Đêm 28-1-1973 (25 tháng Chạp), Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) triển khai lực lượng ngăn chặn địch tấn công lấn chiếm ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ (Quảng Ngãi). Khẩu đội 2 (súng phòng không 12,7mm) thuộc Trung đội 1, Đại đội 14 hỏa lực chốt ở đoạn đường tàu “bỏ hoang” nằm giữa hai xã: Đức Lân (Mộ Đức) và Phổ Phong (Đức Phổ).

Giao thừa sặc mùi khói súng

21 giờ ngày 2-2-1973 (tức Ba mươi Tết Quý Sửu), giữa những âu lo trước nhiệm vụ xen lẫn xốn xang cảm hứng về một năm mới với biết bao hy vọng, Trung sĩ Trịnh Ngọc Tuấn, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 2 đi các hầm nhắc anh em đề phòng địch liều lĩnh lợi dụng Giao thừa, pháo kích vào trận địa của ta.

“Cấp trên dự đoán không sai!”-ông Tuấn kể-“Lúc 24 giờ, pháo địch từ hướng thị xã Quảng Ngãi và súng cối phía quận lỵ Đức Phổ giội cấp tập vào khu vực Trung đoàn 1 trấn giữ. Cả đoạn đường tàu khét lẹt, mù mịt khói đạn. Quân ta nhờ có công sự vững chắc nên ít thương vong. 30 phút sau, địch dừng bắn. Tôi và hai xạ thủ là Quyết và Khánh nằm ngửa trên đường tàu hít thở không khí đêm trừ tịch, nôn nao nghĩ về gia đình trong giờ phút đất nước sang xuân. Sau đó, 3 anh em đón Giao thừa bằng cơm nắm muối rang vương mùi thuốc súng”.

Quyết không khoan nhượng

“8 giờ mồng Một Tết, nắng đã chói chang. Tôi vơ những lượm rơm khô do người dân bỏ lại trên đường tàu sau thu hoạch mùa, cuốn thành hình nón để ngụy trang, đứng ở cửa hầm cảnh giới cho Quyết và Khánh ăn cơm; đồng thời quan sát quân địch trên núi Thụ cách đấy khoảng 150m.

leftcenterrightdel
Ông Trịnh Ngọc Tuấn.  

Bỗng có tiếng sột soạt sau lưng. Hóa ra là cụ bà độ hơn 70 tuổi và một cháu trai chừng 13 tuổi đi tới. Cụ bà ra hiệu bảo tôi đứng yên, rồi nói vừa đủ nghe: “Cứ ở đó. Tối tau nói thằng nhỏ mang cỗ ra cho mà ăn!”. Tôi không kịp đáp lại, ngỡ ngàng nhìn hai bà cháu đi vào xã Đức Lân”-ông Tuấn dừng chuyện, mắt đăm đăm nhìn về phương Nam. Một lát, ông kể tiếp: “13 giờ, bỗng thấy tiếng súng AK ở khẩu đội cối 82mm bên Đại đội 17 nằm sát cầu 18 thước (thuộc xã Đức Lân) nổ liên hồi, tôi lao ra khỏi hầm. Trên bờ ruộng phía đối diện cách đường tàu chừng 80m, ổ súng cối 61mm của địch đang nhả đạn sang phía quân ta. Một tên sĩ quan ngụy khua chân múa tay, vừa la hét chửi bới om sòm vừa đẩy bọn lính xuống ruộng, bắt tiến sang đường tàu. Khi còn cách đường tàu chừng 30m, bị quân ta đánh trả, bọn lính nằm bẹp xuống mặt ruộng lúa, chỉ hở chỏm mũ sắt. Những họng súng M79, M72 chĩa sang phía ta nhả đạn nhưng đều bị công sự của ta vô hiệu hóa. Ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, bọn lính không dám quay trở về nhưng cũng không thể tiến thêm nửa bước, cứ nằm bẹp dưới ruộng.

Lát sau, như thấy tẽn tò, tên sĩ quan ngụy gọi bọn lính quay lại, vào xóm đốc người dân xuống ruộng lúa mang những tên chết, bị thương về. Xong, hắn ngạo mạn cởi phăng chiếc áo đang mặc ném xuống ruộng lúa, hai nắm tay đấm liên hồi vào ngực, miệng la: “Bọn Việt cộng giỏi thì sang đây đánh nhau với tau!”. Khi giọng nói đã khào khào như tiếng vịt đực, tên sĩ quan ngụy lao xuống ruộng lúa, như con thiêu thân lội băng băng sang phía quân ta. May cho hắn, hai tên lính đã kịp xốc nách đưa hắn quay trở lại.

Tên sĩ quan ngụy bị kéo đi, trận địa hai bên trở lại im ắng.

Cỗ Tết đặc biệt

Cựu chiến binh Trịnh Ngọc Tuấn kể tiếp: “Đúng 20 giờ, đứa cháu nội của cụ bà lúc trưa mang đồ ăn ra hầm của chúng tôi. Món nào cũng thơm ngon, nhưng ít ỏi. Chắc chắn, những người dân yêu nước nơi đây đã chia cỗ Tết của nhà mình cho bộ đội ta, trong đó phần lớn là những người con miền Bắc. Cháu bé nói: “Nội bảo các chú cứ ăn cỗ đi. Tối mai con ra lấy bát đũa!”...

Chúng tôi ăn bữa cơm Tết ấy với những cung bậc cảm xúc khó tả, giữa khung cảnh sẵn sàng chiến đấu nhằm buộc đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris. Bất giác, trong đầu tôi văng vẳng câu thơ “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu: “Con đi mỗi bước gian lao/ Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!”.

Kể tới đây, ông Tuấn bặm môi rồi bật thành tiếng: “5 ngày sau đó, bọn lính ngụy lấn chiếm đất, nhổ cờ của ta ở ngọn cây gạo giữa ngã tư đường. Cháu bé trèo lên cây cắm lại cờ và bị trúng đạn địch. Máu của cháu loang đỏ gốc cây để cho lá cờ chủ quyền của ta bay phần phật giữa trời xanh”.

Một lần nữa, mắt ông Tuấn đăm đăm nhìn về phương Nam!

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG