Gần 40 năm trước, nơi xóm đồi trung du miền Bắc có đôi bạn thân thiết. Đó là tôi và Hải. Ngày ấy, mỗi buổi trưa, tôi thường sang nhà rủ Hải đi học. Mùa lũ năm lớp 1, hai đứa học về qua con suối nhỏ, tôi bị trượt chân ngã xuống dòng nước xiết, Hải nhanh trí nhặt cành cây cho tôi bám vào thoát chết. Hè năm lớp 2, Hải theo bố mẹ vào B’lao làm công nhân cho nhà máy tơ tằm. Trước khi chia tay, Hải tặng tôi chiếc bút và nhắn rằng sau này lớn lên hãy vào B’lao chơi với nó.

leftcenterrightdel
Thành phố Bảo Lộc hôm nay. 

Trong thời gian dài, B’lao với tôi là một nơi rất xa, có Hải gầy gò, tóc hoe vàng cháy nắng, có nhà máy với những chị công nhân mặc đồ bảo hộ lao động, đôi tay thoăn thoắt trên guồng tơ xoay tít như bức vẽ trên tờ tiền 2.000 đồng mà mẹ tôi vẫn thường cho để mua quà khi đi học. Giờ đây, dẫu hình bóng phố thị này đã chất đầy trong tâm tưởng thì những hình dung ban đầu ấy vẫn là mảnh ký ức rực rỡ, lấp lánh nhất, vẫy gọi tôi tìm về chắp nối nhịp cầu tình bạn, lần mở những trang sử của một vùng đất mà thời gian đã phủ lên lớp màu quên lãng tựa màn sương mờ ảo trên vùng đất này vào mỗi sớm mai.

Truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa, khi đã ăn hết lộc ở miền đất cũ, Yàng buộc người Mạ phải đi tìm vùng đất mới. Yàng bảo họ muốn đến được nơi ấy phải vượt qua ba con sông, ba cánh rừng, tới nơi có ba ngọn nước giao nhau, có rừng ma, có con cọp trắng, nơi chưa ai phát rẫy bao giờ. Sau hành trình gian khổ, cuối cùng người Mạ cũng tìm ra nơi cần đến, đó chính là vùng đất B’lao. Trong tiếng Mạ, B’lao nghĩa là khoảng rừng trống hoặc vùng đất của những đám mây bay thấp.

Nằm trên mỏm đất nhô ra cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, B’lao tựa chiếc ban công nhìn xuống đồng bằng Đông Nam Bộ bát ngát phù sa. Cao gần 1.000m so với mực nước biển, B’lao là vùng đất cuối cùng về phía Nam của Tổ quốc có bầu không khí mát lạnh quanh năm, phố thị cuối cùng có mùa đông rõ nét. Những bộ đàn đá hơn 3.000 năm tuổi, những đền tháp ngủ quên nơi thánh địa Cát Tiên cách đó không xa cùng hàng nghìn cổ vật từ lòng đất B’lao là bằng chứng sống động về sự hiện diện của con người từ thuở xa xưa. Tuy nhiên, lịch sử văn tự của B’lao chỉ bắt đầu một cách rõ nét từ năm 1869, khi đốc học tỉnh Bình Thuận là Nguyễn Thông dâng tờ trình Khai sơn quốc nghị lên vua Tự Đức nhằm khai khẩn đất hoang. Ngày 1-1-1899, tỉnh Đồng Nai Thượng được thành lập, tỉnh lỵ đặt tại Djiring (Di Linh) và B’lao là một quận của địa phương này. Năm 1958, tỉnh Đồng Nai Thượng được đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ chuyển về B’lao, đồng thời địa danh này đã “Việt hóa” thành Bảo Lộc. Cho đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, địa danh B’lao trở thành tên của một phường thuộc TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Những năm 20 của thế kỷ trước, người Pháp đã chọn B’lao để xây dựng ngành công nghiệp trà trên quy mô lớn. Nhiều ông chủ người Pháp, người Hoa, người Việt kéo theo hàng vạn cu-li, dân di cư khắp nơi đổ lên B’lao. Những đồi chè không ngừng mở rộng, nhà máy, cơ sở chế biến mọc lên san sát. Trà B’lao thành thương hiệu nổi tiếng, được xuất đi nhiều nước trên thế giới, đi vào bài thơ in trong sách giáo khoa ở miền Nam trước năm 1975: “Trà B’lao sưởi ấm nếp môi già/ Đà Lạt gió quyện vầng mây, thác nước/ Rừng Ban Mê suối đàn nai khẽ bước/ Buồm lao xao Phan Thiết rộn niềm vui...”.

leftcenterrightdel
Thành phố Bảo Lộc hôm nay. 

