng hơn là tiềm năng, giá trị tinh thần. Để hiện thực hóa điều đó, phải chăng trên dọc dòng sông dài 1.500 thước ấy, tôi xin nêu gợi ý cho những nhà thiết kế bắt đầu từ những cảm xúc qua các tham luận tại hội thảo này. Chúng ta sẽ làm một con đường. Con đường ấy gọi là con đường di sản, con đường tri ân hay con đường ký ức. Nhưng nó sẽ có 1.145 bậc để mỗi bước đi trên con đường ấy, ngắm cảnh quan rất đẹp ngày hôm nay, chúng ta nhớ về thế hệ trước, nhớ đến những người đã khuất. Mỗi bước đi để con cháu biết rằng, con đường mà tiền nhân đã tạo dựng cho chúng ta được đánh đổi bằng biết bao xương máu...".
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
|
HOÀNG TIẾN – BÍCH TRANG (tổng thuật)