Thời gian trôi đi nhưng tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng ngày 7-1-1979 mãi đọng lại trong tâm trí của người dân hai nước Việt Nam-Campuchia cũng như nhân loại tiến bộ trên thế giới.
“Người cha thứ hai”
Giữa lúc dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth lúc bấy giờ còn nhỏ tuổi, trên đường theo gia đình lánh nạn đã tận mắt nhìn thấy những hố chôn tập thể được đào sẵn như một minh chứng cho tội ác ghê rợn của tập đoàn phản động Pol Pot.
Và chẳng phải nói đâu xa, chính người cha của ông sau đó cũng đã bị chính quyền Khmer Đỏ giết hại. “Nếu như không có sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam thì người dân Campuchia, trong đó có bản thân tôi, đã không thể sống sót”, Đại sứ Chay Navuth nghẹn ngào nhớ lại.
Ban đầu, gia đình ông chạy tới tỉnh Prey Veng, với ý định chạy sang tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam, hy vọng thoát khỏi lưỡi hái tử thần Angkar. Thế nhưng, sau khi biết tin Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia, gia đình ông đã quyết định quay trở về nhà ở Phnom Penh.
 |
Người dân Campuchia mang nước thốt nốt cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những ngày giúp nhân dân Campuchia thu hoạch lúa. Ảnh: TTXVN |
Tình cờ gặp các chiến sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam với “những khuôn mặt thân thiện, hiền từ” trên đường trở về Phnom Penh, gia đình ông đã được cho đi nhờ xe. Trong lúc mọi người dừng chân nghỉ trưa, một chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam khi nhìn thấy người em gái nhỏ của Chay Navuth đã quyết định vẽ một bức chân dung tặng cô bé.
“Đó là món quà vô cùng quý giá với chúng tôi. Thật đáng tiếc là sau này, do gia đình chúng tôi nhiều lần phải chuyển chỗ ở nên bức tranh đã bị thất lạc”, Đại sứ Chay Navuth không khỏi tiếc nuối.
Tại Phnom Penh, địa điểm đóng quân của một đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam lại vô tình nằm đối diện căn nhà của gia đình ông Chay Navuth. Ông vẫn nhớ như in hình ảnh bộ đội Việt Nam với tinh thần tự giác rèn luyện, bất kể nắng mưa, rét mướt vẫn đều đặn tập thể dục vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày.
“Những tiếng hô lớn, đồng thanh "Một... hai... ba... bốn" của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã ăn sâu vào tâm trí tôi, tạo cho tôi thói quen tập thể dục lúc 5 giờ sáng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì thói quen đó. Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với bộ đội tình nguyện Việt Nam”, Đại sứ Chay Navuth kể.
Khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Campuchia tại Việt Nam, nguyện vọng của ông là tìm gặp lại được những chiến sĩ Quân tình nguyện năm xưa bởi “họ như người cha thứ hai của tôi”. Cho dù nguyện vọng ấy chưa thành hiện thực nhưng ông vẫn không thôi hy vọng.
“Việc các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7-1-1979 cũng như hàng nghìn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được cử sang cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia sau giải phóng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước chùa tháp chính là minh chứng điển hình cho tinh thần chia ngọt sẻ bùi giữa hai dân tộc”, Đại sứ Chay Navuth khẳng định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Cùng chung quan điểm, TS Kin Phea, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế-Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia nhấn mạnh tinh thần chia ngọt sẻ bùi giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia là “một sự thật lịch sử”. Việt Nam đóng vai trò quan trọng giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng giống như sự hỗ trợ quan trọng của Campuchia đối với sự nghiệp thống nhất đất nước của Việt Nam.
Theo TS Kin Phea, các tượng đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia trên khắp xứ chùa tháp “phản ánh sự giúp đỡ của Việt Nam trong công cuộc lật đổ chế độ Khmer Đỏ bạo tàn” cách đây hơn 4 thập niên, thể hiện “lòng biết ơn của Campuchia đối với Việt Nam, nhất là các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng”.
Tấm lòng người cựu tù Khmer Đỏ
Nhiều thập niên đã trôi qua nhưng nghĩa tình Việt Nam-Campuchia vẫn lắng đọng lại trong hương đất, hương trời. Nghĩa tình ấy được xây nên từ máu và nước mắt để dệt nên khúc hát thái hòa hôm nay. Chiến thắng ngày 7-1-1979 vì thế mãi mãi được lịch sử khắc ghi trong thiên sử vàng đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, nhiều công trình ghi nhớ công ơn của Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam cùng quân, dân Campuchia chiến đấu, hy sinh được xây dựng ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên đất nước Angkor hay việc Chính phủ Campuchia và Đảng Nhân dân Campuchia chọn ngày 7-1 là quốc lễ, định kỳ tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày này hàng năm chính là những biểu tượng cao đẹp của mối quan hệ hữu nghị không gì có thể lay chuyển giữa hai dân tộc.
“Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nhiều lần khẳng định, nếu không có chiến thắng ngày 7-1-1979, nếu không có sự hỗ trợ từ Quân tình nguyện Việt Nam cũng như sự giúp đỡ, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong suốt 10 năm (1979-1989) thì người dân và đất nước Campuchia không thể hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay. Ngày 7-1-1979 đã trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng khẳng định.
Lần đầu tiên đặt chân đến Campuchia vào đầu năm 1979 với tư cách là một cán bộ của Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) để rồi sau đó trở thành Đại sứ Việt Nam thứ năm tại Campuchia kể từ sau khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị lật đổ, ông Nguyễn Chiến Thắng không ít lần chứng kiến tình cảm chân thành của các nhà lãnh đạo Campuchia dành cho Việt Nam vì đã giúp đất nước chùa tháp khép lại trang sử đau thương, đen tối nhất.
Còn nhớ tại một buổi chiêu đãi đoàn ngoại giao ở Phnom Penh vào tháng 5-2007, Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk nói với ông rằng rất biết ơn Việt Nam đã giúp đánh đuổi Khmer Đỏ. Nếu không có Việt Nam thì làm sao có một người cựu tù của Khmer Đỏ là Sihanouk đứng hát bài dân ca “Cây trúc xinh” cho đoàn ngoại giao nghe hôm ấy. Thái thượng hoàng Sihanouk đã nhờ ông chuyển tới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam lòng biết ơn chân thành.
“Tôi cảm động khi nghe Thái thượng hoàng Sihanouk nói ra tình cảm của mình bằng một thứ tiếng Pháp rất rõ ràng và nói to như để mọi người cùng nghe. Tôi quay sang nhìn thì thấy có Đại sứ Mỹ, Đại sứ Nga và Đại sứ Trung Quốc cũng đang đứng xung quanh. Tôi thầm nghĩ, chắc các vị ấy cũng nghe rất rõ những điều mà Thái thượng hoàng Sihanouk nói”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Chiến Thắng nhớ lại.
GS Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) là người đã có cơ hội gặp gỡ nhiều quan chức Campuchia từng sống dưới chế độ Khmer Đỏ. Ông cũng từng đến thăm những ngôi mộ tập thể chôn các nạn nhân của Khmer Đỏ. Dưới góc nhìn của ông, nếu như không có sự giúp đỡ của Việt Nam dành cho các lực lượng Campuchia để chống lại Khmer Đỏ, “nạn diệt chủng còn tiếp diễn và có thêm hàng trăm nghìn người Campuchia khác đã bị giết hại”.
“Các lực lượng của Việt Nam cùng với những người Campuchia từng đào thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ đã chung tay giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng vào đầu năm 1979. Các nhà lãnh đạo Campuchia đã đúng khi nói rằng họ sẽ không thể sống đến ngày hôm nay nếu như không có sự giúp đỡ của Việt Nam”, vị học giả người Australia khẳng định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
(còn nữa)
HOÀNG VŨ