Một nền quản trị quốc gia cũng như con tàu ấy. Hành pháp chính trị giống như thuyền trưởng, chịu trách nhiệm hoạch định chính sách và định hướng chiến lược. Hành chính công vụ tương tự đội ngũ thủy thủ, tập trung thực thi các chỉ đạo chính trị và duy trì vận hành ổn định.
Hành pháp chính trị và hành chính công vụ là hai công việc khác biệt
Trước hết, chúng khác biệt về bản chất công việc. Hành pháp chính trị tập trung vào hoạch định chính sách, lãnh đạo và định hướng chiến lược quốc gia. Hành chính công vụ chuyên về thực thi chính sách, quản lý tổ chức và bảo đảm sự vận hành ổn định.
Thứ hai, chúng khác biệt về mục tiêu. Hành pháp chính trị hướng đến thay đổi và cải cách. Hành chính công vụ bảo đảm sự ổn định, minh bạch và hiệu quả trong thực thi chính sách.
Thứ ba, chúng khác biệt về năng lực cần thiết. Hành pháp chính trị đòi hỏi khả năng lãnh đạo chính trị, tư duy chiến lược và tạo đồng thuận. Hành chính công vụ cần kỹ năng quản lý tổ chức, tuân thủ quy trình và thực thi chính sách với độ chính xác cao.
Mối quan hệ giữa hai vai trò này giống như nhạc trưởng và dàn nhạc. Hành pháp chính trị (nhạc trưởng) chỉ đạo, trong khi hành chính công vụ (dàn nhạc) thực thi. Sự phối hợp nhịp nhàng bảo đảm hiệu quả, nhưng nếu lẫn lộn vai trò, bản nhạc sẽ rối loạn.
 |
Ảnh minh họa/chinhphu.vn |
Thực trạng ở Việt Nam: Vai trò chưa được phân định rõ
Hiện nay, ở Việt Nam, sự phân định giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ còn chưa rõ ràng. Nhiều lãnh đạo cấp cao vừa hoạch định chiến lược vừa phải xử lý các công việc hành chính hằng ngày. Điều này không chỉ gây nghẽn thể chế mà còn làm giảm hiệu quả quản lý.
Ví dụ, chủ tịch UBND nhiều nơi phải trực tiếp phê duyệt mọi loại văn bản, từ dự án chiến lược đến giấy phép xây dựng. Hệ quả là, các quyết định lớn bị trì hoãn, còn đội ngũ công chức hành chính thiếu quyền hạn và động lực để thực thi hiệu quả. Việc lẫn lộn này gây ra những hệ quả rất lớn.
Thứ nhất là lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả. Lãnh đạo chính trị bị sa lầy vào công việc hành chính, trong khi đội ngũ công chức không có đủ quyền lực để thực thi.
Thứ hai là tăng nguy cơ tham nhũng và xung đột lợi ích. Khi một cơ quan vừa hoạch định chính sách vừa thực thi và giám sát, nguy cơ lạm quyền và xung đột lợi ích rất cao. Ví dụ, lãnh đạo cấp tỉnh vừa ký quyết định quy hoạch đất vừa tham gia vào dự án đầu tư liên quan, dẫn đến mất lòng tin của người dân.
Thứ ba là cản trở cải cách và đổi mới. Sự chồng chéo vai trò làm bộ máy kém hiệu quả, các cải cách lớn như chuyển đổi số hay cải cách thủ tục hành chính thường bị đình trệ.
Bài học từ các quốc gia phát triển
Ở các nước phát triển, việc phân định rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ giúp xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả.
Nếu đứng đầu hành pháp chính trị là thủ tướng hoặc tổng thống thì đứng đầu hành chính công vụ là tổng công vụ trưởng (Head of Civil Service). Tổng công vụ trưởng lãnh đạo toàn bộ hệ thống hành chính công quốc gia, bảo đảm sự vận hành thống nhất và không bị ảnh hưởng bởi thay đổi chính trị. Ở Anh quốc, tổng công vụ trưởng điều phối hoạt động của bộ máy hành chính các bộ và cơ quan công quyền, bảo đảm chính sách của chính phủ được thực hiện đồng nhất. Ở Singapore, tổng công vụ trưởng lãnh đạo khu vực dịch vụ công Public Service Division, quản lý công chức từ tuyển dụng, đào tạo đến đánh giá. Hệ thống công vụ Singapore nổi tiếng toàn cầu nhờ sự lãnh đạo chuyên nghiệp này.
Nếu đứng đầu hành pháp chính trị ở cấp bộ là bộ trưởng thì đứng đầu hành chính công vụ ở cấp bộ là quốc vụ khanh (Minister of State). Quốc vụ khanh tại từng bộ chịu trách nhiệm quản lý vận hành hành chính của bộ, bảo đảm thực thi các chính sách của bộ trưởng. Ví dụ, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Anh giám sát vận hành hệ thống y tế quốc gia, bảo đảm thực thi chính sách y tế minh bạch và hiệu quả. Ở Nhật Bản, mỗi bộ có một thứ trưởng điều hành (Administrative Vice-Minister), người điều hành hoạt động hằng ngày của bộ. Đây là quan chức hành chính chuyên nghiệp, không phải chính trị gia, được bổ nhiệm dựa trên năng lực chuyên môn. Họ bảo đảm các quyết sách của bộ trưởng được thực hiện nhất quán và hiệu quả.
Phân định vai trò: Chìa khóa cho cải cách và phát triển tại Việt Nam
Việc phân định rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế vốn là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam. Đây là nền tảng để xây dựng một nền quản trị quốc gia chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới và kỳ vọng của người dân. Dưới đây là những cơ hội mà phân định chức năng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ mang lại.
1. Giảm chồng chéo, tinh gọn bộ máy: Phân định vai trò giúp giảm tầng nấc trung gian, tối ưu hóa nguồn lực và tập trung hóa nhiệm vụ. Ở Singapore và Nhật Bản, việc phân định rõ ràng đã giúp bộ máy giảm quy mô nhưng tăng hiệu quả.
2. Tháo gỡ nghẽn thể chế: Phân định rõ chức năng giúp loại bỏ xung đột lợi ích và tăng tính minh bạch. Ví dụ, việc phê duyệt đầu tư công ở Việt Nam sẽ nhanh hơn nếu lãnh đạo chính trị chỉ xác định ưu tiên, còn đội ngũ hành chính đảm nhận thực thi.
3. Tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả: Một hệ thống hành chính độc lập với chính trị giúp bộ máy vận hành trơn tru hơn, giảm gánh nặng cho lãnh đạo chính trị. Ở Nhật Bản, thứ trưởng điều hành đã giúp các bộ trưởng tập trung vào hoạch định chiến lược, trong khi bộ máy hành chính vận hành ổn định.
4. Thúc đẩy cải cách và đổi mới: Khi vai trò được phân định rõ, lãnh đạo chính trị có thể tập trung đổi mới tư duy chiến lược, còn hành chính công vụ sẽ cải thiện cách thực thi. Ví dụ, Singapore triển khai dịch vụ công số hóa dưới chỉ đạo chính trị, nhưng việc thực hiện được giao cho đội ngũ hành chính chuyên nghiệp.
5. Tăng niềm tin từ xã hội: Phân định rõ vai trò giúp minh bạch hóa quy trình và tăng trách nhiệm giải trình, từ đó tạo niềm tin với người dân.
Tóm lại, phân định rõ ràng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ không chỉ là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được Tổng Bí thư Tô Lâm thúc đẩy mà còn là chìa khóa tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế. Việt Nam cần học hỏi, tham khảo từ các nước phát triển để xây dựng một nền quản trị quốc gia chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân và yêu cầu của thời đại mới.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG