Anh chính là người truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần tham gia chống dịch trong giới trẻ.

Những ngày cuối năm, công việc của bác sĩ Đặng Minh Hiệu (sinh năm 1993), Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khá bận rộn khi anh làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 với môi trường, điều kiện, cường độ công việc căng thẳng, nguy cơ lây nhiễm cao. Không dễ để có được cuộc trò chuyện trọn vẹn với anh, bởi vừa xong ca trực tại trung tâm hồi sức, anh lại tham gia vào đội hình cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện. 

Kể về thời gian đầu tình nguyện tham gia chống dịch, bác sĩ Hiệu bộc bạch: Đó là những ngày cuối tháng 5-2021, nhìn thấy đồng nghiệp ở Bắc Giang vất vả vì số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, anh xung phong lên đường vào tâm dịch. Hình ảnh bác sĩ Hiệu cắt trọc đầu với nụ cười thanh xuân để đi chống dịch ở Bắc Giang đã thắp lên ngọn lửa tình nguyện cho các y sĩ, bác sĩ trẻ mong muốn được dấn thân vào cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Anh cùng với bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh là hai bác sĩ trẻ đầu tiên từ phía Nam ra Bắc Giang tham gia chống dịch.

Bác sĩ Đặng Minh Hiệu trong buổi giao lưu về quá trình tham gia phòng, chống dịch Covid-19. 

Bác sĩ Hiệu kể lại: “Thời điểm đó, dù chưa chứng kiến thực tế nhưng chúng tôi cảm nhận được sự khốc liệt của dịch bệnh tại Bắc Giang. Hơn nữa, tôi và người chị Nguyệt Anh mới tiêm một mũi vaccine ngừa Covid-19 nên tự xác định quyết tâm cho nhau rằng: Cố gắng làm việc hết sức mình, hỗ trợ tốt nhất cho đồng nghiệp ở Bắc Giang dù ở bất kỳ vị trí công tác nào. Nếu không may trong quá trình tình nguyện có một người bị nhiễm bệnh và trở nặng, phải thở máy thì người kia không cần làm hồi sức, cứ để “ra đi” tự nhiên. Lời hứa quyết tâm ấy được ví như “di chúc” đã tạo động lực thôi thúc chúng tôi sát cánh cùng đồng nghiệp nơi tuyến đầu”.

Sau thời gian hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang, bác sĩ Đặng Minh Hiệu trở về tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, TP Hồ Chí Minh trong những ngày cao điểm chống dịch tại thành phố. Sau đó, anh chuyển về làm việc ở Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Khi những thời khắc cuối cùng của năm Tân Sửu sắp qua thì cũng tròn 7 tháng liên tục anh tham gia chống dịch, điều trị bệnh nhân bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm. Chính anh cũng nhiều lần tự hỏi, bản thân lấy nguồn năng lượng từ đâu để có thể đảm đương hết khối lượng công việc gần như ngày càng quá tải? Và anh đã tìm được câu trả lời từ chính bệnh nhân!

Anh chia sẻ: “Làm việc ở môi trường không còn khái niệm ngày đêm, thường trực trong bộ đồ bảo hộ và nhất là điều trị bệnh nhân ở tầng cuối nên phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm. Tuy vậy, từ trong đau thương, mất mát, ý chí chiến đấu với bệnh tật, sự hồi phục của người bệnh chính là ánh sáng niềm tin, là điểm tựa hạnh phúc để chúng tôi cố gắng góp sức cho sự hồi sinh của bệnh nhân”.

Theo anh Hiệu, rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng và nguy kịch, phải thở máy nhiều ngày và gần như tiên lượng tử vong. Những lúc ấy, nhân viên y tế trở thành người thân của bệnh nhân. Từ bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ lý đều tận tình chăm sóc. Và họ đã phục hồi rất ngoạn mục. Hay có những bệnh nhân dù chịu tác động của thuốc, hôn mê dài ngày, không còn hy vọng sống nhưng bất ngờ tỉnh lại, kể về gia đình, đọc chính xác số điện thoại liên lạc của người thân. Bác sĩ Hiệu không thể quên trường hợp người phụ nữ hơn 70 tuổi tình nguyện xin vào bệnh viện để chăm sóc đứa cháu thiểu năng nhiễm Covid-19. Ở môi trường nguy cơ cao, người già dễ mắc bệnh và trở nặng, nhưng bà đã không rời cháu buổi nào, luôn chăm sóc bằng tất cả sự yêu thương. Chính nhờ đó mà đội ngũ bác sĩ nhận thức rõ hơn trách nhiệm tiếp sức để bệnh nhân được trở về với gia đình và cuộc sống; luôn cố gắng từng giây phút để giành lại sự sống cho người bệnh.

Hiện nay, các địa phương đang trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng cuộc chiến của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 vẫn tiếp tục diễn ra bên trong các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức. Nói về mong muốn của bản thân trong năm mới, bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu chia sẻ: “Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để dịch bệnh sớm được kiểm soát”.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG