Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 2-9-1945) đến nay, chúng ta đã trải qua 5 lần ban hành và sửa đổi Hiến pháp với các bản: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đang thực hiện hiện nay.

Hiến pháp năm 1946 có ý nghĩa vô cùng quan trọng với nhiều nội dung tiến bộ, tạo nền tảng cho xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 1959, sửa đổi Hiến pháp để thực hiện mục tiêu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, thực hiện mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau giải phóng miền Nam, năm 1980, chúng ta tiếp tục sửa đổi Hiến pháp để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước, thúc đẩy kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thời điểm đất nước đã hòa bình.

 Một góc TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: LINH AN

Khi tình hình kinh tế-chính trị thế giới thay đổi, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều quốc gia định hướng phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa tích cực tiến hành đổi mới kinh tế, cải cách xã hội trong thời kỳ mới thì Việt Nam cũng sửa đổi và ban hành Hiến pháp năm 1992. Đến năm 2013, đất nước từng bước phát triển, thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì Hiến pháp lại được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đến nay, trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị thì việc xây dựng lại hệ thống pháp luật là đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Theo Hiến pháp hiện nay, chính quyền được tổ chức làm 4 cấp là chính quyền Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tổng kết thực tiễn thực hiện pháp luật trong những năm qua cho thấy, cấp huyện là cấp trung gian có lượng cán bộ, công chức, viên chức khá lớn.

Việc tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện, tăng thẩm quyền cho cấp xã là chủ trương đúng đắn, hoàn toàn hợp lý. Một nguyên tắc chung là quản lý nhà nước từ chủ trương, đường lối của Đảng đến chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chủ trương, đường lối là những tư tưởng định hướng đi trước, sau đó sẽ thể chế hóa thành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn rồi hoàn thiện lại chính sách, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật...

Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là tất yếu, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trước hết là thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy là điều kiện quan trọng để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, giúp phát triển quan hệ sản xuất. Bộ máy được tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại, làm cho công cụ lao động tiên tiến, người lao động tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu làm chủ công nghệ để phát triển kinh tế-xã hội. Đó là những đổi mới vô cùng quan trọng thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, kinh tế-xã hội phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách nhanh chóng.

Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.