Theo tôi, lao động chân tay hay lao động trí óc đều quan trọng. Một người trưởng thành muốn làm được việc thì phải có thể lực và trí lực. Những quân nhân có sứ mệnh cao cả là phục vụ Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc; bất cứ lúc nào được giao nhiệm vụ là họ lên đường, không kể đó là công việc gì, nặng nhọc hay nguy hiểm. Người chiến sĩ có thể đào hầm, cuốc đất, gặt lúa, trồng rau…, nhưng bên cạnh đó họ đang ngày đêm đóng góp những sáng kiến hay, những công trình khoa học thiết thực phục vụ cho quân đội và đất nước. Hằng năm, nếu theo dõi giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân, chắc hẳn chúng ta đều khâm phục tài năng, sự đam mê và cống hiến của các nhà khoa học mặc áo lính; rất nhiều công trình khoa học, đề tài lớn, kỹ thuật công nghệ hiện đại đã được các đơn vị quân đội với những quân nhân thầm lặng nghiên cứu, triển khai, áp dụng hiệu quả. 

Đó mới chỉ là điểm qua vài công việc của người chiến sĩ hôm nay. Còn có hàng trăm, hàng nghìn công việc khác đầy gian nan, phức tạp và nguy hiểm, cần thiết phải có cả sức khỏe và trí tuệ ở trình độ cao mà những quân nhân đang đảm nhiệm gánh vác. Rõ ràng, việc nhận xét, đánh giá về công việc của người quân nhân cách mạng trong thời bình cần phải thật khách quan, toàn diện; không nên nhìn nhận theo kiểu phiến diện, một chiều và đặc biệt là nhận xét thiếu tính xây dựng, không đúng với thực tế nhiệm vụ cũng như những cống hiến, hy sinh thầm lặng của bộ đội thời bình.

PHẠM KIÊN