Sau ngày đất nước thống nhất, B’lao tiếp tục được đánh thức bởi một hy vọng khác. Ngày 31-12-1975, Trại giống tằm Trung ương Bảo Lộc ra đời. Năm 1986, đơn vị này được nâng cấp thành Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, đánh dấu cột mốc đầu tiên trên đường đưa B’lao thành thủ phủ tơ lụa của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hàng vạn công nhân và hộ “kinh tế mới” tới B’lao, trong đó có gia đình Hải, bạn tôi. Từ đây, những nương dâu của nông trường quốc doanh mở rộng lên tận chân đèo Prenn, tràn xuống bờ sông Đồng Nai huyền thoại. Ngành dâu tằm Bảo Lộc được xác định tiến ngay lên công nghiệp hóa với niềm tin vững chắc. Nhưng sự chủ quan, duy ý chí với mô hình làm ăn quan liêu, bao cấp khiến ngành dâu tằm Bảo Lộc sụp đổ chỉ sau mươi năm gây dựng. Hàng vạn công nhân ly tán hoặc trở thành nông dân. Nhiều khoản nợ khổng lồ không thể trả... Giờ đây, dẫu ngành dâu tằm đã hồi sinh mạnh mẽ bởi tư duy mới, cách làm mới nhưng dấu vết chua xót của một thời vẫn còn...

Nhưng lịch sử B’lao không chỉ có chuyện di cư, làm ăn, được, mất. Đó còn là nơi ủ giữ, chắp cánh cho một tâm hồn mang tầm thời đại. Năm 1964, khi chiến tranh bắt đầu trở nên khốc liệt ở miền Nam, phố núi B’lao xuất hiện một chàng trai trẻ. Anh vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, giữ chức trưởng giáo tại Trường sơ học Bảo An. Ở thị trấn buồn heo hút ấy, mỗi buổi sáng, chàng trai với dáng vẻ gầy gò, thư sinh thường một mình băng qua nghĩa trang đầy quạ đen, buổi chiều nghe tiếng chuông báo tử từ giáo đường và đêm đêm nghe tiếng đại bác phía xa vọng về căn gác nhỏ. Từ đây, cảm thức về tình yêu và thân phận con người trong chiến tranh, nỗi ám ảnh về cái chết và sâu hơn là khát vọng sống, mơ ước hòa bình, hòa hợp dân tộc đã tuôn trào trên trang giấy, khuông nhạc. Những “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam”, “Ta phải thấy mặt trời” với giai điệu và ca từ đẹp mà buồn đến não nùng, như tiếng vọng bi thiết của nhân sinh, ngay lập tức gây sửng sốt, ám ảnh người nghe, biến anh trở thành biểu tượng phản chiến của nền tân nhạc Việt Nam. Ngày nay, Trường sơ học Bảo An, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống, dạy học và sáng tác chỉ còn là nền cũ đổ nát, khuất lấp dưới rừng dã quỳ. Tuy nhiên, ký ức về người trưởng giáo và tác phẩm của ông vẫn được kể, được hát mãi trên vùng đất này bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào, như lời một ca khúc mà ông viết: “Em đã đến nơi này, tựa như cánh én/ Dịu dàng trao chút hương hoa mùa xuân.../ Chiều nay bên trời xao xuyến/ Còn em trong từng nhớ thương...”.

Bảo Lộc hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ nhưng vết dấu của một thời đã xa vẫn hiện hữu khắp nơi trong lòng thành phố. Mỗi lần trở lại, tôi thường lang thang trên con phố nhỏ hoặc ngồi trong ngôi quán cũ, cố kiếm tìm một bóng hình quen thuộc...

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG