leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến. Ảnh: Trọng Hải.

PGS, TS Phạm Xanh, Đại học Quốc gia Hà Nội: La Tiến, mảnh đất lịch sử, văn hóa bên bờ sông Luộc

Ở Hưng Yên có hơn 80 làng xã, nhưng tại sao La Tiến lại được nổi danh? Theo tôi, nó nổi danh, bởi hai yếu tố Địa và Nhân. Lê Bá Thảo trong cuốn “Việt Nam-Lãnh thổ và các vùng địa lý” cho ta một cái nhìn tổng quát về sự hình thành châu thổ sông Hồng, khi người Việt cổ cách đây một vài nghìn năm đã rời bỏ vùng đất cao Phong Châu xuống khai phá đồng bằng, lúc đó còn lầy lội, đã tiến ra đến Yên Mô, Nam Trực, Tiên Lữ, Gia Lộc, Hải Dương, Nam Sách, Hàng Kênh. Vùng đất Hưng Yên bắt đầu xuất hiện trong sự hoang sơ, nguyên thủy của nó và bị chinh phục dần bởi sự can thiệp mạnh của con người. Mảnh đất này có mặt trong các thuật ngữ hành chính thuộc các vương triều Đại Việt, xưa nhất La Tiến là một xã thuộc tổng Võng Phan, huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam và rồi đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Hưng Yên được chính thức thành lập gồm các huyện: Đông Yên, Kim Động, Thiên Thi, Tiên Lữ, Phù Dung của trấn Sơn Nam Thượng và các huyện: Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà thuộc trấn Nam Định (Sơn Nam Hạ). Đến đầu đời Thiệu Trị, do kiêng húy vua, nên Phù Dung được đổi thành Phù Cừ.

leftcenterrightdel
PGS, TS Phạm Xanh. 
La Tiến nằm trên một vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và giao thông của vùng châu thổ sông Hồng. La Tiến, mảnh đất trên bến dưới thuyền, thuận lợi về đường thủy. Từ đây, ngược theo dòng sông Luộc hợp với sông Hồng tại Phương Hà, rồi ngược sông Hồng lên Thăng Long-Hà Nội, xuôi sông Hồng ra cửa Ba Lạt. Từ đây, xuôi theo dòng sông Luộc về đến Quý Cao nhập vào sông Thái Bình, rẽ trái ra cửa Thái Bình. Như vậy, bằng đường thủy, theo cửa Ba Lạt và cửa Thái Bình đều hội tụ tại La Tiến. Bằng đường bộ, theo đường 39 hướng đi cầu Triều Dương, đến cầu rẽ trái theo đường đê sông Luộc khoảng 20km đến La Tiến. La Tiến, vùng đất giáp ranh của 3 tỉnh là Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình. Đây là vùng đất trù phú, kho người, kho của của vùng châu thổ sông Hồng.

QUANG CƯỜNG (lược ghi)

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh: Đi theo lời thề La Tiến

Tôi sinh vào một ngày cuối năm 1935 tại thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên trong gia đình có 5 anh em, tôi là con trai thứ ba. Ở tuổi lên 10, tôi đã phải trải qua cảnh đói mòn đói mỏi trên quê hương. Bước chân ra đường là gặp người chết đói, xác nằm la liệt...

leftcenterrightdel
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh. 
Tôi vẫn nhớ trong một lần đi càn, địch bắt được bộ đội và dân quân du kích đưa về sân đình và chúng tập trung dân hai làng Hoàng Các và Hoàng Xá, bắt chứng kiến hành động dã man, tàn bạo của chúng đối với những anh bộ đội và dân quân du kích bị chúng bắt: Cứ sau mỗi câu hỏi không được trả lời là chúng chém một ngón tay, một bàn tay, xẻo một bên tai, xẻo cả hai môi...  Đầu năm 1950, anh trai tôi là Hoàng Mạnh Trình cũng bị địch giết tại cây đa La Tiến.

Một ngày đầu năm 1952, tôi đang đi cất vó ở con ngòi trong làng thì gặp địch đi càn. Từ xa trông thấy chúng tôi đã tránh đi, nhưng vẫn bị chúng phát hiện, vu cho là Việt Minh và bắt đem về bốt La Tiến. Sau 4 ngày bị chúng đánh đập dã man, chúng bắt tôi đi gánh cát để xây đồn. Nghe tin đó, mẹ tôi nấu nồi canh mang đến, van xin mãi tên lính gác không cho gặp, cuối cùng phải đưa 1 đồng tiền Đông Dương hắn mới cho vào, rồi mẹ tôi phải quay ra ngay, chẳng kịp nói gì với con. Nhưng chưa kịp và miếng canh vào miệng thì tên đội đến. Hắn giơ chân đá tung âu canh tôi đang bê, bắn tung tóe lên mặt, lên người tôi và dùng cặp bò (roi da) đánh tới tấp vào người tôi, bắt phải đi làm. Lúc đó tôi ức lắm, cố cắn răng chịu đựng. Đêm hôm đó bị đau quá, đói quá, uất ức dồn nén lại, trong tôi nảy ra suy nghĩ là phải trốn ra, phải đi bộ đội, không có con đường nào khác. Chỉ có đi bộ đội, theo Việt Minh làm cách mạng mới có bát cơm hạnh phúc và cuộc sống tự do, mới trả thù được... Lúc ấy nghĩ vậy, quyết tâm vậy nhưng nếu cứ bị giam mãi trong bốt thì sao tôi có thể tìm đến được với cách mạng. Thế rồi thật may mắn cho tôi, thời điểm đó, do quân Pháp bắt bớ quá nhiều người về giam chật kín cả bốt nên chúng buộc phải thả bớt. Tôi và một số người bị cho là già cả và trẻ con, vô hại nên được cho về.

Tình cờ một đêm khi đang kéo vó bè, có một thanh niên bơi thuyền bám vào lều vó của tôi. Sau một hồi trò chuyện mới biết anh ấy là cán bộ thanh niên của địa phương, hoạt động bí mật. Anh hỏi tôi: "Vinh ơi, có muốn đi bộ đội không?". Mừng quá vì đúng mong ước của mình, tôi đồng ý ngay. Anh nói: "Nhưng đi bộ đội khổ lắm, có thể phải hy sinh đấy". “Dù khó khăn vất vả, và cả hy sinh nữa em cũng không sợ”-tôi cương quyết khẳng định. Thế là anh ghi tên tôi vào một cuốn sổ nhỏ, hẹn tôi ba hôm sau đến miếu Đông Vương tập trung lên đường.

Và từ đó, lời thề cứ lớn lên trong tôi theo năm tháng của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

39 năm trong quân đội, tôi đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào năm 1953; năm 1954 tại Điện Biên Phủ; những năm 1967-1968 tại Quảng Bình; năm 1971 ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng; năm 1972 là trận “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội và 17 năm công tác địa phương tại Bắc Ninh, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó xuất sắc nhất là cùng đồng đội bắt sống tướng Đờ Cát tại chiến trường Điện Biên Phủ. Cội nguồn của tất cả những thành công tôi đạt được hôm qua và hôm nay, đều bắt nguồn từ Lời thề La Tiến, từ truyền thống cách mạng của quê hương Phù Cừ, Hưng Yên.

KHÁNH CHI  (lược ghi)

Đại tá NGUYỄN KHẮC TIẾP, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ: Bài báo viết ở Mường Phăng

Đó là bài: “San phẳng đồn La Tiến” ở quê hương Hưng Yên ta. Còn Mường Phăng là nơi đặt Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp. 
Tôi nhớ lại: Vào thời điểm Đông Xuân 1953-1954 đó, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) có 2 ấn phẩm: Một biên tập in ấn, phát hành ngay tại mặt trận, cho bộ đội tham gia chiến dịch; một ở An toàn khu (ATK), phát hành rộng rãi cho toàn quân.

Như thế, từ tháng 12-1953 đến tháng 5-1954, 2 ấn phẩm QĐND, cùng một măng-sét, cùng một “số” báo.  Tuy xa nhau 500 cây số, vẫn chỉ là một. Tổng biên tập, thư ký tòa soạn, phóng viên chủ chốt đều tập trung ở Mường Phăng. Bài vở, tin tức phối hợp với nhau rất hài hòa, trao đổi với nhau cụ thể, có cái đăng chung cả hai tờ, có cái dành riêng cho một tờ. Liên lạc thường xuyên hằng ngày qua máy truyền tin vô tuyến “tặc tè” của riêng báo.

