Khắc phục các “lỗ hổng”

Cải cách hành chính (CCHC) ở Quảng Ninh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là việc thực hiện giải quyết TTHC liên thông chưa đáp ứng yêu cầu và chưa xây dựng quy trình thông suốt, đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Việc giao quyền, ủy quyền cho cán bộ thường trực tại trung tâm hành chính công (HCC) của một số sở, ngành chưa bảo đảm theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong giải quyết TTHC vẫn còn số ít hồ sơ quá hạn; chưa kịp thời có văn bản gửi tổ chức, người dân nêu rõ lý do yêu cầu bổ sung hồ sơ. Hiệu quả tham mưu công tác CCHC của một số cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như việc chủ động, tích cực trong công việc, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chuyên trách chưa cao. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chưa đáp ứng yêu cầu tinh giản, gọn nhẹ. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, kiến thức hành chính còn hạn chế; thái độ chưa đúng mực, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý chưa kịp thời…

leftcenterrightdel
 Niềm nở, tận tình, công tâm, hiệu quả, công khai, minh bạch, chính xác luôn được các trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh coi trọng. 

Nhận thức rõ những hạn chế này, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU trong đó lấy chủ đề năm 2017 là năm “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính”. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh xác định CCHC là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có tính quyết định thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước. Vì vậy, năm 2017, Quảng Ninh sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng tuyên truyền để người dân tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến gắn với đào tạo công dân điện tử. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, cập nhật các TTHC mới và giảm tối đa thời gian giải quyết so với quy định. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tại trung tâm HCC các cấp, tập trung vào nội dung giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn minh công sở, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm nếu có”.

Nhân rộng những cách làm hay

Là địa phương đi đầu cả nước về cải cách TTHC và đạt nhiều kết quả nổi bật, vì vậy, Quảng Ninh nhận được nhiều sự quan tâm, ghi nhận của các bộ, ngành, địa phương. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì từ những kết quả ban đầu trong thực hiện CCHC nhà nước ở Quảng Ninh có thể rút ra những kinh nghiệm: Một là, lấy sự hài lòng của tổ chức và công dân làm mục tiêu của cải cách hành chính nhà nước; hai là, quyết tâm của người đứng đầu; ba là, chọn khâu đột phá là cải cách TTHC; bốn là, xác định con người là yếu tố quyết định; năm là, đầu tư cơ sở vật chất; sáu là, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện. Đây được xem là sáu yếu tố cơ bản quyết định việc thành công trong CCHC ở Quảng Ninh thời gian qua.

Đánh giá về những kết quả đã làm được của Quảng Ninh, Đại biểu Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Quảng Ninh đã có những cách làm đột phá như kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở (từ việc tạo cơ chế mở, phá bỏ cơ chế “khép kín”, tiến hành bầu và giám sát việc bầu chủ tịch UBND, đẩy mạnh việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch UBND; thực hiện kiêm nhiệm các chức danh (bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận) ở thôn, bản, khu phố.…). Quá trình triển khai thực hiện khá bài bản, từ khâu quán triệt chủ trương đến rà soát thể chế, thực hiện công tác sắp xếp bộ máy, cán bộ. Những vấn đề khó khăn được cấp ủy, chính quyền, mặt trận xác định để tìm giải pháp vượt qua. Ví dụ, việc chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế sang mô hình hoạt động như doanh nghiệp; tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước... Bài học về CCHC của tỉnh Quảng Ninh có thể được nhân rộng, rút kinh nghiệm cho các địa phương khác”.

“Tuy nhiên, cái khó của các tỉnh là hình dung đầy đủ tính chất, mục tiêu, nội dung và giải pháp nào là tốt nhất cho CCHC; có nơi còn có thái độ thiếu quyết liệt, tư duy nhiệm kỳ, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên để “rảnh tay”, tránh các rủi ro từ hành vi chủ quan. Việc đánh giá hết những thuận lợi, khó khăn của địa phương cũng là khâu không đơn giản. Nếu không nhận diện đầy đủ và thấu đáo những vấn đề có liên quan thì đó cũng chính là khó khăn, trở ngại ngay từ bước đầu”, TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không thể “bê nguyên” mô hình CCHC của tỉnh Quảng Ninh áp dụng vào một tỉnh, thành phố cụ thể. Điều quan trọng là phải tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, tập tục, văn hóa địa phương để xây dựng đề án bảo đảm toàn diện, khách quan; phát huy thế mạnh, lợi thế địa phương. Khi triển khai cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích chủ trương và các mục tiêu, giải pháp CCHC; tìm ra biện pháp hạn chế thấp nhất xung đột lợi ích trong khâu sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ. Nếu thiếu nhất quán, thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực, thiếu vô tư, thiếu sáng tạo, thiếu dân chủ thì CCHC khó thành công.

Bài và ảnh: QUANG THÁI - NGUYỄN CƯỜNG - ĐỨC TUẤN