Hồ Phương là nhà văn của công việc, “nghiền” chữ nghĩa từ khi còn là một học sinh Hà Nội, vào bộ đội càng mê viết; 16 tuổi có truyện ngắn được in; 18 tuổi tham gia Ban biên tập tờ Quân Tiên phong-báo của Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) anh hùng, nơi có nhiều những “nhà văn trung úy” tài năng; 24 tuổi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, về tiếp quản Thủ đô (1954), là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, có chân trong Ban biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; đồng thời là nhà văn đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng.

Mấy năm trước, dường như năm nào Hồ Phương cũng có sách in, trong đó có những cuốn gây được dư luận trong bạn đọc như cuốn “Cha và con” viết về tuổi thơ của Bác Hồ, cuốn “Cánh đồng phía tây” viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai cuốn “Những cánh rừng lá đỏ” và “Ngàn dâu” được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật năm 2012 cũng là những tác phẩm ông viết lúc đã là “tướng về hưu”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với cháu nhi đồng ở Việt Bắc (năm 1950). Ảnh tư liệu 

Hồ Phương có nhiều trang viết đẹp và thành kính về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông kể, ông có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất tháng 12-1946, với tư cách là phóng viên nhỏ tuổi của Báo Cứu quốc, ông cùng nhà văn Tô Hoài vào Bắc Bộ Phủ đón đoàn thiếu niên Nam Bộ ra gặp Bác. Lần ấy, ông có bài báo đưa tin Bác tiếp đoàn thiếu niên Nam Bộ trên trang văn hóa của Báo Cứu quốc cùng một minh họa vẽ Bác ngồi quàng vai em bé miền Nam bị thương, ký tên HOP. Ông bảo, bấy giờ tòa soạn báo không có máy ảnh!

Lần gặp Bác thứ hai là sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, trong đoàn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, do Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ dẫn đầu. Ông nhớ, ông đứng ở hàng thứ hai trong đội hình đoàn cán bộ, chiến sĩ Phòng Chính trị sư đoàn... Lần ấy, ông đã bị bất ngờ khi Bác bảo: “Cháu à, đã trở thành bộ đội rồi kia đấy!”. Thì ra Bác vẫn nhớ lần cậu phóng viên nhí bị các chú cảnh vệ làm phiền khi theo nhà văn Tô Hoài vào Bắc Bộ Phủ! Lần thứ ba, năm 1951, sau Chiến dịch Trung du thắng lợi, Bác Hồ đến thăm và chúc Tết Đại đoàn Quân Tiên Phong đang đóng quân tại vùng Bờ Rạ bên bờ sông Công. Lúc ấy, Hồ Phương đang phụ trách tờ báo của đại đoàn. Trước Tết, Bộ tư lệnh Đại đoàn đã được báo trước là Bác sẽ đến nên tổ chức lễ đón Người thật chu đáo, có sân khấu với cờ hoa khẩu hiệu cây nhà lá vườn, giản dị nhưng ấm áp! Nhưng cảm thấy thiêu thiếu một thứ gì đó nên Trưởng phòng Chính trị Ké Kiên nói với anh em trong cơ quan: “Đón Bác phải có hình ảnh Bác chứ, mấy đồng chí tuyên huấn xem thế nào?”. Anh em còn đang nghĩ cách đi vào bản sưu tầm ảnh Bác thì đồng chí Hoàng Xuân Tùy, Phó trưởng phòng Chính trị bảo: “Hồ Phương xem sao, cậu vẽ được đấy, thử xem!”. Lãnh đạo phòng nói vậy, tức là mệnh lệnh rồi. Thế là Hồ Phương y lệnh ngồi hí hoáy vẽ Bác qua trí nhớ... Bức chân dung Bác dần dần hiện lên chân thật, sinh động. Mọi người xung quanh ồ lên: “Được đấy! Rất giống Bác!”. Bức ký họa chân dung Bác khá lớn được treo lên. Rồi giờ phút mọi người chờ đợi đã đến. Bác tươi cười vẫy chào cán bộ, chiến sĩ và bước vào hội trường. Người dừng lại bên bức chân dung còn chưa khô mực hồi lâu rồi khẽ mỉm cười, gật đầu nói: “Chú nào họa hình Bác đấy?”. Ai nấy đều hồi hộp chờ xem Bác nói gì thêm. Bác bảo: “Vẽ Bác Hồ, nhưng giống cụ Hồ Tùng Mậu!”. Mọi người thở phào trước nhận xét hóm hỉnh của Bác. Bác chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, khen ngợi chiến công của đại đoàn vừa giành được và giao nhiệm vụ mới cho đơn vị. Chuẩn bị ra về, Người bỗng dừng lại bên người chiến sĩ trẻ, khẽ vỗ vai anh và ân cần: “Chú này vẽ Bác hả? Giống đấy! Nhưng xem tranh mới biết nhà Bác còn người anh em nữa!”. Hồ Phương xúc động vô cùng và nhớ mãi kỷ niệm đẹp của một thời trai trẻ!