Trước ngày tấn công Điện Biên Phủ, suốt tháng 1, đầu tháng 2-1954, Báo QĐND, cả ở tiền tuyến lẫn ở hậu cứ liên tục có tin bài về các địa phương đang nổi dậy như vũ bão ở châu thổ sông Hồng; phá đồn bốt địch, diệt giặc trừ gian, mở rộng vùng giải phóng, củng cố chính quyền cách mạng… Và trận thắng ngoạn mục ở La Tiến đã nổ ra đêm 30-1-1954, đúng một tháng hôm trước ngày Him Lam-căn cứ đầu tiên của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ-bị quân ta đập tan, xóa sổ.

Theo lệnh của Đại tướng và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận, Tổng biên tập triệu tập phóng viên chúng tôi: Phải có bài ngay về La Tiến, bài báo chứ không phải chỉ tin tức. “San phẳng đồn La Tiến” (Báo QĐND số ra ngày 22-2-1954) được viết trong hoàn cảnh như thế, nhờ sự đóng góp tài liệu của nhiều cán bộ tham mưu tác chiến hậu cần có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương lúc đó. Bài báo không dài, khoảng 2.000 chữ, nhưng vạch được khá chi tiết, đầy đủ: Tội ác của giặc, tinh thần đấu tranh anh dũng, bền bỉ của quân dân ta, chiến công lớn “nhổ một cái đinh của địch cắm giữa khu du kích của ta”. Anh Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận trực tiếp phụ trách báo còn cẩn thận bổ sung thêm dưới bài báo một chú thích đặc biệt: “Trận này có nhiều ý nghĩa và giá trị lớn”, với 5 nội dung rất rõ ràng, cụ thể để hướng dẫn các chính trị viên cấp dưới.

Trở lại với mặt trận Điện Biên Phủ, tại hầm hào của quân ta, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, hầu như đơn vị nào cũng có mặt không ít cán bộ, chiến sĩ từ đồng ruộng, sông ngòi Đồng bằng Bắc Bộ ra đi. Qua báo QĐND-tờ báo duy nhất có mặt ở Điện Biên Phủ-anh em rất chăm chú đọc, theo dõi tin tức quê nhà. Mỗi khi thấy chính làng mình, huyện mình, tỉnh mình lập công diệt giặc, anh em lại mừng vui reo hò.

THẢO MY (lược ghi)

Nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết: Báo Cứu quốc với cây đa La Tiến

Góp phần khẳng định những giá trị của cây đa La Tiến-một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương, Báo Cứu quốc (tiền thân của Báo Đại đoàn kết ngày nay) từ năm 1954 đã có bài phản ánh về những chiến công của quân và dân xã Nguyên Hòa. Cụ thể là trên Báo Cứu quốc số 2539, ra ngày 23-2-1954 (nguồn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam) đã đăng bài viết: “Bọn giặc khát máu ở vị trí La Tiến đã phải đền tội ác tày trời của chúng!”. Xin tóm lược bài báo như sau:  “Nằm trên bờ đê Phù Cừ (Hưng Yên), vị trí La Tiến chia cắt khu căn cứ du kích Nam, Bắc sông Luộc của ta. Bên cạnh bốt giặc là đền làng La Tiến cũ. Ngày 27-12-1949, địch về cắm bốt đã triệt phá hoàn toàn cả làng thành bãi đất hoang, hơn 220 mẫu ruộng của dân phải bỏ cho cỏ mọc. Nhưng 4 năm sống đau khổ dưới ách giặc cũng là 4 năm đấu tranh anh dũng của đồng bào. Những ngày địch đang xây bốt, du kích địa phương đã thường xuyên quấy rối phá hoại. Cắm bốt xong, địch đi càn quét, ta phục kích chống càn; kết quả như trận Tam Đa ngày 29-3-1950 oanh liệt như những trận thôn trang chiến ở La Tiến, phục kích ở Hoàng Xá, Hoàng Các....

leftcenterrightdel
Nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang 
Đêm 30-1-1954, để trả thù cho hàng vạn đồng bào thân yêu, để phối hợp cùng các chiến trường, lập thành tích giật lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch và chúc mừng Tết Hữu nghị Việt-Trung-Xô, bộ đội địa phương đã nổ súng tấn công vị trí La Tiến. Đồn giặc kiên cố có rào dây thép gai dày, có nhiều bãi mìn, nhiều ụ, nhiều giao thông hào mà bộ đội ta đã giải quyết xong sau gần 20 phút chiến đấu, diệt hoàn toàn 1 đại đội ngụy binh thuộc Tiểu đoàn số 54. Địch có tất cả 95 tên bị ta giết và làm bị thương 17 tên, bắt sống 77 tên và tên trung úy chỉ huy, thu toàn bộ vũ khí kho tàng của địch.

...Vị trí La Tiến bị san phẳng tức là khu căn cứ du kích của ta được mở rộng, hệ thống chiếm đóng sông Luộc của địch bị phá vỡ, các lò giết người của bọn giặc khát máu bị đập phá và phơi trần trước sự căm phẫn ngùn ngụt của đồng bào Hưng Yên và đồng bào toàn quốc. Lòng căm phẫn muôn đời không nguôi ấy đang thúc đẩy đồng bào La Tiến tích cực phục hồi hơn 220 mẫu ruộng vì giặc mà phải bỏ hoang tới 4 năm, tiếp tục sản xuất và chuẩn bị chống càn. Quãng đê La Tiến xung yếu đã trở về với đồng bào La Tiến. Và trong ngày xuân chiến thắng, cửa cống La Tiến sau bao ngày bị giặc chiếm đóng nay đã được mở rộng, đem nước về tưới cho hơn 1.000 mẫu ruộng của miền Bắc - sông Luộc anh dũng.

Bài viết nói trên không đề tên tác giả, thời gian qua đi cũng đã lâu, vì thế cho dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng đến nay Báo Đại đoàn kết vẫn chưa xác định được tác giả đã viết bài báo nói trên. Điều đáng lưu ý là qua 75 năm phát triển, Báo Cứu quốc-cơ quan tuyên truyền cổ động của Mặt trận Việt Minh, tiền thân của tờ Báo Đại đoàn kết được nhiều nhà nghiên cứu coi là một di sản văn hóa quý báu.

CƯỜNG ĐỨC (lược ghi)

Bà Đặng Thị Thu, thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên: Tuổi thơ và nỗi ám ảnh Vụng Quạ

Bố tôi là Đặng Đình Kiện, sinh năm 1925, sau này qua lời kể của mẹ và bà con chòm xóm, bố là một người hiền lành, đức độ, lại có tài may quần áo nên được mọi người trong làng rất quý trọng. Mẹ tôi là Phạm Thị Xuân, một người phụ nữ đảm đang. Tưởng đâu bố mẹ sẽ hạnh phúc cùng hai con nhỏ là tôi khi ấy vừa tròn 6 tuổi và em trai mới 7 tháng tuổi mới biết bò. Nhưng thật không ngờ, từ khi giặc Pháp tấn công vào La Tiến, cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Ngày 13-4-1952 là một ngày đầy nước mắt với gia đình tôi. Thời tiết hôm ấy bỗng nhiên sầm lại, dông tố kéo đến mù mịt bầu trời như báo trước chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Vào 13 giờ 25 phút, bố cùng với một người thợ đang ngồi may quần áo trong nhà thì bất ngờ bọn Pháp và tay sai khoảng 5-6 tên xông vào đánh đập dã man không một lý do. Chúng đánh cho đến khi bố tôi kiệt sức, trên người bao vết tra tấn của đòn roi cùng những vết máu rỉ ra. Chúng trói hai tay bố tôi quặt ra đằng sau và giải ra bốt La Tiến, mặc cho mẹ và tôi chạy theo gào khóc. Tôi chỉ biết khóc và gọi: “Bố ơi! Bố ơi!”. Giọt nước mắt thơ ngây của tôi, giọt nước mắt xót xa của mẹ chảy dài theo bước chân xa dần của bố. Tại bốt La Tiến, giặc treo bố lên cành đa và cắt cổ, vứt xác xuống sông Luộc trước con mắt căm thù của bao người dân quê tôi. Chứng kiến cái chết oan uổng của chồng một cách vô cùng tàn bạo, mẹ tôi gào khóc thảm thiết, nấc nghẹn từng hồi. Nỗi đau quá lớn khiến mẹ tôi quỵ ngã tưởng như không thể vượt qua. Tôi sợ hãi chỉ biết ôm chặt mẹ mà khóc… Mẹ dắt tôi chạy từ bốt La Tiến xuống Vụng Quạ để tìm xác bố. Trong trí nhớ của tôi là hình ảnh dọc bên bờ sông Luộc, người chết nổi như bèo tây.

leftcenterrightdel
 Bà Đặng Thị Thu.
Tôi lớn lên và trưởng thành trong vòng tay của mẹ cùng mối thù giặc Pháp không thể nào quên. Cuộc đời vất vả đã khiến mẹ yếu đi nhiều và năm 1977, do lâm bệnh nặng, mẹ tôi cũng về với bố. 65 năm đã qua, gia đình tôi vẫn chưa tìm được hài cốt của bố. Bốt La Tiến khắc ghi lịch sử vẫn còn đây, cây đa La Tiến vẫn còn đây như chứng nhân lịch sử mãi muôn đời, tán lá xanh tốt tỏa bóng mát quyến rũ du khách thập phương đến tham quan và viếng bia tưởng niệm.

Năm nay, đã bước sang tuổi 72, tôi sống cùng gia đình thân yêu của mình trên mảnh đất La Tiến anh hùng. Các con tôi đều đã trưởng thành, cháu là bác sĩ, cháu là kỹ sư. Tôi luôn nhắc nhở các con ghi sâu mối thù ấy, để có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập và công tác, trở thành những người có ích cho xã hội. Là người đã chứng kiến tội ác vô cùng tàn bạo và dã man của kẻ thù, mỗi lần nhớ lại những tháng ngày đau thương đó, ký ức về bố lại khiến tim tôi đau nhói, hình ảnh bố lại hiện lên trước mắt tôi như mới ngày hôm qua.

XUÂN ĐỨC (lược ghi)

Thiếu tướng, TS Trần Sơn Hà,  Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an: Truyền thống quê hương đã nâng bước tôi trưởng thành

Gia đình của tôi gắn bó với cây đa và làng La Tiến. Nơi đây, tôi đã cất tiếng khóc chào đời, chập chững biết đi, được chạm vào cành lá non tơ cây nhãn đầu ngõ mẹ trồng, được nghe mẹ kể về nơi tưởng niệm vong linh 1.145 anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta đã bị thực dân Pháp giết hại hết sức dã man. Khi lớn lên, tôi mới hiểu rằng trải qua bao biến cố của lịch sử, cây đa vẫn tốt tươi. Vòm lá xanh ngắt, yên ả tỏa bóng chùm cả khu vực rộng lớn, như chiếc lọng khổng lồ che bóng cho ngôi đền thêm linh thiêng. Nhìn những cành lá xanh biếc vẫy gió, thảnh thơi nghiêng mình cạnh dòng sông, mấy ai nghĩ rằng trước đó, cây đa La Tiến đã chứng kiến biết bao mất mát đau thương cũng như những khát khao chưa bao giờ tắt về cuộc sống hạnh phúc, bình yên của miền quê cách mạng kiên trung, bất khuất. Ngày nay, cây đa và làng La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Nguyên Hòa nói riêng và nhân dân Hưng Yên nói chung.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng, TS Trần Sơn Hà
Tinh thần bất khuất và biểu tượng kiên cường của quê hương mình đã nhen nhóm, hun đúc trong tôi, từ lúc cùng lũ trẻ trong làng vượt sông, đánh trận đến những bài học vỡ lòng đầu tiên và cả những lần được mẹ dành dụm ngô khoai để đến trường ăn học, đã lưu giữ trong tôi biết bao kỷ niệm; từ đây tôi cũng dần hiểu thêm thế nào là nghĩa, là tình quê hương…

Trong suốt chặng đường hơn 40 năm sự nghiệp của mình, được học tập tại Học viện Cảnh sát nhân dân, làm trinh sát kinh tế, trinh sát hình sự và chỉ huy trên mặt trận bảo đảm trật tự an toàn giao thông... với các chuyên án chống tội phạm đầy mưu mô, gian ác, giết người, cướp của; những vụ án kinh tế tinh vi chiếm dụng tài sản Nhà nước, trong đó có nhiều cám dỗ mua chuộc bằng vật chất, có cả những tấn công đe dọa đến tính mạng của bản thân và gia đình, nhưng bản thân vẫn kiên định vững vàng trước cám dỗ và nguy hiểm, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành chiến thắng. Dù ở cương vị nào, tôi vẫn luôn tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ kính yêu, giữ vững truyền thống quê hương, yêu làng xóm, gần gũi với bà con, luôn cố gắng rèn luyện phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tôi nhận thức rằng để có được ngày hôm nay trước hết là nhờ sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, của lực lượng Công an nhân dân và đặc biệt là truyền thống của quê hương, gia đình, sự nuôi dưỡng của người mẹ hiền tảo tần một mình gánh gạo nuôi con.  

ĐỨC CƯỜNG (lược ghi)

Thiếu tướng, PGS, TS Quản Văn Trung, Chính ủy Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng: Giá trị văn hóa tâm linh mang đậm truyền thống Việt Nam

Cây đa, Đền La Tiến là một trong những di tích lịch sử hội đủ các yếu tố tín ngưỡng dân gian, truyền thống của người Việt.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng PGS, TS Quản Văn Trung.
Cây đa thôn La Tiến hơn 200 tuổi là cây di sản quý, chứng kiến mọi diễn biến lịch sử vui buồn của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1956, sau 2 năm hòa bình lập lại, nhân dân Hưng Yên đã xây dựng Bia căm thù ngay cạnh gốc đa cổ thụ, nhắc nhở con cháu khắc ghi tội ác của giặc ngoại xâm, luôn cảnh giác, đấu tranh giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đền La Tiến được xây dựng cạnh cây đa và Bia căm thù mang đậm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” theo tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Việt. Đền La Tiến có phong cách kiến trúc mới, mang ý nghĩa lịch sử văn hóa tâm linh của cư dân nông nghiệp Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là nơi vừa thờ Thành hoàng làng, vừa là nơi tưởng niệm, tri ân, thành kính của thế hệ hôm nay đối với những người có công với nước, các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Điều khác biệt là, cùng với thờ Thành hoàng, làng còn thờ Đức Thánh Trần - người anh hùng dân tộc kiệt xuất, nhà chính trị, nhà quân sự, vị Tổng tư lệnh tối cao chỉ huy quân đội toàn quốc của nước Việt thời nhà Trần; thờ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; đồng chí, đồng bào yêu nước bị quân xâm lược sát hại trong chiến tranh giải phóng dân tộc trong một đền thờ. Ba yếu tố đó được hòa quyện, nâng cao giá trị tín ngưỡng dân gian, tạo thành nét đặc trưng, tôn nghiêm trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân. Chính vì lẽ đó, Cây đa, Đền thờ La Tiến trong quần thể Khu di tích cấp Quốc gia trở thành điểm đến của khách thập phương, điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân La Tiến nói riêng, nhân dân Hưng Yên và cả nước nói chung.

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Hưng Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã chịu đựng nhiều mất mát đau thương, nhưng không đau thương nào có thể làm nhạt phai lý tưởng và ý chí sắt đá, quyết tâm đánh giặc giải phóng, xây dựng quê hương, đất nước. Cây đa và Đền La Tiến là minh chứng hùng hồn cho ý chí, quyết tâm ấy và trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh, truyền thống lịch sử vô cùng quý giá của nhân dân Hưng Yên.

DUY HỒNG (lược ghi)

Đại tá LÊ VĂN CỬU, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên: Bài học quý về sự phối hợp hiệp đồng tác chiến ba thứ quân

Trở lại những trận đánh tại bốt La Tiến (Phù Cừ) từ năm 1951 đến 1953, bộ đội Trung đoàn 42 (chủ lực Tả ngạn) đã tổ chức cấp đại đội phối hợp cùng bộ đội tỉnh Hưng Yên, bộ đội huyện Phù Cừ cùng du kích xã Nguyên Hòa đánh bốt 2 trận, nhưng do địch phòng thủ kiên cố, lực lượng đông, trang bị hỏa lực mạnh nên chưa trận đánh nào dứt điểm. Rạng sáng 31-1-1954, Trung đoàn 42 sử dụng Tiểu đoàn 664, Đại đội 200 (trợ chiến), Đại đội 61 của Tiểu đoàn 652 và Đại đội 24 (huyện Phù Cừ) cùng du kích xã Nguyên Hòa cường tập vị trí này. Do giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, lại tập trung lực lớn, hỏa lực mạnh áp đảo, nên trận đánh chỉ diễn ra trong vòng 20 phút, ta giành thắng lợi, diệt 1 đại đội tăng cường của địch gồm 150 tên, thu toàn bộ vũ khí đạn dược. Chiến thắng vang dội này đã làm nức lòng quân và dân trong vùng. Những người còn bị địch giam cầm ở đây được trở về trong niềm vui bất tận.

leftcenterrightdel
 Đại tá Lê Văn Cửu. 
Diệt bốt La Tiến và nhiều bốt khác tại 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình giai đoạn cuối năm 1953, đầu năm 1954 thắng lợi là minh chứng cho sự phối hợp nhịp nhàng của 3 tỉnh, của cả 3 lực lượng: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Bài học “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều” của ông cha ta đã được vận dụng thực tế vào nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên địa bàn 3 tỉnh trong giai đoạn chống Pháp. Bài học này được áp dụng và sáng tạo nâng cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và hiện tại ngày càng được nâng cao thành nghệ thuật chiến tranh nhân dân đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Thời gian rồi sẽ qua đi, nhưng lịch sử luôn ghi nhận tất cả những chiến thắng vẻ vang của quân dân cả nước nói chung và quân dân 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình nói riêng trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược. Sự phối hợp hiệp đồng tác chiến 3 thứ quân giữa các địa phương luôn được coi trọng, phát huy, trở thành những bài học kinh nghiệm quý trong nghệ thuật quân sự nước nhà.

LÊ VÕ (lược ghi)

Thượng tá TRẦN QUANG HẢI, Chính ủy Trung đoàn 42, Đoàn Kinh tế quốc phòng 327, Quân khu 3: Quyết tâm tiêu diệt bốt La Tiến

 Ngày 20-11-1945 tại Hải Phòng, Chi đội 3 ra đời (tương đương trung đoàn), tiền thân của Trung đoàn 42 ngày nay. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung đoàn 42 là  lực lượng chủ lực cơ động của Khu Tả Ngạn, làm nòng cốt cho xây dựng và đẩy mạnh phát triển phong trào chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 42 đã bám đất, bám dân, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đánh bại nhiều trận càn quét dữ dội và các đồn bốt khét tiếng dã man của địch, giữ vững cơ sở cách mạng, bảo vệ nhân dân Tả Ngạn sông Hồng, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong 26 trận cường tập của trung đoàn có trận đánh cường tập bốt La Tiến là một bốt khét tiếng dã man của địch.

leftcenterrightdel
Thượng tá Trần Quang Khải. 
Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung đoàn trưởng, trước đêm nổ súng, Đảng ủy trung đoàn đã mời nhân dân địa phương đến vạch tội ác của giặc, gây lòng căm thù sâu sắc trong những người cầm súng; xây dựng trong toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tham dự trận đánh một quyết tâm “Không diệt được La Tiến để trả thù cho đồng bào, không ăn Tết”. Do đó cán bộ, chiến sĩ có ý chí, lòng quả cảm, quyết tâm cao, chờ mong giờ nổ súng.

Rạng sáng 31-1-1954, trận chiến đấu bắt đầu. Lực lượng của trung đoàn gồm: Tiểu đoàn 664, Đại đội 200 trợ chiến và Đại đội 61 thuộc Tiểu đoàn 652 phối hợp cùng bộ đội địa phương huyện Phù Cừ và du kích xã Nguyên Hòa nổ súng diệt bốt La Tiến. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt nhất là ở khu cố thủ cuối cùng, tiểu đội bộc phá của đồng chí Lê Văn Nổ đã phải dùng đến quả bộc phá cuối cùng mới đập tan được sức đề kháng của địch. Chỉ sau gần 20 phút, ta làm chủ trận đánh. Kết quả địch bị tiêu diệt hoàn toàn (chết, bị thương, bị bắt 150 tên), ta thu 8 súng cối, 1 trọng liên, 4 đại liên, 4 trung liên, 13 tiểu liên, 150 súng trường, 10 tấn đạn, toàn bộ quân trang, quân dụng và một khoản tiền Đông Dương khá lớn.

63 năm trôi qua, chiến thắng bốt La Tiến không bao giờ phai mờ trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 42 hôm nay. Bởi đó là niềm vinh dự, tự hào để mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị phấn đấu, noi gương và thấy rõ hơn trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HỒNG THÁI (lược ghi)