Lợi dụng tâm lý lo lắng, nhu cầu khử khuẩn nhằm tránh lây nhiễm chéo Covid-19 của người dân khi số ca nhiễm tăng cao, nhiều sản phẩm điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, đã được quảng cáo “thổi phồng” với tác dụng “ngăn ngừa, tiêu diệt 99,9% virus SARS-CoV-2”.
Phổ biến là sản phẩm "súng phun khử khuẩn" được rao bán trên các hội, nhóm Facebook, sàn thương mại điện tử với lời quảng cáo “thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, đặc biệt là có gắn đèn tia UV ánh sáng xanh kết hợp với dung dịch khử khuẩn Cloramin B, cồn y tế, khi phun ra dưới dạng sương mù tiêu diệt được 99,9% các loại vi khuẩn ảnh hưởng đến hệ hô hấp, trong đó có cả virus SARS-CoV-2”. Ngoài ra còn có sản phẩm Comm Together, được quảng cáo là “sử dụng công nghệ Bio-Plasma, có thể loại bỏ 99,9% vi khuẩn, virus cúm... trong không khí".
 |
Sản phẩm súng phun khử khuẩn “sử dụng công nghệ nano, tia cực tím chống virus” được quảng cáo trên một nhóm Facebook. |
Thậm chí, loại máy khử khuẩn này còn được giới thiệu là có khả năng tiêu diệt đến 99,64% virus SARS-CoV-2 trong vòng 10 phút ở phạm vi 3m”... Đánh giá về các sản phẩm này, anh Vũ Hải Đoàn-một kỹ sư điện tử, khẳng định: “Sản phẩm “súng phun khử khuẩn” có cấu tạo rất đơn giản với thiết bị bơm mini để hút và tạo áp suất đẩy dung dịch dạng lỏng phun ra dưới dạng hơi sương; đèn “UV phát ra ánh sáng xanh” thực chất chỉ là đèn led. Do đó, các sản phẩm này không thể có tác dụng như quảng cáo. Người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo như vậy”.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã lên tiếng cảnh báo người dân và khẳng định: Công dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus SARS-CoV-2 của nhiều sản phẩm được quảng cáo chủ yếu căn cứ vào các kết quả kiểm nghiệm thực hiện trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm, chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế.
Nhiều sản phẩm không liên quan đến Covid-19 nhưng được đặt tên và thông tin mập mờ như CV19, có tác dụng diệt virus (không nêu rõ có phải Covid-19 hay không)... Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết, việc đưa thông tin về tác dụng ngăn ngừa, ức chế và tiêu diệt virus SARS-CoV-2, hạn chế lây lan dịch Covid-19 của các sản phẩm như nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018. Người dân nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua các sản phẩm được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus SARS-CoV-2.
Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA
Ngày 4-8, Báo Quân đội nhân dân đăng bài viết: “Siết chặt quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe” phản ánh hiện tượng một số sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) quảng cáo thổi phồng công dụng, giả mạo, đặc biệt là các sản phẩm lợi dụng dịch Covid-19 để quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng về khả năng điều trị bệnh.