Tiểu thuyết “Những cánh rừng lá đỏ”, nhà văn Hồ Phương viết về Chiến dịch Biên giới nổi tiếng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Từng tham gia chiến dịch nên Hồ Phương viết rất nhuần nhuyễn. Sự kiện xảy ra đã hơn 70 năm mà cảnh, người và không khí trận mạc vẫn như vừa diễn ra. Hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất là những người chiến sĩ chiến đấu ngoan cường, quả cảm bên cạnh bà con nhân dân các dân tộc Việt Bắc; là hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, các tướng lĩnh trong Bộ chỉ huy mặt trận mà nổi bật và sinh động hơn cả vẫn là Bác Hồ. Ở trang 150, tác giả viết đầy trân trọng, đầy tình cảm: “Ngày 15-8-1950, sau khi 3 cán bộ tham mưu ra về, Bác đề nghị với các đồng chí Thường vụ Trung ương cho Bác cùng đi chiến dịch lần này. Bác muốn lên đó cùng với Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận và tất cả anh em cùng xem xét kỹ chuyện này và cùng thực hiện cho thật tốt... Các đồng chí thường vụ đều muốn can ngăn vì sợ Bác tuổi cũng đã cao, e sức yếu. Bác đã cười rất vui và đọc lại bài thơ tự trào Bác làm vào dịp 19-5 vừa qua khi mọi người tổ chức chúc thọ Bác 60 tuổi:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,

So với ông Bành vẫn thiếu niên.

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe

Trần mà như thế kém gì tiên!

... Và thế là hôm nay Bác lên đường. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt cứ thầm tự hỏi: Không biết khi xưa, trong lịch sử, các bậc anh quân thân chinh cầm quân đi chiến trận như thế nào, không thấy có sách nào ghi chép lại thật tỉ mỉ, chỉ biết hôm nay vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Đảng ta đích thân ra trận mà thế này đây: “Giản dị làm sao, nhưng cũng vĩ đại làm sao!”. Đọc “Những cánh rừng lá đỏ”, người đọc không chỉ thấy được hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc, linh hồn của cuộc kháng chiến thần thánh trường kỳ năm xưa mà còn thấy được cái nhìn về chiến tranh của một viên tướng từng trải. Chiến tranh với nhà văn Hồ Phương vẫn còn rất nhiều những khuất lấp, những thân phận, những cuộc đời. Chiến tranh thật sự là một thử thách rất lớn của một dân tộc, của mỗi một gia đình, của từng cá nhân.

Hồ Phương là nhà văn quân đội, là “nhà văn của những dòng ngợi ca” như người ta vẫn thường nói. Nhưng đọc lại những trang viết của ông về người lính trong chiến tranh, người đọc không chỉ thấy những dòng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, không chỉ phác thảo gương mặt của những người anh hùng, miêu tả những hành động anh hùng mà ông còn có những trang viết bi tráng nói về trăn trở, dằn vặt, những mất mát hy sinh lớn lao của người lính; đặc biệt là người lính Hà Nội mùa đông năm 1946 “...ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, lên chiến khu, thành Bộ đội Cụ Hồ rồi vẫn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Là cây bút văn xuôi giàu kinh nghiệm, nhưng đồng thời Hồ Phương cũng là nhà văn luôn tìm tòi đổi mới cách viết. Ông bảo: “Chiến tranh đã qua rồi. Đã có thể rũ bỏ những hạn chế và vượt qua những công thức cùng mọi ấu trĩ xưa để đổi mới ngòi bút. Nhưng đổi mới không có nghĩa là chối bỏ hết mọi thành tựu ta đã có, để chạy theo những gì là lai căng, lập dị, huênh hoang, ít nhất là quá xa lạ”. Những trải nghiệm của một đời cầm bút giúp ông có những suy nghĩ nghiêm túc về nghề văn, thấy được nhu cầu cần thiết phải đổi mới. Đổi mới là sống còn nhưng đổi mới không có nghĩa là xa rời truyền thống, quên đi những giá trị của quá khứ anh hùng mà dân tộc, mà nhân dân và những người lính nhiều thế hệ đã đổi bằng cả nước mắt, mồ hôi, xương máu của mình mới có được. Viết cái gì và viết như thế nào, viết cho ai, viết để làm gì luôn là câu hỏi mà ông đặt ra khi cầm bút.

Tết này, nhà văn lão tướng Hồ Phương của chúng ta đã bước sang tuổi 92. Bạn đọc xa gần, đồng đội năm xưa mong ông có thêm sức khỏe như ngày nào đến dự Đại hội Hội Nhà văn cùng đồng nghiệp: “Hồ Phương đi tới đi lui/ Đầu đội mũ cối mình ngồi Pơ-giô...”.

Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH