Chuyện của một già làng

Nhờ giới thiệu của các đồng nghiệp ở Báo Bình Phước và cán bộ văn hóa địa phương, chúng tôi có được vài địa chỉ hiếm hoi về nhà dài còn được lưu giữ trong đời sống cộng đồng. Ngoài khu bảo tồn văn hóa đồng bào Xtiêng ở sóc Bom Bo, nơi chúng tôi được giới thiệu đến là già làng Điểu Đố ở sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng. Tết Tân Sửu 2021, già làng Điểu Đố tròn 100 tuổi. Trong cộng đồng người Xtiêng ở Bình Phước nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nói chung, già làng Điểu Đố là người rất có uy tín. Trong căn nhà dài đen bóng màu thời gian, già làng Điểu Đố trải lòng với chúng tôi về cuộc đời thăng trầm của mình:

- Trong ký ức của ta thì cố nội là người dựng căn nhà dài đầu tiên. Ta là thế hệ thứ tư. Đến nay, hậu duệ của ta sắp đến thế hệ thứ năm. Vậy là dưới ngôi nhà dài, dòng họ của ta chuẩn bị bước sang đời thứ tám. Con, cháu, chắt của ta lên đến mấy chục đứa, đều quây quần quanh đây.

Theo già làng Điểu Đố, kiểu nhà dài như nhà của già là kiến trúc của người Xtiêng nhánh Bù Lơ, để phân biệt với người Xtiêng nhánh Bù Đek. Nhánh Bù Lơ tập trung phần lớn tại hai huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Nhánh Bù Đek sinh sống ở vùng thấp thuộc các huyện: Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú và thị xã Bình Long... Do điều kiện địa lý cũng như phong tục canh tác có những nét riêng nên cách làm nhà của người Xtiêng ở hai nhánh cũng khác nhau. Người Xtiêng nhánh Bù Đek làm nhà sàn trên các cột gỗ, các bức vách nghiêng loe về phía trên, còn nhánh Bù Lơ thì chọn làm nhà dài trệt, mái sát nền đất với nguyên liệu chính là gỗ, tranh, tre, mây... Cả tỉnh Bình Phước hiện còn duy nhất căn nhà dài của già làng Điểu Đố, đại diện người Xtiêng nhánh Bù Lơ giữ nguyên nét truyền thống. Nhà sàn của người Xtiêng nhánh Bù Đek thì còn giữ được khá nhiều, nhưng đa phần kiến trúc đều đã có sự cải tiến, cột gỗ được thay bằng bê tông.

Già làng Điểu Đố dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn rộng hơn 1ha. Có đến cả chục ngôi nhà xây, lợp mái tôn của con, dâu, rể, cháu, chắt... của già quần tụ dưới màu xanh bạt ngàn. Già cũng được địa phương xây tặng một căn nhà tình nghĩa, nhưng hầu như mọi sinh hoạt của già và những người vợ đều ở ngôi nhà dài này.

leftcenterrightdel

Ngôi nhà dài của già làng Điểu Đố. Ảnh: HOÀNG THU 

Lấy 3 vợ nên nhà dài của già làng Điểu Đố đúng là... rất dài, vì bên trong nhà phải bố trí không gian riêng cho 3 người vợ. Nó có cửa ở hai đầu hồi nhà. Theo già làng Điểu Đố, cửa nhà không chỉ là nơi ra vào của gia đình mà còn là nơi đón gió, đón nắng, đón các vị thần linh. Tùy theo hướng gió từng mùa để gia chủ mở cửa ở hướng nào. Do làm thủ công bằng các loại vật liệu tự nhiên nên nhà dài định kỳ phải được tu sửa, cơi nới. Ngôi nhà già làng Điểu Đố đang ở mới được dựng lại gần 20 năm nay, dài đến hơn ba chục mét. Để làm được ngôi nhà này, già đã phải huy động con, cháu, chắt và nhiều thanh niên trai tráng trong sóc chặt cây, xẻ gỗ, lấy tranh, tre, mây kết lại làm vách, mái, sàn... mất hơn tháng trời mới xong. Vừa tốn nguyên liệu tự nhiên, vừa kỳ công nên hiện nay người Xtiêng nhánh Bù Lơ rất khó để có thể dựng một ngôi nhà dài. Đó cũng là một trong những lý do nhà dài không còn hữu dụng trong đời sống cộng đồng.

- Nhà nước đã thí điểm làm nhà rông bằng bê tông, mái tôn cho người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai... Người Xtiêng nhánh Bù Đek cũng cải tiến nhà sàn bằng cột bê tông. Chúng ta có thể vận dụng cách tương tự để làm nhà dài được không?-chúng tôi hỏi.

Già làng Điểu Đố ngồi xếp bằng trên phản, đưa tay sờ mái nhà, lắc đầu:

- Nhà dài rất thấp. Mái và vách sát sệt nền đất, dày đến vài chục phân. Ở trong nhà dài, nắng nóng thì mát, mưa lạnh thì ấm. Nếu làm bằng bê tông, lợp tôn, nắng nóng như vầy nó giống cái lò thiêu, ai sống được!

