Là người cán bộ, để lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trên giao thì việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết là yếu tố hết sức quan trọng. Cấp trên, cấp dưới có đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Trải qua một số cương vị công tác, vừa là cấp trên, đồng thời cũng là cấp dưới, tôi luôn ý thức được trách nhiệm nêu gương và đồng cảm, thấu hiểu với bộ đội cũng như thấy được những áp lực, trách nhiệm nặng nề của chỉ huy cấp trên. Khi mới rời ghế nhà trường, cũng có lúc tôi chưa hiểu cấp trên vì được giao quá nhiều nhiệm vụ. Nhưng phát triển lên, tôi mới thấu hiểu, cảm nhận được những áp lực, khó khăn trong công việc luôn tăng dần theo từng cương vị, chức trách được giao.
 |
Giờ giải lao trên thao trường của chiến sĩ mới Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5, Quân khu 7). Ảnh: HOÀNG THÀNH |
Là người chỉ huy, có lẽ ai cũng từng có những lúc cáu gắt với cấp dưới. Tôi vẫn nhớ mãi sự việc xảy ra vào cuối năm 2017, khi đang công tác trên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa. Một buổi sáng, khi đi kiểm tra công sự, tôi vô tình phát hiện chiến sĩ tên T, quê ở Quảng Nam lén gọi điện thoại. Tôi khá bất ngờ vì T luôn có ý thức rèn luyện tốt và được đồng đội, cấp trên tin tưởng. Quá nóng vội và thiếu suy nghĩ, tôi yêu cầu T về đơn vị để tiến hành lập biên bản và xử lý. Có lẽ do quá nóng giận và thất vọng về T nên tôi có phần nặng lời, không cho đồng chí ấy cơ hội giải thích. Ngay buổi trưa hôm đó, tôi tổ chức sinh hoạt toàn phân đội xét kiểm điểm về hành vi vi phạm của T. Sự việc tưởng chừng không có gì lớn cho đến buổi tối hôm đó, khi tập trung phân đội thực hiện chế độ xem thời sự thì phát hiện ra sự vắng mặt của T. Tôi cử người đi tìm nhưng không thấy. Sau hơn 20 phút tìm kiếm, tôi phát hiện T đang ngồi trong lô cốt, trên khuôn mặt vẫn còn dấu vết của những giọt nước mắt. Đưa T về đơn vị, hỏi ra tôi mới biết, một đồng chí gần nhà cho biết mẹ em bệnh nặng đang cấp cứu ở bệnh viện nên T mới mượn điện thoại của một đồng chí đơn vị khác, gọi về để hỏi thăm mẹ. Không may bị chỉ huy phát hiện, xử lý nên T cảm thấy không thỏa đáng. Nghe xong câu chuyện, tôi rất hối hận vì chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động của quân nhân thuộc quyền mà đã vội vàng khiển trách bộ đội.
Từ đó, tôi cứ trăn trở, suy nghĩ phải chăng mình là người chỉ huy quá cứng nhắc, chưa gần, chưa hiểu bộ đội nên đã tạo ra khoảng cách giữa cán bộ với chiến sĩ. Vì vậy, tôi quyết tâm sửa chữa với tâm niệm: Người chỉ huy không chỉ có mệnh lệnh cứng nhắc mà cần có sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu, tôn trọng chiến sĩ. Giờ đây, khi đã là đại đội trưởng, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân “mỗi hành động của người cán bộ đều là mệnh lệnh không lời đối với người chiến sĩ”. Ngoài chức trách đại đội trưởng, còn phải là người anh luôn quan tâm, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới trong công việc; nắm chắc chất lượng chính trị, hoàn cảnh của từng quân nhân để có biện pháp động viên, giải quyết kịp thời.
Đại úy NGUYỄN PHÚC MẠNH
(Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 473, Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân)