Thực tế là hiện nay, truyền hình trên internet hay mạng xã hội đang là một hướng đi mới tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới cũng ngày một đông đảo. Tuy nhiên, việc để xảy ra không ít sai phạm của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua cũng cho thấy, hoạt động này cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu một năm khoảng 9.000 tỉ đồng. Dự đoán, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay như Netflix, Apple TV … đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao và doanh thu đã tiến dần tới con số 1.000 tỉ đồng.

Trong khi, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế cũng như luật pháp, thì một số nền tảng xuyên biên giới không thuế, không luật pháp, cạnh tranh không công bằng... 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/thuongtruong.com.vn.

Theo tôi, sự tham gia của các doanh nghiệp truyền hình nước ngoài là bình thường và cần thiết, giúp người dùng có thể lựa chọn nhiều chương trình giải trí có chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc cần phải quản lý các doanh nghiệp này như thế nào để đem tới sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng, cũng như bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Ngoài ra, sự gia nhập của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình nước ngoài tại Việt Nam còn đặt ra những rủi ro về mặt nội dung do chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu.

Do đó, giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Nghị định này Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét. 

Đồng thời, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Có như vậy, mới tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trên internet, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.

VĂN PHONG