Hiện đại và truyền thống có thể song hành? Cổ điển và cách tân có thể cùng vận động gắn kết? Câu trả lời là có, nhưng khó! Khó có thể duy trì hoàn toàn mỗi mặt. Chỉ có thể bảo vệ những gì cốt yếu, hồn vía, tinh túy. Muốn bảo vệ thì phải hiểu biết, bản lĩnh và kiên cường. Bởi cái mới thường xuất hiện ồ ạt, bão táp, sức hút lớn, cho nên cần bảo vệ, truyền lưu, phát triển truyền thống như một thực thể sống động được trân trọng, chứ không chỉ là tồn tại cho có-một cách thưa thớt, yếu ớt trong sự đối chọi, mâu thuẫn. Văn hóa truyền thống ngày nay hiển hiện rõ nhất qua việc thực hiện các nghi lễ của gia đình, dòng tộc (ngày giỗ, tang); qua nghi thức cưới hỏi, lễ tiết trong năm, đặc biệt nhất là Tết Nguyên đán.
Những tiết lễ ngàn năm của nền văn minh lúa nước ngày càng mỏng mảnh trong cuộc sống tinh thần của các gia đình thành phố, nông thôn thì đô thị hóa. Các tỉnh lỵ từ thị xã đã phần lớn lên thành phố, lại có tỉnh có tới 4 thành phố, rồi thành phố trong thành phố. Như vậy, số lượng citizen (thị dân) tăng theo cấp số nhân, xã hội mau đạt văn minh, hiện đại? Sự văn minh có bao giờ sơ giản chỉ là vật chất, hạ tầng; ở nếp sống tinh thần, văn hóa mới là thượng tầng xã hội!
 |
Minh họa: Anh Khoa. |
Những thanh thiếu niên được gọi là “gen Z” (sinh năm 2000 trở đi), bao nhiêu em được trực tiếp quan sát, thực hành nặn, luộc bánh trôi; gói bánh chưng, trông nồi bánh? Hỏi câu này chắc lắm người chép miệng: Ôi giời, thời gian đâu, luộc chỗ nào, mua sẵn cho nhanh! “Gen Z” còn thế, huống hồ các bé nhi đồng cấp tiểu học, mầm non. Tại đâu? Tại cuộc sống bận quá, mệt quá hay đời sống công nghiệp hóa với đủ thứ nhanh: Ăn nhanh, uống nhanh, nghĩ nhanh, làm nhanh? Hay tại dịch vụ mua bán trực tuyến, đặt qua mạng, shipper nhan nhản, đi chợ hộ và mạng xã hội loạn các kiểu livestream bán hàng? Lớp trẻ không đáng trách khi chúng xa lạ, thậm chí thờ ơ với các tập tục truyền thống. Vì chúng ít hoặc gần như không được nghe kể, truyền đạt ký ức một cách cảm xúc về những tiết lễ gắn với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ; không được hướng dẫn, dạy bảo kỹ càng, không hề có cơ may trải nghiệm.
“Làm cả năm ăn ba ngày Tết”, câu nói dân gian không còn đúng và đủ với Tết thời nay. Tết thời hiện đại không chỉ có ăn mà còn cần diện đẹp, chơi vui. Nếu những tụ điểm công cộng phải đóng cửa, nếu sân khấu tối đèn, rạp phải đóng cửa không có mùa phim Tết thì đâu chỉ các nhà sản xuất thất thu mà công chúng và giới trẻ mất đi niềm vui chính đáng. Nhưng biết làm sao khi mọi vận hành xã hội bị ảnh hưởng, tác động dữ dội và việc tạm dừng hoạt động giải trí là không thể khác?
Tết đích thực không chỉ ba ngày. Tết từ tâm thế chuẩn bị, không khí đón, những ngày giáp Tết. Tết chính thức từ Lễ cúng Thần Bếp-Táo quân lên chầu Ngọc Hoàng, ngày 23 tháng Chạp.
Tiết tấu của đời sống hiện đại khiến con người luôn lao đi, cuốn vào guồng xoáy công việc triền miên cùng tham vọng không khi nào dứt. Thời gian nghỉ Tết, chuẩn bị Tết tuy nhiều bận rộn với nghĩa vụ, bổn phận, vốn ngày thường bị chìm khuất, thì dịp cuối năm cũ đón năm mới được đề cao. Đó là ra mộ phần quét dọn, sửa sang, trồng cây và hoa, mời người thân đã khuất về ăn Tết. Ai làm ăn xa, tha hương trong nước hay nước ngoài, Tết là chỉ muốn về quê, đoàn tụ người thân, hướng về dòng tộc, Tổ quốc. Tết là dịp sửa sai, bù chuộc bằng các cuộc thăm, chúc, quan tâm họ hàng, ân nhân, bạn tốt. Tết là cuộc hẹn lớn và chung cho nhiều người. Tết là cơ hội nhận tình đoàn kết, tương thân tương ái với những phận đời thua thiệt, yếm thế. Tết là khi lòng thanh lắng hơn trong hồi ức, cảm xúc thiện lành, niềm tin và hy vọng mới. Tết đến vào đầu mùa xuân, mùa thiên nhiên trổ bừng sức sống nhất, phấn chấn mua hoa, cây về nhà tỏa sắc hương rực rỡ; thích hợp trồng, lan truyền màu xanh.
Hiện đại có phải là mất đi? Hãy nhìn Nhật Bản. Nhật Bản chỉ mất Tết Nguyên đán, đón Tết theo phương Tây, vẫn duy dưỡng nhiều tập tục văn hóa cổ quý báu. Người Nhật theo thần giáo, coi trọng nghi thức tắm nước lạnh đầu năm vào sáng chủ nhật thứ hai của tháng 1 để thanh tẩy cơ thể và tâm hồn tại ngôi đền cổ ở thủ đô Tokyo.
Người Hà Nội và miền Bắc thì tắm gội lá mùi, không có lá này thì ở đâu cũng có nếp tắm gội thơm tho, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp đón năm mới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có hai người con đều du học Mỹ. Con trai lớn Quang Thuật về nước làm việc, con gái út Tuyết Ngân thì lấy chồng người Mỹ (gốc Mexico) và đang định cư tại bang Ohio. Tuyết Ngân tốt nghiệp đại học mang tên thành phố cô đang sống-Bowling Green (bang Ohio), là kỹ sư có bằng thạc sĩ môi trường từ năm 2016, được cha nuôi dưỡng tình yêu văn chương từ nhỏ. Chính thi sĩ của làng Chùa đã hướng con dành thời gian dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh, giới thiệu thơ hay của Mỹ về Việt Nam bằng các bản dịch chất lượng. Đây là thâm ý sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Buộc con gái mình, dù xa mẹ cha, dòng tộc, quê hương nửa vòng Trái đất, múi giờ lệch nửa ngày đêm (12 tiếng) vẫn không rời xa tiếng Việt. Dịch xuôi, dịch ngược thơ ca là cách trau dồi từ vựng, diễn đạt ngôn ngữ cha mẹ đẻ và suy nghĩ bằng tiếng Việt, song hành là nối rễ văn hóa Việt Nam. Con gái 3 tuổi rưỡi của Tuyết Ngân, cô bé da trắng, tóc đen ấy, thường xuyên được nói chuyện với ông bà ngoại ở Hà Đông; Ngân giao tiếp với con hằng ngày bằng tiếng Việt nên bé nói sõi tiếng mẹ đẻ. Cả nhà đều mong dịch bệnh chóng qua để cháu về đón Tết, sẽ mặc áo dài chạy tung tăng, được gói bánh chưng bé xâu lạt đỏ và hớn hở nhận bao lì xì đỏ.
Giấc mơ đón xuân, mừng năm mới có những điểm chung cộng hưởng khắp thế giới. Đó là khát vọng về sức khỏe, an vui, phát triển, hòa bình. Giấc mơ ấy không chỉ là giấc mơ khi ngủ, hiện tượng ảo giác hòa trộn những trải nghiệm và tưởng tượng mà là khát khao trong hiện thực ngày thường và dồn dập cao trào khi Tết đến. Không chỉ con người mà động vật có vú, các loài chim đều có giấc mơ.
Đã Tết là vui. Covid-19 hay bất cứ trớ trêu, nghịch cảnh nào cũng không thể tước của vạn vật sức sống, quyền được sống và hy vọng, ước mơ của loài người trước thềm xuân, năm mới!
Xuân là mùa thêm ước mơ, thêu những ý thơ...
Tùy bút của VI THÙY LINH