* Ông TRẦN QUANG VINH (Thôn 2, Tam Cường, Vĩnh Bảo, Hải Phòng):

Mong chờ và hy vọng vaccine nội được cấp phép

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội, tiêm vaccine cho người dân là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine còn khá hạn chế đã dẫn ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ tiêm chủng. Do đó, để tạo ra miễn dịch cộng đồng và sớm quay về trạng thái bình thường mới, việc tự chủ vaccine là vô cùng cần thiết.

Một điểm tiêm vaccine tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)  

Theo tôi được biết, từ những ngày đầu tiên khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu vaccine. Hiện tại, nước ta đang có 3 ứng viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau và bước đầu cho thấy những kết quả khả quan.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, tiến độ sản xuất vaccine của Việt Nam chưa thể đáp ứng được mong mỏi của người dân nhưng trong tương lai, thế giới có lẽ phải sống chung với SARS-CoV-2 và các biến chủng của virus này thì rất có thể mỗi 6 tháng hay hằng năm, người dân phải tiêm ngừa bổ trợ. Do đó, việc chủ động trong việc sản xuất vaccine “made in Việt Nam” vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Hơn thế nữa, vaccine do Việt Nam sản xuất được thử nghiệm trên chính cơ thể của người Việt nên khả năng sẽ tạo ra được sự phù hợp nhất định với thể trạng của người Việt. Vì vậy, tôi rất mong chờ và hy vọng để vaccine nội được cấp phép, để Việt Nam sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

---------

* Bác sĩ NGUYỄN DIỆU HƯƠNG (khoa Nội – Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa huyện Ứng Hòa, Hà Nội): 

Nanocovax giúp giảm tải áp lực cho các bác sĩ

Với đặc thù là người làm việc trong ngành y tế, đồng thời chứng kiến những đồng nghiệp của mình đang từng ngày, từng giờ giành lại sự sống cho bệnh nhân, tôi thấy việc nghiên cứu và phê duyệt vaccine Nanocovax là điều vô cùng cấp thiết, không chỉ với nền y học nước nhà mà còn với toàn thể người dân Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Diệu Hương  

Như chúng ta được biết, hiện tại lượng vaccine chúng ta có đều chủ yếu phụ thuộc từ nguồn viện trợ của nước ngoài, hoặc theo các hợp đồng mua bán mà nhà nước đã ký với các đối tác. Bởi vậy, thời gian chờ đợi để có được vaccine cũng mất rất nhiều thời gian. Thêm vào đó, độ phủ vaccine của chúng ta hiện cũng ở mức chưa cao. Đa số đối tượng được tiêm vaccine là nhân viên y tế, lực lượng phòng, chống dịch và người dân ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Còn lại, những người dân ở các tỉnh, thành phố khác vẫn chưa được tiêm. Vậy nên, khi dịch bùng lên, những người dân chưa được tiêm sẽ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Nếu muốn nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19 và khôi phục giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước, chúng ta cần phải tăng độ phủ vaccine. Vì thế, Việt Nam cần chủ động đẩy nhanh nghiên cứu và thử nghiệm với vaccine trong nước. Đó là cách hữu hiệu nhất, không chỉ giải tỏa “cơn khát” vaccine; giảm áp lực cho các y, bác sĩ; mà còn tiết kiệm nhiều chi phí khác trong khâu bảo quản, vận chuyển như với các loại vaccine nhập khẩu.

-----------

* Chị ĐẶNG PHƯƠNG THỦY (Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội):

Khâm phục, tin tưởng trí tuệ của ngành y tế nước nhà

Trong những ngày qua, đã có nhiều tín hiệu vui, lạc quan và kỳ vọng về vaccine “made in Việt Nam” Nanocovax. Theo đó, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp thẩm định kết quả bổ sung hồ sơ về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vaccine Nanocovax trong thời gian tới.

Khi tiếp cận được nhiều thông tin về quá trình phát triển vaccine của chính nước mình nghiên cứu, sản xuất ra, tôi cảm thấy rất vui mừng, tự hào, yên tâm và tin tưởng về tương lai chiến thắng dịch bệnh bằng chính vaccine của nước mình. Bởi lẽ tôi biết, đây chính là sản phẩm được kết tinh từ trí tuệ, tâm huyết của những cán bộ ngành y tế, tất cả vì sức khỏe của người dân Việt Nam.

 Chị Đặng Phương Thủy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi được biết, thông thường trên thế giới, quy trình nghiên cứu và phát triển một loại vaccine cần thời gian ít nhất 5 năm hoặc lâu hơn mới được cấp phép đưa vào tiêm chủng. Các vaccine phải trải qua những bước thử nghiệm nghiêm ngặt, với ít nhất 3 giai đoạn thử nghiệm tương ứng với từng số lượng tình nguyện viên phù hợp. Sau đó, vaccine trải qua các bước thẩm định ngặt nghèo của các cơ quan quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người trước khi quyết định cấp phép. Tuy nhiên, trong một số tình huống khẩn cấp, như dịch Covid-19 đang diễn ra, vaccine có thể được cấp phép khẩn cấp, hoặc cấp phép tạm thời, trước khi hoàn thành các bước thử nghiệm, với điều kiện nhà sản xuất bảo đảm về tính an toàn và cung cấp dữ liệu đầy đủ về quy trình, hiệu quả thử nghiệm vaccine.

Trong bối cảnh còn khan hiếm vaccine trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng Covid-19 của nước ta là rất quan trọng, giúp nước ta nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh một cách chủ động; đồng thời, bảo đảm nguồn vaccine lâu dài và ổn định để tiêm chủng cho người dân nước mình và tiến tới xuất khẩu.

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào các nhà khoa học Việt Nam, khâm phục trí tuệ của ngành y tế nước nhà đã tạo ra thành quả tuyệt vời Nanocovax. Tôi mong rằng, Nanocovax sẽ nhanh chóng được đưa vào tiêm chủng đại trà, góp phần đưa cuộc sống bình yên cho người dân sớm trở lại bình thường!

------------------

Bà NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh:

Cơ hội tiếp cận vaccine cho mọi người

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của người dân. Nếu như trong năm 2020, Việt Nam đã rất thành công trong việc khống chế dịch bệnh thì làn sóng Covid-19 lần thứ tư với biến chủng mới cùng khả năng lây lan nhanh, rộng đã đặt ra nhiều thách thức.

Từng là một y tá công tác tại bệnh viện, tôi rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ trong thời gian này.

Để cuộc sống trở lại bình thường, giải pháp căn cơ được Đảng, Nhà nước đưa ra là phải nhanh chóng phủ vaccine diện rộng. Theo tôi, đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn.

Hiện nay, tại nhiều thành phố lớn, những vùng tâm dịch, người dân đã được tiêm vaccine nhập từ các nước: Anh, Mỹ, Trung Quốc… Đây là nguồn vaccine mà Việt Nam nhận được thông qua viện trợ hoặc qua quá trình nỗ lực ngoại giao vaccine.

Thử nghiệm vaccine Nanocovax. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc cung cấp vaccine trên thế giới cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, theo tôi, muốn khống chế dịch tại Việt Nam, song song với việc nhập khẩu vaccine, chúng ta cần nhanh chóng sản xuất vaccine trong nước, tự chủ được nguồn vaccine phòng bệnh.

Theo dõi thông tin trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, tôi được biết, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp thẩm định kết quả bổ sung hồ sơ về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vaccine Nanocovax, một vaccine “made in Việt Nam” phòng Covid-19 trong thời gian tới. Đây thực sự là một thông tin đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Nghiên cứu và phát triển vaccine phục vụ y tế dự phòng trong bất kỳ thời điểm nào cũng là cần thiết. Việc vaccine Nanocovax có kết quả thử nghiệm lâm sàng an toàn trên hơn 14.000 tình nguyện viên, đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra trường hợp sốc phản vệ nào là những tín hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ vaccine phòng Covid-19 trong tương lai không xa.

Tôi hy vọng, với sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các nhà khoa học, vaccine Nanocovax sẽ sớm được cấp phép lưu hành, tạo cơ hội cho mọi người dân trong cả nước có khả năng tiếp cận vaccine phòng bệnh sớm nhất, tạo miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.