Là đơn vị làm nhiệm vụ phúc tra, sắp xếp, đăng ký, quản lý, huấn luyện quân nhân dự bị, trong điều kiện nhân lực, máy móc trang thiết bị gia công cơ khí có hạn, nhằm đột phá nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị huấn luyện, từ giữa năm 2020 đến nay, Phòng Kỹ thuật đã tham mưu cho chỉ huy sư đoàn thành lập Tổ Gia công mô hình học cụ.

Thành viên của tổ là những người lính thợ chuyên ngành vũ khí có trong biên chế của sư đoàn; giáo viên hướng dẫn lý thuyết và chịu trách nhiệm gia công mẫu trên máy dập, máy tiện hiện có là Trung tá Phạm Bá Bút, Chủ nhiệm Kỹ thuật. Trung tá Phạm Bá Bút trước khi về đơn vị từng được biết đến là “cây sáng kiến” đoạt nhiều giải thưởng cấp Bộ Quốc phòng khi còn ở Xưởng Sửa chữa vũ khí 38 (Cục Kỹ thuật Quân khu 5). Phát huy năng lực, sở trường, niềm đam mê của mình, anh tranh thủ thời gian biên soạn giáo án, gia công mẫu các mô hình đòi hỏi độ chuẩn xác cao như: Mìn chống bộ binh, mìn vướng nổ, mìn định hướng...

Tổ Gia công mô hình học cụ trong giờ làm việc. 

Vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, anh đã “truyền lửa” để mọi người bắt tay thực hiện với quyết tâm cao. Tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có và mua mới một số vật chất thiết yếu (sắt, thép, sơn), bằng nhiệt huyết và bàn tay tài hoa, Tổ Gia công mô hình học cụ đã sản xuất ra các sản phẩm nhiều ưu điểm như: Bảo đảm cấu tạo và nguyên lý hoạt động, bền, đẹp, sắc nét đến từng chi tiết, giá thành thấp, hiệu quả sử dụng cao, một số chủng loại đến nay có đơn vị trong Quân khu 5 vẫn chưa thể tự sản xuất được. Trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị ra quân huấn luyện, những người lính thợ làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Thâm nhập nơi sản xuất mô hình học cụ, chúng tôi được hai bảo quản viên là Thượng úy QNCN Bùi Tấn Minh Thiên và Thượng úy QNCN Nguyễn Phú Phong cho biết: Từ khi tổ gia công đi vào hoạt động có nền nếp đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Các mô hình học cụ cũ không đúng quy chuẩn của các đầu mối trực thuộc đều được thu hồi, thay mới, đáp ứng yêu cầu huấn luyện hằng năm cho cán bộ, chiến sĩ khung A, quân dự bị động viên và chiến sĩ mới. Đây cũng là “cú hích” để sư đoàn đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tại hội thi mô hình học cụ của sư đoàn hằng năm, các đại biểu cấp trên về tham dự đều đánh giá cao cách làm của Sư đoàn 307.

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP (HT: 6NH-203 Đà Nẵng)