Xã Ngọc Thanh cách trung tâm thành phố Phúc Yên chừng 10km. Đây là xã miền núi duy nhất của thành phố Phúc Yên có địa hình đa dạng, đan xen giữa các dãy núi và đồng bằng. Những người dân sống sát bìa rừng, nhiều nhất là ở thôn Lập Đinh nhận thấy sự thuận lợi cho việc phát triển nghề đốt than củi nên đã theo nghề dù có những hiểm nguy cho sức khỏe.
 |
Ông Trần Văn Tiến đang đóng bao sản phẩm than chuẩn bị mang đi tiêu thụ. |
Vừa chuyển xong gần hai tạ than lên chiếc xe máy cũ, ông Trần Văn Tiến, thôn Lập Đinh lau những giọt mồ hôi, chia sẻ: “Nghề này vất vả lắm chú ạ. Kiếm được chút tiền trang trải cuộc sống thì phải đánh đổi sức khỏe. Khói bụi từ than củi gây ra nhiều bệnh tật, như các bệnh về da, mắt, hô hấp... Trong khi đó, chúng tôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm”. Theo ông Tiến, mỗi khối củi mua về có giá từ 300.000 đến 500.000 đồng, chủ yếu là bạch đàn, keo, còn giá than củi từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg. Đối với lò đắp đất thủ công diện tích khoảng 10m², sau một tuần đốt, than ra lò cho thu lời hơn 2 triệu đồng/lò. Còn lò đốt than được xây kiên cố với cùng diện tích thì cho than đẹp, bán sẽ lời hơn.
Cách đó chừng vài trăm mét, ông Trần Cường đầu tư xây dựng một lò đốt than lớn, chứa khoảng 15m³ củi, sản phẩm thu được sau 3 tuần đốt. Ông Cường cung cấp cho các nhà hàng ở Hà Nội, thành phố Phúc Yên và các địa phương lân cận. Ông Trần Cường tâm sự: “Lò than của tôi chỉ cần hai nhân công. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng tôi cũng có thu nhập vài chục triệu đồng. Nhưng từ khi dịch Covid-19 kéo dài, khó thuê nhân công, các nhà hàng tiêu thụ ít, sản phẩm ùn ứ, cước vận chuyển cao đang ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi”.
Do suốt ngày phải lao động nặng nhọc và tiếp xúc với khói, bụi từ lò than, những người làm tại đây thường bị nhức đầu, viêm mũi do hít phải bụi than lâu ngày, hai mắt đỏ hoe do bụi than bay vào và tiềm ẩn nhiều căn bệnh khác... Thế nhưng, do cuộc sống mưu sinh đã khiến họ quen dần với khói bụi, với những nhọc nhằn và chấp nhận đánh đổi để kiếm sống.
Bài và ảnh: HÀ THIỆN HÙNG