Người dân phải được thụ hưởng thành quả đổi mới

Gần đây, Quốc hội đã quyết định rất nhiều vấn đề lớn về quốc kế, dân sinh. Cử tri, nhân dân bày tỏ hy vọng và tin tưởng những quyết sách ấy sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Điển hình nhất và cũng được cử tri đánh giá cao nhất chính là 2 quyết sách về tiền lương. Đây là vấn đề lớn, liên quan tới cả những cân đối lớn của nền kinh tế. 

 Quốc hội quyết định chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ sáu.

Hai quyết sách về tiền lương được Quốc hội quyết định rất gần nhau. Quyết sách thứ nhất là Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2023 tại Kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2022. Khi ấy, cũng có nhiều người đặt vấn đề tại sao không chờ thực hiện lộ trình cải cách tiền lương? Lúc đó, kinh tế của người dân, doanh nghiệp đã bị bào mòn sau đại dịch Covid-19.

Thực tế, trong và sau đại dịch, chúng ta đã tung ra những gói hỗ trợ rất lớn cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Gói hỗ trợ của nước ta tính theo tỷ lệ GDP cao hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển trên thế giới. Nhưng như vậy cũng vẫn chưa đủ để giúp người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái "sức khỏe" kinh tế bình thường như trước khi xảy ra đại dịch. Do vậy, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, nổi bật là giảm thuế giá trị gia tăng; miễn, giảm nhiều loại thuế, phí khác để doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tăng lương cũng là một giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng, cũng là một cách tăng chi cho đầu tư phát triển.

"Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ về nguồn lực để thực hiện tăng lương cơ sở. Mọi nguồn lực chúng ta có được hôm nay đều là thành quả của sự nghiệp đổi mới và nguyên tắc là người dân phải được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều chiều như vậy, Quốc hội đã chủ động yêu cầu và thông qua quyết sách tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2023", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay.

Quyết sách thứ hai về tiền lương là Quốc hội quyết định bắt đầu thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024. Đây là lần cải cách rất lớn về tiền lương, cải cách một cách tổng thể và sẽ làm thay đổi hoàn toàn về tiền lương theo hướng có lợi nhất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tiền lương sẽ được chi trả theo vị trí việc làm, theo chức vụ, với cơ cấu 70% lương, 30% phụ cấp. Ngoài ra còn có khoản 10% quỹ lương dành cho người sử dụng lao động thực hiện chính sách khen thưởng theo mức độ cống hiến của người lao động. Mức lương sau cải cách được bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng của mỗi người và tăng dần hằng năm cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I ở khu vực doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị được 560.000 tỷ đồng để phục vụ cải cách tiền lương.

Quốc hội cũng quyết định dành 40% nguồn tăng thu ngân sách Trung ương; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương hằng năm để bảo đảm có đủ nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương.

Nước ta đang triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi). Năm 2023, Quốc hội đã giám sát tối cao về nội dung này, từ đó có những quyết sách quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia mang lại những kết quả rất rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới theo chủ trương, chính sách của Đảng, không để ai bị bỏ lại phía sau theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Kết quả ấy của chúng ta đã được bè bạn quốc tế và Liên hợp quốc đánh giá cao, nhất là trong công tác giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều. Tuy nhiên, qua giám sát, Quốc hội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế dẫn tới việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt tiến độ đặt ra, dẫn tới hiệu quả chưa được như kỳ vọng. 

 Quốc hội biểu quyết cho phép kéo dài thực hiện giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Trên cơ sở phân tích kỹ càng thiệt - hơn, Quốc hội đi đến quyết định chưa từng có tiền lệ là cho phép kéo dài thực hiện giải ngân số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ở cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 sang năm 2024 để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.

Cũng từ kết quả giám sát, Quốc hội nhận thấy cần phải có chính sách đặc thù để có thể đưa 3 chương trình mục tiêu quốc gia về đích thành công. Vì thế, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quyết đáp cơ chế đặc thù cho dự án trọng điểm

Cũng tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31-12-2024; đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán; cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31-12-2024, bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án...

Để đưa ra quyết sách như vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã phân tích rất kỹ lưỡng và nhận thấy cho phép tiếp tục kéo dài sẽ tốt hơn rất nhiều. Nếu hủy dự toán, tìm nguồn khác bố trí thì còn ách tắc nhiều hơn nữa, có thể mỗi dự án lại phải kéo dài thêm vài năm. Như thế sẽ tốn kém hơn nhiều và hiệu quả của dự án chắc chắn cũng khó được như mong muốn.

 Quốc hội biểu quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19 với nền kinh tế nước nhà, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng. Cùng với đó, khoản 65.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cũng đã được bổ sung cho các hoạt động đầu tư công. Nghị quyết số 43 có 3 lần nhắc tới yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nghĩa là Quốc hội đặt ra yêu cầu rất cao về việc tung gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao. Vì thế, suốt 2 năm qua, chỉ số lạm phát của nước ta vẫn được kiểm soát rất tốt ở mức thấp, trong phạm vi cho phép của Quốc hội.

Tuy rót nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ các gói nêu trên, nhưng lại có ràng buộc rất chặt về trách nhiệm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cũng chưa có các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này, dẫn tới tiến độ đầu tư bị chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đó là lý do vì sao Quốc hội phải ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Ngoài ra, trong năm 2023, Quốc hội cũng đã quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia. Những quyết sách đó thể hiện rất rõ tinh thần kiến tạo phát triển, nhạy bén, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn trước mắt nhưng vẫn tập trung cho những vấn đề căn cơ, lâu dài. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, người dân, doanh nghiệp đều bày tỏ phấn khởi, đánh giá rất cao và tin tưởng những quyết đáp của Quốc hội sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội nước ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; tiếp tục ghi dấu ấn là điểm sáng trên bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội của thế giới.

(Còn nữa)

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.