Quê hương thứ hai của Bác Hồ

Cụ Khìn năm nay gần 100 tuổi, là người cao tuổi nhất của bản Pác Bó (xã Trường Hà). Tuy mắt đã mờ, đi không vững nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện Bác Hồ thì cụ như bừng tỉnh, hào hứng kể bằng tiếng Kinh pha tiếng Nùng:

“Cuối năm 1940, tôi thấy pá (cha) thường đón mấy người bạn tồng (anh em kết nghĩa) là các ông Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm về nhà ăn cơm, rồi vội vàng ra đi... Gần Tết năm 1941, trời rét buốt, mấy người bạn tồng của pá đến nhà bàn bạc rất lâu. Pá bảo chị cả (tức cụ Hoàng Thị Hoa, hiện còn sống ở Thái Nguyên, là vợ của đồng chí Hoàng Văn Súng (bí danh La Thanh)-một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-PV) và tôi nắm cơm cho họ mang đi trong đêm rét lạnh. Mấy người bạn tồng đi rồi, tôi thấy pá ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, lo lắng đứng ngồi không yên. Khi đó, tôi đâu biết pá đã được giác ngộ cách mạng, đang lo cho mấy đồng chí cán bộ đi đón thượng cấp ở bên kia biên giới về bản.

Mấy ngày Tết năm ấy, tôi thấy pá đi rồi trở về cùng chú Lê Quảng Ba. Pá bảo chị Hoa nấu cơm gói mang đi theo chú Ba bí mật lên suối Giàng (nay gọi là suối Lênin). Mấy ngày sau, chị Hoa bảo tôi nấu cháo ngô, rồi cùng vượt rừng đi lên đầu suối Giàng mang cho ông Ké (Ké theo tiếng Nùng là già). Ông Ké nói tiếng Nùng giọng ấm áp, giới thiệu tên là Thu và bảo chúng tôi gọi là Già Thu. Già ân cần hỏi thăm dân bản. Già Thu còn căn dặn: Nếu dân bản già, trẻ, gái, trai, rồi người Tày, Nùng, Mông, Dao... ở khắp nơi cùng nhau hợp sức lại, học chữ làm cách mạng sẽ đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc... Lời Già Thu như ngọn lửa sưởi ấm lòng tôi. Về nhà, hai chị em vui mừng kể lại cho pá nghe lời Già Thu. Pá tôi bụng ưng lắm và bảo hai chị em nghe lời Già Thu vận động dân bản cùng nhau hợp sức làm cách mạng...”.

Cụ Hoàng Thị Khìn kể chuyện về Bác Hồ. Ảnh: TRƯỜNG HÀ 

Sau này cụ Khìn mới biết Già Thu chính là Bác Hồ. 20 năm sau đó, vào mùa xuân năm 1961, khi Bác Hồ về thăm lại Pác Bó, cụ Khìn vinh dự được đón Bác. “Khi đó dân bản ra đón Bác Hồ rất đông. Bác nói: “Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”. Bác đã coi Pác Bó là quê hương thứ hai của mình”-cụ Khìn nhớ lại.

Đổi thay trên vùng quê cách mạng

Trở lại Trường Hà, con đường nhỏ năm xưa nay đã thành đại lộ. Những nếp nhà sàn ọp ẹp nay đã là những ngôi nhà kiên cố, hiện đại, buổi tối đèn điện sáng choang. Trường Hà là xã đầu tiên của huyện Hà Quảng đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2015. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Trường Hà từng bước được cải thiện và nâng cao. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và cơ giới hóa trong sản xuất nên năng suất và hiệu quả kinh tế được nâng lên. Trục đường các ngõ xóm, đường nội đồng cơ bản đã được bê tông hóa; mương thủy lợi được kiên cố hóa. 9/9 bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Hơn 99% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. 9/9 bản có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng... 

Đường về Pác Bó hôm nay đẹp như một bức tranh xuân. Khu di tích lịch sử Pác Bó đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2012) với gần 50 điểm di tích đã và đang được đầu tư tôn tạo. Đền thờ Bác Hồ trên đồi cao gần cột mốc số 0 Đường Hồ Chí Minh. Đền thờ tọa lạc trên ngọn núi Tếnh Chấy linh thiêng, thuộc khu vực trung tâm của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Dưới chân núi là dòng suối Lênin trong xanh chảy từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy. Đền thờ Bác Hồ thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của người dân đất Việt nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bên trong đền thờ có bức tượng Bác Hồ được đúc bằng hợp kim đồng cao 1,8 mét, nặng 1,26 tấn. Phía trên cao là bức hoành phi khắc 4 chữ mạ vàng “Hồng nhật cao minh” nói lên công lao to lớn của vị lãnh tụ kính yêu. Hang Pác Bó (còn gọi là Cốc Bó) dường như vẫn còn ấm hơi Người. Hang nằm chếch phía trên miệng suối Lênin chảy ra từ lòng núi đá. Dòng suối trong xanh màu ngọc bích, có thể nhìn rõ từng viên đá ở đáy và đàn cá tung tăng bơi lội bên dưới. Trong hang Pác Bó hiện nay, tấm ván mà Bác Hồ từng nằm nghỉ 80 năm trước; hòn đá Bác kê làm bếp nấu cơm, cây ổi Bác hái lá đun nước uống thay chè; chiếc bàn đá “chông chênh” chỉ đủ kê một chiếc máy chữ để Bác ngồi “dịch sử Đảng” vẫn còn...

ĐỖ PHÚ THỌ