Với quãng thời gian gần 20 năm làm đội trưởng, ông đã trở thành người bạn thân thiết với Đội K73 (Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ), Bộ CHQS tỉnh Long An trong suốt hành trình thiêng liêng.
 |
Đại tá Mao La (thứ ba, từ trái sang) cùng cán bộ, chiến sĩ Đội K73 thực hiện nghi thức bàn giao hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. |
Hai mươi năm một hành trình cùng Đội K73 là những kỷ niệm khó quên đối với Đại tá Mao La khi đối mặt với những gian nan, thử thách trong khi làm nhiệm vụ. Những năm đầu thế kỷ 21, đất nước Campuchia vẫn còn khó khăn, tỉnh Svay Rieng chủ yếu là rừng già, hệ thống giao thông chưa phát triển, các bản làng bị chia cắt bởi địa hình. Vì vậy việc đi tìm nhân chứng cung cấp thông tin các phần mộ liệt sĩ thường phải hành quân bộ từ 5 đến 10km trên các tuyến đường đất đỏ sình lầy để vào các phum, sóc nước bạn. Những ngày cơm nắm, muối vừng trong hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giữa những cánh rừng nguyên sinh hay giữa đồng ruộng sình lầy tạo nên sợi dây gắn chặt tình cảm của ông với cán bộ, chiến sĩ Đội K73.
Sau hai năm tạm hoãn do dịch Covid-19, đa số cán bộ, chiến sĩ Đội K73 trong đợt tìm kiếm giai đoạn XXI (mùa khô 2021-2022) chủ yếu là những người mới lần đầu sang nước bạn. Với ngôn ngữ, phong tục tập quán của nhân dân nước bạn khác biệt với Việt Nam nên mọi người không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ, lo lắng. Thế nhưng, với vai trò là người đi trước, đồng thời là người bạn thân thiết, Đại tá Mao La đã kết nối giữa cán bộ, chiến sĩ trẻ của Tiểu khu quân sự tỉnh Svay Rieng và Đội K73. Tình cảm thân thiết, gần gũi của cán bộ, chiến sĩ trẻ hai tỉnh được thể hiện qua những tháng ngày cùng nhau thức khuya, dậy sớm thổi lửa nấu cơm, cùng nhau đào những tấc đất tìm hài cốt liệt sĩ hay cùng nhau ăn bữa cơm vội ngoài thực địa.
Khi nói về động lực của bản thân trong suốt 20 năm giúp đỡ Đội K73 đi tìm đồng đội, Đại tá Mao La xúc động chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, tôi theo gia đình sang Việt Nam để tránh Pol Pot, sống tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Tưởng chừng cuộc sống sẽ là những chuỗi ngày cơ cực, nhưng khác với những gì tôi nghĩ, gia đình và những người dân Campuchia lánh nạn luôn được chính quyền và nhân dân Việt Nam chăm lo chu đáo từng bữa ăn, bố trí nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi đầy đủ. Tôi cảm động vì bộ đội, nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ gia đình cũng như nhân dân chúng tôi. Tôi phải ra sức tìm kiếm các liệt sĩ quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam để trả ơn họ”.
Những việc làm của Đại tá Mao La là một minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ luôn trường tồn cùng sự phát triển của hai đất nước.
Bài và ảnh: BIỆN CƯỜNG