Khu KT-QP Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị có điều kiện khí hậu, thời tiết tương đối thuận lợi, thổ nhưỡng tốt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khá phong phú... Tuy nhiên, trước đây, nhân dân địa phương chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp chăn thả tự nhiên, không chú trọng phòng, chống dịch bệnh khiến vật nuôi chết nhiều, hiệu quả thấp. Trong quá trình “bám dân, bám bản, bám địa bàn”, năm 2015, cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 337 khảo sát và đề xuất đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò lai sinh sản, dê Bách thảo, lợn bản địa theo phương pháp nuôi nhốt tại các đội sản xuất thuộc Trung đoàn 52.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hướng dẫn một hộ dân chăm sóc bò mà đơn vị ủng hộ. 

 

Sau hai năm thực hiện, các mô hình chăn nuôi nói trên phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đặc biệt, các mô hình chăn nuôi tạo ra nguồn con giống và trở thành “ngân hàng giống” tại chỗ để hỗ trợ hộ dân nghèo trong vùng dự án phát triển kinh tế. Cùng với hỗ trợ con giống, đơn vị cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, cách phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ vật liệu, nhân công xây dựng chuồng trại, dụng cụ, thức ăn chăn nuôi.

Năm 2017 trở về trước, hoàn cảnh gia đình anh Hồ Ma ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị rất khó khăn. Từ mô hình “Chi bộ giúp đỡ gia đình khó khăn trên địa bàn”, Chi bộ Đội sản xuất 9 (Đoàn KT-QP 337) đã hỗ trợ 2 con dê giống từ “ngân hàng giống” cho gia đình anh Hồ Ma. Đến nay, sau 5 năm, số dê của gia đình anh Hồ Ma đã lên tới hơn 30 con, đời sống từng bước ổn định. Cũng ở thôn này còn có gia đình anh Hồ Văn Thuần thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2020, Đội sản xuất 9 đã hỗ trợ 2 con bò giống và hướng dẫn anh Thuần cách chăn nuôi đúng kỹ thuật. Sau hai năm, số bò của gia đình anh Thuần đã phát triển thành 5 con. Anh Thuần vui vẻ cho biết: “Tới đây gia đình tôi sẽ bán 2 con bò để sửa nhà và trang trải cho các con đi học”.

Được biết, từ nguồn “ngân hàng giống” của Đoàn KT-QP 337, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu và hỗ trợ các gia đình khác, như: Gia đình anh Hồ Văn Mừng, thôn Trăng-Tà Puồng, xã Hướng Việt và anh Hồ Văn Diệp, thôn Miệt-Pa Công, xã Hướng Linh, hiện nay đều chăn nuôi từ 10 con bò trở lên, mỗi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi hộ. Đàn dê của gia đình anh Hồ Văn Hinh, thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt có khoảng 50 con, cho thu nhập mỗi năm hơn 40 triệu đồng... Để duy trì hiệu quả mô hình “Ngân hàng giống”, chỉ huy Đoàn KT-QP 337 đã chỉ đạo các đội sản xuất nghiên cứu, thử nghiệm các vật nuôi khác phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đa dạng vật nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế.

Đại úy Nguyễn Thái Phong, Trưởng ban Hậu cần Trung đoàn 52 cho biết: “Hằng năm, “ngân hàng giống” của đơn vị đã sản xuất được hàng trăm con giống, gồm: Lợn, bò, dê, gà, ngan, cá... cung cấp cho các đơn vị, thị trường và giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình khó khăn trên địa bàn. Cùng với đó, đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và tổ chức cho người dân tham quan các trại chăn nuôi tại đơn vị để bà con áp dụng làm theo, phát triển kinh tế, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo”.

Bài và ảnh: VÕ ĐÔNG