Cùng với “Diễn biến hòa bình” và các nguyên nhân khác, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ.
Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do tác động của “Diễn biến hòa bình” đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa; ý thức rõ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang có những biểu hiện phức tạp, hết sức nguy hiểm ở nước ta, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII). Ảnh: baochinhphu.vn
Như vậy là, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một thực tế đang tồn tại ở nước ta với những biểu hiện ở các mức độ và phạm vi cụ thể khác nhau. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu nhận diện cho được tính chất, nội dung, mức độ, phạm vi và những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xác định những nguyên nhân khách quan và chủ quan của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và điều quan trọng, cấp bách hơn là phải tìm ra được những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách kịp thời, có hiệu quả.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là quá trình “tự diễn biến” theo chiều hướng tiêu cực, suy thoái. Từ “tự diễn biến”, đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang “tự chuyển hóa”; từ “tự diễn biến” từng người đến “tự diễn biến” cả đội ngũ; từ “tự chuyển hóa” từng người đến “tự chuyển hóa” cả một tổ chức, nếu chúng ta không có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi hữu hiệu.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, ngày càng xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, xa rời lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xa rời Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xa rời đường lối của Đảng; sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhất là ngày càng xa rời những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, trượt dần sang đạo đức, lối sống tư sản, hoặc quay về với những thói hư, tật xấu của đạo đức, lối sống phong kiến… sẽ dẫn tới “tự diễn biến", “tự chuyển hóa”.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
“Tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” diễn ra từ bên trong từng con người và bên trong từng tổ chức. Theo đó, việc xác định nguyên nhân của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải đi tìm nguyên nhân từ chính trong con người, trong tổ chức là chủ yếu. Tuy nhiên, không thể không tính đến những nguyên nhân bên ngoài, sẽ cùng với các nguyên nhân bên trong tạo nên “hợp lực” thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
“Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là hai khái niệm có nội hàm khác nhau nhưng lại gắn kết với nhau trong một quá trình vận động, biến đổi của con người, tổ chức. Quá trình diễn ra “tự diễn biến” cũng là quá trình diễn ra “tự chuyển hóa”, nhưng đang ở trong những giới hạn nhất định. Nhưng đến một lúc nào đó thì từ “tự diễn biến” sẽ dẫn tới “tự chuyển hóa” toàn bộ; lúc đó con người, tổ chức sẽ thay đổi hoàn toàn về bản chất. “Tự chuyển hóa” bắt đầu bằng “tự diễn biến” và “tự diễn biến” sẽ dẫn tới “tự chuyển hóa” trong những điều kiện nhất định.
Như vậy, trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn, chúng ta phải thực sự quan tâm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi cả “tự diễn biến” và cả “tự chuyển hóa”. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh sự thay đổi về chất thì hai quá trình “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” vẫn có tính độc lập tương đối của nó. Theo đó, khi đề ra giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có thể và cần phải đề ra cả giải pháp chung và giải pháp riêng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần thường xuyên tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội… cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để việc tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiệu quả, có cơ sở khoa học, thuyết phục…, cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin; đặc biệt là những luận điểm cần được bổ sung, phát triển, mà Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chưa đề cập đầy đủ, toàn diện, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mới và những luận điểm hoàn toàn mới, mà Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chưa từng đề cập đến.
Hai là, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; đồng thời, nhận thức rõ những hạn chế, bất cập không thể tránh khỏi trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, thực hiện cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế. Phải từng bước thông qua đường lối, chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực tiễn của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi căn cứ địa cách mạng trước đây và các gia đình, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Ba là, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có khả năng đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, nhất là những quyết sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội, về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có năng lực tổ chức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo thực tiễn giỏi để nhanh chóng đưa nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện với tự giáo dục, tự rèn luyện, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất và năng lực, phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là những cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, như Bác Hồ đã dạy. Đặc biệt, cần kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là, tích cực đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, nhất là trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Trong đó, cần quan tâm đến các nội dung, biện pháp như: Tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức, xác định rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xác định rõ nội dung, hình thức, biện pháp, tổ chức lực lượng và xác định rõ cơ chế kết hợp, phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” bảo đảm phù hợp và hiệu quả. Thường xuyên quan tâm nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; tăng cường bảo đảm về vật chất, kinh phí cho hoạt động đấu tranh phòng, chống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng để ta mạnh lên về mọi mặt là chính, nhất là giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Chăm lo xây dựng nhân tố con người, nâng cao khả năng “tự bảo vệ”, tăng cường “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nâng cao “sức đề kháng” của mỗi người trước sự tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế…, là giải pháp tích cực, chủ động nhất và hiệu quả nhất để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở nước ta hiện nay.
PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG
--------------------------------------------------
(còn nữa)