Ngôi nhà của già làng Điểu Đố không chỉ là nơi ở mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa phong tục của người Xtiêng. Trên mái nhà có đến cả chục bộ sừng trâu, được sắp xếp ngay ngắn, thể hiện sự trân quý hết mực của gia chủ. Sừng trâu là một tín vật khẳng định vị thế của gia chủ trong cộng đồng. “Ngày xưa, mỗi lần được mùa, già làng đều tổ chức mổ trâu, mổ heo cúng tế các vị thần, sau đó thết đãi dân làng. Tổ tiên ta dạy rằng, vạn vật hữu linh, nghĩa là mọi thứ trên đời đều có linh hồn. Người Xtiêng được các vị thần che chở nên phải tôn thờ nhiều vị thần, từ thần mặt trời, thần núi, thần lúa, thần rừng đến thần nhà, thần bếp... Bây giờ phong tục cúng tế không còn được lớp trẻ coi trọng, nhưng ta thì vẫn làm”, già làng Điểu Đố ngậm ngùi.

Giữ lửa cho muôn đời

Mái nhà của già làng Điểu Đố chứa đựng tất cả các tập tục và những câu chuyện truyền miệng của người Xtiêng. Bên cạnh sừng trâu là các loại dụng cụ săn bắt, lao động, sinh hoạt của đồng bào như: Xà gạc, cung nỏ, gùi, dao, đàn bầu, kèn... Mọi vật đều phủ bồ hóng đen bóng. Bên trong nhà là kho thóc. Xung quanh vách và góc nhà xếp đầy các loại chum, tố, ché, xà lung, gùi..., đặc biệt là bộ cồng, chiêng và cái trống. Trong không gian sinh hoạt, mỗi người vợ có một khu vực riêng, được ngăn cách bởi các vật dụng thân thuộc. Công việc của các bà vợ do già làng Điểu Đố sắp xếp, điều hành. Thóc gạo và sản phẩm lao động để trong kho sử dụng chung. Những người vợ yêu quý, đỡ đần nhau, ăn chung mâm, ở chung nhà, tuyệt đối không có chuyện ghen tuông, vì theo già làng Điểu Đố, đó là phong tục có từ lâu đời. Sau khi vợ cả qua đời, hai người vợ sau vẫn tiếp tục nền nếp ấy. Hiện nay, lớp trẻ đồng bào Xtiêng ở nhà bê tông, đi làm công nhân, nhiều người là cán bộ Nhà nước nên đều thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Rừng không còn gỗ, muông thú không được săn bắt, nông thôn mới đưa điện, đường, trường, trạm về tận sóc nên tập tục lao động, sinh hoạt truyền thống của người Xtiêng đã dần mai một. Già làng Điểu Đố gần như là nhân vật cuối cùng của người Xtiêng nhánh Bù Lơ còn duy trì, bảo tồn vẹn nguyên các tập tục truyền thống. Trong căn nhà dài hầu như không có sự xuất hiện của sản phẩm văn minh công nghiệp.

Thời trai trẻ của già làng Điểu Đố đã đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 17 tuổi, Điểu Đố bị thực dân Pháp bắt đi làm phu đường. Hằng đêm, lính Pháp bắt những thanh niên như Điểu Đố đốt đuốc lồ ô, trần vai đào đá, đắp đường, mở tuyến đường nối Bình Phước với các tỉnh miền Đông Nam Bộ (nay là Quốc lộ 14). Đốt lửa để cúng thần linh chứ lửa không thể là phương tiện để ta làm điều xấu cho quân cướp nước. Nghĩ vậy, Điểu Đố cùng nhiều thanh niên Xtiêng trốn lính, lủi sâu vào rừng, về sau gia nhập Việt Minh gùi lương, tiếp phẩm phục vụ kháng chiến. Những năm đánh Mỹ, Điểu Đố tiếp tục tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ kháng chiến, cùng dân làng đi đào củ chụp, củ mài, giã gạo, tải lương nuôi quân.

Cận Tết Tân Sửu, miền rừng Bình Phước vào mùa khô, nắng gay gắt nhưng chính giữa căn nhà của già làng Điểu Đố, củi lửa vẫn cháy liu riu. Hỏi già, trời nắng nóng, sao lại phải đốt lửa thì già bảo, bếp lửa này cháy liên tục cả trăm năm nay. “Từ thuở mới sinh ra, ta đã thấy cố nội ta đốt lửa. Ngọn lửa ấy được lưu truyền từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Với người Xtiêng ta, lửa là cội nguồn sức mạnh được trời đất, thần linh ban cho con người. Khói lửa là nhịp cầu đưa con người đến với thần linh. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không được thiếu lửa. Bếp lửa của ta cháy liên tục cả trăm năm rồi, khi ta chết đi thì con cháu ta tiếp tục giữ lửa cho muôn đời”, già nói.

Kể cũng lạ! Ngoài trời nắng, trong nhà có lửa nhưng ngồi bên già làng Điểu Đố, chúng tôi vẫn cảm nhận rõ từng làn gió mát lành thổi từ đại ngàn cùng mùi hương trầm lọt qua khung cửa phía hồi nhà mang theo ánh nắng vàng hoe...

Ký của PHAN TÙNG SƠN