Dù cho ”cơn bão Covid-19” lần thứ tư quét qua khiến tiến độ xây dựng TPTM gặp rất nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương vẫn vững bước đi trên con đường mình đã chọn, quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển thông minh và đổi mới sáng tạo.
Khát vọng phát triển thông minh
Không phải TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay một thành phố lớn nào của nước ta, tỉnh Bình Dương mới là địa phương đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của ICF vào năm 2018. Điều này mở ra cho vùng đất Thủ cơ hội thiết lập quan hệ quốc tế với hơn 180 TPTM, thịnh vượng khắp thế giới của ICF. Cũng từ đó, việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương đã rộng mở, thênh thang hơn rất nhiều. Niềm vinh dự này không chỉ nâng cao vị thế của Bình Dương mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), giúp địa phương bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nền tảng cho phát triển dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai...
 |
Phối cảnh Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương. |
Gắn kết với chính quyền TP Eindhoven (Hà Lan), rồi hợp tác với Brainport Group (Hà Lan), Tổng công ty Becamex IDC, các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, cuối năm 2016, Đề án TPTM Bình Dương với hạt nhân là thành phố mới Bình Dương được lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Đồng chí Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phấn khởi cho biết: “Hơn 20 năm qua, Bình Dương đã thực hiện hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Tỉnh ưu tiên những ngành, nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng khoa học-công nghệ (KHCN) và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”. Cho dù dịch Covid-19 kéo dài suốt 8 tháng nhưng vốn đầu tư mới của các DN ở Bình Dương tính đến hết tháng 12-2021 vẫn đạt hơn 36.000 tỷ đồng, khoảng 4.500 DN đăng ký thành lập mới, hơn 200 DN quay trở lại hoạt động. Tỉnh có hơn 4.000 dự án đầu tư từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký gần 39 tỷ USD. Từ tháng 9-2021 đến nay, tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Becamex IDC đã tổ chức các buổi xúc tiến đầu tư trực tuyến với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Vương quốc Anh, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan...
Năm 2021, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Dương vừa gồng mình chống dịch, vừa thích nghi với hoàn cảnh để ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Các DN cũng nhanh chóng xúc tiến thương mại trực tuyến, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ trong thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC thể hiện niềm tin: “Xây dựng TPTM là ước mơ cháy bỏng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương. Hiện nay, công tác chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 trong hệ sinh thái của Becamex IDC được triển khai đồng bộ và rất quyết liệt để phục vụ cho xây dựng TPTM. Điều này sẽ phục vụ đắc lực cho công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và hỗ trợ DN, người dân Bình Dương được tốt hơn”.
Tiên phong trong đổi mới sáng tạo
Thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” xuất hiện nhiều năm qua và gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng TPTM ở tỉnh Bình Dương. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, các nội dung của đề án xây dựng TPTM và “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” đã được đưa vào nghị quyết của đại hội. Xây dựng vùng đổi mới sáng tạo là một giải pháp liên ngành, nhiều lớp, có liên quan và tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Phát triển vùng đổi mới sáng tạo ở Bình Dương bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ đột phá: Quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển cân bằng nền kinh tế; chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, Chính phủ số, thương mại điện tử, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh; phát triển và thu hút nguồn nhân lực.
Đến tỉnh Bình Dương bây giờ, ai cũng phải trầm trồ với việc quy hoạch, xây dựng dự án giao thông đô thị ứng dụng mô hình TOD, gắn liền với hệ thống giao thông công cộng và tính toán đến dư địa phát triển trong tương lai. Nhờ vậy, thành phố mới Bình Dương sẽ là một điểm trung tâm để kết nối các phân khu trong “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, cũng như kết nối với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số. Đặc biệt, địa phương đã khởi động xây dựng Khu phức hợp trong lòng thành phố mới và chính thức được gia nhập vào Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (World Trade Centers Association). Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) là một “siêu dự án” tọa lạc tại thành phố mới Bình Dương. Đây là một quần thể bao gồm: Trung tâm hội chợ, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga metro kết nối với tuyến Metro số 1 của TP Hồ Chí Minh. Đó cũng là hạt nhân của TPTM nằm trong “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Khu công nghiệp KHCN ở huyện Bàu Bàng với diện tích hàng nghìn héc-ta cũng đang trong giai đoạn xây dựng cao điểm và là một trong những điểm nhấn của TPTM Bình Dương. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận định: “Bình Dương có thể được xem là kiểu mẫu phát triển TPTM. Và WTC BDNC, khu KHCN là sự đột phá sáng tạo của địa phương”. Trong năm 2022 và thời gian tiếp theo, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, triển khai nhiều mô hình và công nghệ mới, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh số hóa, ứng dụng công nghệ, nâng cao tri thức, phát triển các nhà máy thông minh...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương tự hào cho biết: “Cho dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng thành công TPTM. Bình Dương sẽ hướng đến nền kinh tế tri thức, kinh tế số và đón những cơ hội mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”.
THANH HƯNG