Trước tình huống phát hiện một người bị đuối nước cách đơn vị khoảng 300m, lập tức Đại đội 1 sử dụng tàu cơ động đi cứu người. Khi cách người bị nạn 10-15m, bằng kỹ năng đã được luyện tập, một chiến sĩ nhanh chóng nhảy xuống sông bơi đến cứu nạn nhân. Lúc này, trên tàu, một tổ 3 đồng chí dùng “rọ cứu hộ, cứu nạn” kéo nạn nhân lên tàu và tiến hành các biện pháp sơ cứu, cấp cứu.

Theo Đại tá Trần Văn Nước, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 962, để xử trí các tình huống cứu hộ, cứu nạn (CHCN) nhanh, gọn, hiệu quả, bảo đảm an toàn, đơn vị thường xuyên tổ chức cho bộ đội thực hiện tốt phong trào thi đua huấn luyện giỏi, SSCĐ cao. Các chỉ tiêu thi đua tập trung bảo đảm huấn luyện sát đối tượng, với thực tế địa bàn; rèn luyện nâng cao thể lực, trình độ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ ở nhiều địa hình, thời tiết khác nhau.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 huấn luyện cứu người trôi dạt trên sông. Ảnh: QUANG ĐỨC

Để bộ đội làm chủ sông nước, ngoài thời gian chính khóa, lữ đoàn còn tổ chức duy trì cho bộ đội luyện tập bổ trợ vào chiều thứ hai và thứ năm hằng tuần. Tận dụng vị trí đóng quân gần bờ sông, các buổi huấn luyện được diễn ra ngay trên cầu cảng. Trung sĩ Từ Quốc Duy, chiến sĩ súng pháo Tàu 18-21-24, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962 chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ bơi được khoảng 100m, sau đó tăng dần qua từng buổi tập. Hiện nay, tôi có thể bơi được hơn 1.000m với các kiểu như bơi ếch, trườn sấp, tự do mà không cảm thấy mệt. Việc bơi thuần thục là điều kiện thuận lợi để tôi sẵn sàng tham gia CHCN”. Đại úy Đoàn Văn Chế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 tâm sự: “Hằng tuần, đơn vị còn duy trì công tác huấn luyện phòng cháy, chữa cháy trên sông. Hiện nay, mỗi tàu đều được trang bị 4 hộp vòi rồng và các dụng cụ chữa cháy tại chỗ. Chúng tôi thường tổ chức huấn luyện từng người, từng vị trí, sau đó mới tiến hành hợp luyện toàn tàu. Nhờ vậy, lực lượng và phương tiện chữa cháy được biên chế của đơn vị luôn sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ”.

Nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đơn vị đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, 5 năm qua, lữ đoàn đã có 35 sáng kiến và 4 đề tài được Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 9 nghiệm thu, đưa vào áp dụng thực tế như: “Hệ thống nâng hạ cửa đổ bộ tàu LCM8 bằng thủy lực”; “Hệ thống lái thủy lực tàu PCF”; “Thiết bị ép đa tác dụng”; “Cần cẩu cứu hộ, cứu nạn trên tàu ST175”; “Hệ thống chống chìm tự động trên tàu”. Các sáng kiến, cải tiến đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm an toàn và tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho đơn vị. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ đơn vị nâng cao trình độ hiệp đồng, kỹ năng xử trí tình huống, nhạy bén khi làm nhiệm vụ cũng như phản ứng nhanh khi có tình huống xảy ra.

Nhờ huấn luyện giỏi, kỹ thuật chuyên ngành thuần thục, 5 năm qua, lữ đoàn đã cứu hộ thành công hơn 50 xuồng, ghe, sà lan từ 300 đến 850 tấn bị chìm, lật và 150 người dân gặp nạn trên sông; tham gia dập tắt 3 đám cháy lớn, kịp thời sơ tán hơn 500 người dân và nhiều tài sản có giá trị đến nơi an toàn; di dời 105 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở tại TP Long Xuyên; đắp hàng nghìn mét đê bao ngăn lũ tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Kết quả huấn luyện giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CHCN đã góp phần để Lữ đoàn 962 nhiều năm liền được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Năm 2020, lữ đoàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

LƯU QUANG ĐỨC