Trung úy QNCN Hoàng Thị Phương, nhân viên thông tin, Tiểu đoàn 1 cho biết: “Trước đây gia đình khó khăn, tôi có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh bột ngũ cốc nhưng thiếu vốn. Sau đó, Ban Chấp hành HPN lữ đoàn đã tạo điều kiện cho tôi vay 50 triệu đồng từ mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi đã thực hiện được ý tưởng và có thêm thu nhập từ việc tranh thủ thời gian rảnh rỗi sản xuất, kinh doanh bột ngũ cốc”. Thượng úy QNCN Lê Thị Hồng Thương, nhân viên hậu cần, Tiểu đoàn 3 cũng được HPN tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng. Đến nay, mô hình đã phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị... 

leftcenterrightdel
Hội viên phụ nữ tham quan mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của Trung úy QNCN Hoàng Thị Phương, tháng 8-2021.

Theo Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch HPN Lữ đoàn Thông tin 80, từ mô hình “Tổ nhóm tiết kiệm”, mỗi tháng mỗi hội viên tiết kiệm tối thiểu một ngày lương cơ bản, đến cuối năm hoặc khi hội viên cần, hội sẽ hoàn trả khoản tiết kiệm đó.

Số tiền tiết kiệm còn lại của các hội viên chưa sử dụng, HPN lữ đoàn triển khai mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” bằng cách cho hội viên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Sau gần 15 năm triển khai thực hiện, mô hình đã giúp hơn 20 chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn.

Bên cạnh đó, HPN còn triển khai thực hiện nhiều mô hình như: “Ca trực kiểu mẫu”, “Tủ sách phụ nữ”, “Phụ nữ tự học”, “Bát nước thao trường”, “Khâu áo chiến sĩ”, “Bữa cơm phụ nữ tự quản”... Với những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, HPN Lữ đoàn Thông tin 80 đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu 4 tặng cờ thi đua và bằng khen.

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG