Như đã đề cập trong các bài viết trước, sự gắn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào đã phát triển mạnh mẽ trong lịch sử phát triển của nhân dân hai nước, trở thành tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, một điển hình mẫu mực hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Liên minh chiến đấu đặc biệt, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hoạt động trên đất bạn Lào chính là một trong những biểu tượng cao đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào.

“Hành trang chính trị”

Trong thời kỳ cùng chiến đấu khốc liệt, gian khổ, hàng vạn Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam lúc bấy giờ, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới mười tám, đôi mươi, để lại sau lưng mẹ già và các em thơ, với khí thế hào hùng cùng nhau khoác ba lô vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ đến nước Lào để thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cùng quân đội và nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân cũ và đế quốc mới.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó trưởng ban liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào chính là một trong số đó.

Ngày 19-8-1948, ông Nghiệp khi ấy mới 19 tuổi cùng đồng đội thuộc đơn vị Quân tình nguyện đầu tiên của Khu 5 lúc bấy giờ bắt đầu hành quân sang khu vực Hạ Lào. Ông còn nhớ tại lễ xuất quân hôm ấy, đồng chí Phạm Văn Đồng có chuyển lời căn dặn của Bác Hồ tới các chiến sĩ rằng phải tôn trọng, thương yêu, xem người dân Lào giống như đồng bào của mình, coi núi sông, cây cỏ, ruộng đồng của Lào như quê hương thứ hai của mình. Giúp bạn nhưng không được ban ơn, không bao biện làm thay, giúp bạn để bạn tự làm lấy.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam giã gạo giúp nhân dân Lào. Ảnh: Sách ảnh “Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào”/Nhà xuất bản Thông tấn 

Lời căn dặn của Bác Hồ trở thành “hành trang chính trị” cho ông và đồng đội trong suốt những năm tháng hoạt động, công tác trên đất bạn Lào. “Khi mới từ Việt Nam sang, chúng tôi gặp không ít trở ngại do chưa biết ngôn ngữ nước bạn, chưa thạo địa hình cũng như phong tục, tập quán, tiếp tế hậu cần thiếu thốn, bị sốt rét rừng giày vò.

Thế là chúng tôi quyết tâm nhanh chóng chia nhau bám dân, học tiếng, tìm hiểu phong tục, tập quán, tích cực “bắt mối, xâu chuỗi, tìm nòng cốt”, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất, cùng dân đánh giặc, chống càn quét, bảo vệ cơ sở, bản làng.

Thông qua tiếp xúc với người dân địa phương, nếu nhận thấy ai có cảm tình với cách mạng thì “bắt mối”, nhờ đó tiếp cận thêm được những người khác để “xâu chuỗi” rồi lựa chọn ra những người nòng cốt xây dựng cơ sở, từ các tổ chức bí mật đến công khai, hình thành các tổ chức quần chúng, tổ chức dân quân du kích, tiến lên xây dựng chính quyền, phát triển đảng viên, từng bước phát triển cơ sở từ hẹp đến rộng, từ yếu đến mạnh”, ông kể.

Bản tráng ca

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chung một chiến hào, trên khắp mọi miền của đất nước Lào, không có nơi nào thiếu dấu chân các chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Các đồng chí chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam, như cách gọi của Chủ tịch Kaysone Phomvihane, “đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam cộng khổ, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho chúng tôi, kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời”.

Máu đào của các chiến sĩ Việt Nam và Lào đã thấm vào dãy Trường Sơn, hòa trong nước sông Mê Công. Nước mắt của những người mẹ Lào, người mẹ Việt Nam có con hy sinh đều chung vị mặn đắng của đau thương, mất mát. “Không chỉ là máu xương để lại, trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, họ sẵn sàng nhường cho nhau sự sống, như những bản tráng ca vượt lên trên tất cả những điều cao đẹp.

Có những người lính Việt Nam đã mãi nằm lại, bồi đắp máu xương trên những mảnh đất Lào để mang lại tự do, hòa bình cho nhân dân hai nước. Những tấm gương chiến đấu của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào, tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào cũng thật đặc biệt, đặc biệt đúng như tính chất quan hệ hai nước”, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng chia sẻ. 

Với ông Nghiệp, gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng, ông gắn bó mật thiết với đất nước Triệu Voi. 18 năm ông làm công tác nghiên cứu về đất nước Lào. 25 năm ông trực tiếp hoạt động bên Lào, trong đó 6 năm làm bộ đội tình nguyện và 19 năm làm chuyên gia giúp nước bạn. Quãng thời gian ấy trở thành “thời vàng son” trong cuộc đời của ông Nghiệp.

Vì vậy, dù đã nghỉ hưu hơn 30 năm và bước qua tuổi 93 nhưng những ký ức và tình cảm của ông về chặng đường lịch sử hào hùng một thời của hai dân tộc vẫn vẹn nguyên như ngày nào. “Tôi xem đất nước Lào như quê hương thứ hai của mình. Tình cảm ấy xuất phát từ thực tế những năm tôi cùng đồng đội công tác tại Lào, từ không biết tiếng, phong tục, tập quán, không quen biết ai lúc đầu cho đến khi tham gia giúp cách mạng Lào, được nhân dân Lào coi như con em trong nhà”, ông Nghiệp nói.

(còn nữa)

HOÀNG VŨ