Bạn Nguyễn Văn Vinh, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã bày tỏ những băn khoăn, mong muốn đến Báo Quân đội nhân dân rằng: “Nhà trường nơi tôi đang học tập có chính sách miễn giảm học phí cho thân nhân người có công với cách mạng. Bố nuôi tôi là thương binh, tôi đến phòng chức năng của trường trình bày thì được người phụ trách trả lời phải có giấy tờ chứng nhận làm con nuôi thì mới được miễn giảm học phí. Tôi không rõ câu trả lời này có đúng không? Tôi cần phải làm gì để được hưởng chính sách miễn giảm học phí?”
Điểm g, khoản 1, Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 quy định: “Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31-12-1993; người hưởng chính sách như thương binh” là một trong những nhóm đối tượng được công nhận là người có công với cách mạng. Như vậy, nếu bố bạn là thương binh thì được công nhận là người có công với cách mạng. Mặt khác, tại khoản 2, Điều 3 của pháp lệnh cũng quy định đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là: “Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ”. Như vậy, căn cứ quy định trên, con nuôi của người có công với cách mạng cũng được xác định là thân nhân của người có công với cách mạng và được hưởng các chế độ ưu đãi đối với thân nhân theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, việc nhận nuôi con nuôi phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi. Việc nhận nuôi con nuôi trong thực tế có thể chia thành hai loại: Xác lập quan hệ nuôi con nuôi về mặt xã hội (tự nhận bố mẹ nuôi-con nuôi trên phương diện tình cảm) và xác lập về mặt pháp lý. Để quan hệ nuôi con nuôi được bảo đảm bởi pháp luật thì người nhận con nuôi phải làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bạn không nói rõ việc bạn nhận làm con nuôi có được xác lập về mặt pháp lý hay không. Về mặt pháp lý, cá nhân muốn nhận con nuôi phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt... Pháp luật cũng quy định điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi. Để đăng ký việc nuôi con nuôi cần thực hiện theo trình tự: Nộp hồ sơ của người nhận nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại UBND cấp xã nơi thường trú của một trong 2 người. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người có liên quan. Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến. Sau đó, nếu đáp ứng đủ các quy định, UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi và trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp của bạn, nếu được nhận làm con nuôi có xác lập về mặt pháp lý thì được xác định là thân nhân của người có công với cách mạng và đủ điều kiện để được hưởng chính sách miễn giảm học phí.
HÀ PHƯƠNG
Vụ việc 35 container hạt điều của các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo khi xuất khẩu sang thị trường Italy đã đến hồi tốt đẹp. Tòa án ở Italy vừa ra phán quyết rằng những container hạt điều còn lại trong số 35 container bị mất quyền kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3-2022 phải được trả lại cho các công ty Việt Nam.