Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và động lực mới được ghi nhận và phát huy, cũng có không ít khó khăn, thách thức, với nhiều vấn đề mới phức tạp, phát sinh từ thực tiễn thế giới và trong nước. Nhờ có sự đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Tiếp tục khai thác các động lực tăng trưởng bền vững, nhận diện và xử lý hiệu quả các thách thức đa dạng còn tồn tại và mới phát sinh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới trong bối cảnh mới.

Nền kinh tế đang dần phát triển theo chiều sâu

Bối cảnh 9 tháng năm 2016 có nhiều biến động bất lợi theo hướng gia tăng thời tiết cực đoan và căng thẳng khu vực. Kinh tế thế giới tăng trưởng trì trệ hơn. Giao dịch thương mại toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua và thị trường tài chính biến động mạnh do ảnh hưởng của sự kiện "Brexit" (nước Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu-EU). Thị trường dầu mỏ tiếp tục thừa cung và giá dầu ở mức thấp…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/nguồn internet. 
Trong bối cảnh đó, theo đánh giá tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, cũng như đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tổ chức xếp hạng kinh tế trong và ngoài nước, về tổng thể, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định vĩ mô và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước (với quý 1 tăng 5,48%, quý 2 tăng 5,78% và quý 3 tăng 6,4%) và tính chung 3 quý năm 2016 ước tăng 5,93%. Các dòng vốn nước ngoài tiếp tục tăng mạnh, cơ cấu phù hợp với mục tiêu thu hút. Chỉ số chứng khoán tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua. Xuất siêu tăng khá và số lượng DN thành lập mới, quay lại hoạt động tăng khá. Lạm phát được kiểm soát dưới mức kế hoạch. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh được tiếp tục cải thiện. Niềm tin thị trường, xã hội của người dân và DN được duy trì… Triển vọng đạt 11/13 chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, riêng GDP có thể chỉ đạt mức tăng trưởng cả năm 6,3-6,5% (so với mức 6,7% theo kế hoạch).

Động lực tăng trưởng được hội tụ tích cực từ tổ hợp các giải pháp của Chính phủ và nỗ lực tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới của doanh nghiệp, nhất là từ sự phát triển ngành chế biến, chế tạo (có quy mô và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp) với tốc độ tăng tới 10,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Sự bứt phá trong xuất khẩu rau quả (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều…) là rất ấn tượng nhờ áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và công nghệ bảo quản hiện đại hơn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm 2015 và các loại rau quả của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ. Dự kiến cả năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ cán mức 2,5-2,6 tỷ USD, có thể lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo.

Động lực tăng trưởng cũng đến từ sự hồi sinh và gia tăng mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp. Tính chung 9 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm 5,3% và cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng 25,4%. Đồng thời, có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước. Với các đơn hàng đã ký, hơn 80% DN được Tổng cục Thống kê khảo sát cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 khá ổn định và tốt hơn quý trước, quý 4 sẽ ổn định và tốt lên. Thực tế này cho thấy các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả tích cực.

Động lực tăng trưởng còn được cộng hưởng từ sự thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN. 9 tháng qua đã có thêm 48 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), thoái vốn được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Tổng cộng, đến nay cả nước đã thoái vốn thu về hơn 21 nghìn tỷ đồng, đạt gần 1,4 lần giá trị đầu tư. Điểm mới và cũng là động lực mới quan trọng thúc đẩy quá trình sắp xếp DNNN là chủ trương sớm thoái vốn để cắt lỗ những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ; đồng thời, khẩn trương ưu tiên CPH và thoái vốn ở các DNNN kinh doanh có hiệu quả, mở rộng CPH cả các công ty nông, lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh tiến độ, thu gọn số lượng DNNN trong kinh tế, nhưng tiếp tục củng cố các DNNN quan trọng, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% số lượng DNNN tại thời điểm năm 2015, tức chỉ còn 184 DNNN do Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn; bảo đảm sự linh hoạt trong cổ phần hóa, thoái vốn, giảm tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư; nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của DNNN thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập.

Khu vực FDI vẫn duy trì động lực tăng trưởng tích cực, với kết quả 9 tháng qua, cả nước thu hút được 1.820 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 11,1 tỷ USD, tăng 27,1% về số dự án và tăng 1,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 851 lượt dự án tăng vốn, đạt hơn 5,2 tỷ USD. FDI thực hiện ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong các dự án FDI, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 70,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; kinh doanh bất động sản chiếm 8,8%.

Thị trường tài chính mở rộng hơn, với 9 tháng, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 8,88%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%). Lãi suất huy động tương đối ổn định; lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Cơ cấu tín dụng đang tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.006,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP. Ngoài ra, động lực tăng trưởng còn được tiếp sức từ duy trì tổng cầu tiêu dùng trong nước, với 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.605 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 7,7%.

Năm 2016 là năm đánh dấu bước ngoặt trong ngành khai khoáng (9 tháng năm nay giảm tới 3,6%) khi Việt Nam chủ động thu hẹp sản xuất và xuất khẩu dầu thô, than nhằm tiết kiệm hai tài nguyên này. Đồng thời, đây cũng là minh chứng đậm nét cho thấy bước chuyển trong động lực tăng trưởng của Việt Nam, chuyển từ dựa vào khai thác tài nguyên sang dựa vào sản xuất

Những điểm trên cho thấy, kinh tế của nước ta đang chuyển mạnh từ động lực tăng trưởng dựa trên vốn đầu tư, sang khai thác, củng cố và phối hợp các động lực tăng trưởng bền vững về thể chế, công nghệ và niềm tin, đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả hơn, chuẩn bị cho đất nước phát triển với nhiều kỳ vọng lớn lao và tự tin hơn trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, vị trí của Việt Nam đã liên tục được cải thiện, đứng thứ 60/138 nước cho xếp hạng giai đoạn năm 2016-2017. WEF đánh giá xu hướng chung là Việt Nam vẫn đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh, nhất là về kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản-y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế, trình độ công nghệ hay giáo dục và đào tạo bậc cao. Việt Nam cũng tăng 3 bậc so về chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Bussiness 2016) theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 28-10-2015; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010.

Một số thách thức và vấn đề mới đặt ra

Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy đất nước đang và sẽ còn đối diện với nhiều thách thức và áp lực mới cho phát triển bền vững. Tăng trưởng GDP và xuất khẩu 9 tháng năm 2016 đạt thấp so với cùng kỳ và dự kiến; tăng trưởng nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra; thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao. Nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, chậm được xử lý căn bản và triệt để. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA còn chậm, gặp nhiều trở ngại. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề bức xúc. Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn.

Đặc biệt, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội thị trường và kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế thế giới chậm hơn mọi dự báo và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô biến động thấp hơn nhiều so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến cân đối NSNN. Tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra nặng nề nhất trong vòng 100 năm qua; rét đậm, rét hại, bão lụt ở một số tỉnh phía Bắc, sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nông dân, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cũng đậm dần nhu cầu và áp lực đổi mới toàn diện, nhất là mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại cả hai luồng thu-chi NSNN, giảm bớt bội chi NSNN. (Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố cuối tháng 8-2016, bội chi NSNN là 6,33%, cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu 5% GDP mà Quốc hội cho phép), đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả đầu tư công cùng hoạt động của các DNNN, các đơn vị sự nghiệp công và hệ thống các ngân hàng thương mại; đẩy nhanh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và đáp ứng các cam kết yêu cầu và lộ trình hội nhập quốc tế.

Nhiều khó khăn và hạn chế nêu trên có căn nguyên sâu xa từ nhận thức còn giản đơn, thiếu cụ thể và thống nhất, cũng như sự ngộ nhận và đồng nhất giữa mô hình tăng trưởng với phương thức phát triển; sự chậm trễ đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; thiếu đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường; sự lúng túng trong việc phát huy những thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế; sự trì trệ trong cải cách căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kết nối mạng; sự hạn chế về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất nông nghiệp và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân…

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư khẳng định rằng, để có thể hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ trên đây, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh. Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước; thất thu, bội chi, mất cân đối lớn về ngân sách Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện có hiệu quả chủ trương thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết, nhất là khắc phục hậu quả sự cố môi trường ở miền Trung, củng cố niềm tin của nhân dân.

Đặc biệt, sự quyết liệt trong tổ chức thực tế, sự chuyển động của toàn hệ thống chính trị, khai thác triệt để các động lực tích cực và vượt qua các thách thức để tiếp tục phát triển bền vững phải là ưu tiên cao nhất.

TS NGUYỄN MINH PHONG

(còn nữa)