Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của QUTƯ về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo..., công tác huấn luyện của toàn quân đã có sự chuyển biến tích cực, đổi mới toàn diện, chất lượng không ngừng được nâng cao. Các cơ quan, đơn vị đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” trong huấn luyện; đồng thời tập trung đột phá vào “4 đổi mới” trong huấn luyện, gồm: Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; đổi mới nội dung; đổi mới tổ chức và phương pháp; đổi mới công tác bảo đảm huấn luyện.
Trong đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, đã tập trung chỉ đạo huấn luyện toàn diện cho các lực lượng, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đến dự bị động viên, dân quân tự vệ; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu cho các đối tượng; xác định huấn luyện cán bộ là then chốt, lấy huấn luyện tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao làm điều kiện và môi trường để rèn luyện bộ đội. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp, hiệp đồng được tiến hành chặt chẽ từ cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng (BQP) đến các đơn vị toàn quân, bảo đảm đúng chỉ lệnh và kế hoạch đã được phê duyệt. Cơ quan điều hành huấn luyện đã làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị thực hiện bám sát phương châm, nhiệm vụ, vận dụng tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; lấy kết quả huấn luyện, giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) hằng năm làm cơ sở để đánh giá chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đồng thời coi đó là tiêu chí phân loại, bình xét thi đua khen thưởng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
 |
Bộ đội Lữ đoàn 673, Quân đoàn 2 huấn luyện bắn súng. Ảnh: HOÀNG HÀ.
|
Trong diễn tập chỉ huy-tham mưu cơ quan chiến dịch, chiến lược, đã thực hiện theo hướng “Cơ bản, toàn diện, sát phương án tác chiến, tình hình thực tiễn”; diễn tập KVPT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hành vận hành cơ chế đã nâng cao một bước về nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, đã tăng cường tổ chức diễn tập chiến thuật bắn đạn thật các hình thức, các cấp, nhất là diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng đi vào nền nếp, chất lượng tốt.
Đổi mới trong nội dung huấn luyện, các cơ quan chức năng của quân đội đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chương trình huấn luyện bảo đảm có tính hệ thống, toàn diện, chuyên sâu, hàm lượng khoa học cao, theo hướng nâng cao trình độ, năng lực của bộ đội lên một bước mới; tập trung tăng tỷ lệ thời gian, nội dung thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, tăng thời gian diễn tập, bắn đạn thật, hội thi, hội thao, kiểm tra các cấp; kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực bộ đội, làm công tác dân vận, thực hiện nhiệm vụ trực, tuần tra, trinh sát, đối ngoại quốc phòng; huấn luyện theo các phương án tác chiến vùng, miền, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.
Đổi mới tổ chức và phương pháp huấn luyện, toàn quân đã lấy nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội làm mục tiêu huấn luyện; chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kỹ năng thực hành của bộ đội, huấn luyện sát với thực tế chiến đấu, phù hợp với biên chế, vũ khí trang bị của từng lực lượng; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, GD-ĐT với huấn luyện chiến đấu; gắn huấn luyện với xây dựng nền nếp chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong tình hình mới.
Công tác bảo đảm huấn luyện cũng được xác định là một trong "4 đổi mới" nhằm tạo đột phá trong huấn luyện; được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo hướng “Tập trung, thống nhất, hiệu quả”. Hoạt động bảo đảm huấn luyện đã từng bước cụ thể hóa định lượng bảo đảm cho từng loại hình đơn vị, ưu tiên hợp lý cho các đơn vị mới thành lập, đơn vị điểm, đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu. Toàn quân đã tận dụng mọi nguồn lực để tích cực xây dựng, tu sửa trường bắn, thao trường huấn luyện, bảo đảm vật chất, góp phần phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ huấn luyện.
Trong 5 năm qua, QUTƯ, BQP đã chỉ đạo tổ chức tốt các cuộc diễn tập, luyện tập ở các cấp và tổ chức bắn hầu hết các loại vũ khí trang bị, hỏa lực có trong biên chế. Đặc biệt, đã chỉ đạo tổ chức tốt các cuộc diễn tập quy mô lớn với nhiều nội dung, phương pháp mới, qua đó khẳng định được sức mạnh, trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng, khả năng sản xuất, sử dụng các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, nâng cao khả năng cơ động, SSCĐ của quân đội và dân quân tự vệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện, diễn tập ở các cấp; chỉ đạo các hội thi, hội thao, nhất là tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games); Hội thi bắn súng lục quân (AASAM) đạt thành tích tốt, được các nước đánh giá cao về khả năng huấn luyện, tác chiến của Quân đội ta, qua đó xây dựng, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong giai đoạn 2015-2020, các học viện, nhà trường quân đội đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, QUTƯ, BQP về công tác GD-ĐT, như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTƯ ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTƯ) về công tác giáo dục trong tình hình mới; Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020 của Bộ Quốc phòng; Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ trưởng BQP về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ... Nhờ đó, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được kiện toàn về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất tốt, trình độ ngày càng được chuẩn hóa. Nội dung, chương trình đào tạo được điều chỉnh bảo đảm khoa học, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, sát thực tế; từng bước giảm tỷ lệ lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm. Công tác GD-ĐT đã bám sát phương châm “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, thực hiện “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, công nghệ thông tin ngày càng được chú trọng. Các học viện, nhà trường đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, SSCĐ gắn với công tác giáo dục; tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tham gia giảng dạy và báo cáo kinh nghiệm thực tế. Công tác xây dựng, triển khai Đề án “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được thực hiện quyết liệt. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo ngày càng được mở rộng, nhất là đào tạo phi công, thủy thủ tàu ngầm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin...
Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của QUTƯ, BQP và cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Quân đội, toàn quân đã giành được nhiều kết quả tích cực, thực chất trong tổ chức thực hiện "ba khâu đột phá" nói chung, đột phá trong huấn luyện và đào tạo nói riêng, qua đó góp phần nâng cao một bước chất lượng tổng hợp và khả năng SSCĐ của quân đội; đồng thời tạo ra nền tảng quan trọng để "ba khâu đột phá" tiếp tục được thực hiện hiệu quả hơn nữa trong nhiệm kỳ 2020-2025.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên QPAN