Một ngày đầu tháng 9 vừa qua, có dịp đi qua địa bàn xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) và xã Hòa Xuân Đông (thị xã Đông Hòa), tỉnh Phú Yên, nhiều tài xế tỏ ra bức xúc vì phần lớn lòng đường đã bị người dân chiếm dụng để phơi thóc. Hai bên đường, cứ vài chục mét lại có một nhóm người tất bật thực hiện các công đoạn rải thóc, đảo thóc, quét dọn, thu gom, đóng bao, vận chuyển...

leftcenterrightdel
 Bà con nông dân cũng tận dụng cả các lối mở cho xe ô tô quay đầu để phơi thóc.

Tại các lối mở cho xe ô tô quay đầu, bà con nông dân cũng tận dụng để rải thóc ra phơi. Do không có lối đi, vào giờ tan trường, các cháu học sinh đành nối đuôi nhau đi ở phần đường dành cho xe ô tô, rất nguy hiểm. Đang cùng người thân chất những bao thóc lên chiếc xe cải tiến để chở về nhà, thấy chúng tôi bắt chuyện, chị H-một người dân trú tại xã Bình Kiến, cho biết: “Vẫn biết việc phơi thóc trên đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhưng quả thực, nếu không phơi trên đường nhựa thì chúng tôi chẳng còn chỗ nào để phơi”.

Anh Nguyễn Tuấn Hiền, 38 tuổi, lái xe chở hàng từ Hà Nội vào Bình Dương, than thở: “Mùa gặt, đi qua địa bàn các tỉnh miền Trung, tình trạng người dân mang thóc ra đường phơi diễn ra khá phổ biến, nhưng mật độ dày đặc thế này có lẽ chỉ gặp ở Phú Yên. Quãng đường từ Bình Kiến đến Hòa Xuân Đông chỉ dài khoảng 15km, nhưng ngày mùa, tôi thường mất từ 25 đến 30 phút mới có thể vượt qua vì phải đi rất chậm. Nếu ô tô chạy đúng tốc độ cho phép, khi gặp tình huống bất ngờ sẽ rất khó xử lý. Những hôm trời chuyển mưa đột ngột, bà con túa ra đường gom thóc, khiến ùn tắc cả một đoạn dài. Đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, chấn chỉnh, nhắc nhở bà con nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đồng thời đầu tư hệ thống sân phơi, máy sấy để bà con không phải phơi thóc ra đường”.

Bài và ảnh: AN KHANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.