Rõ người, rõ việc

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện cải cách hành chính (CCHC) theo hướng tách các hoạt động cung ứng dịch vụ công cộng với các hoạt động công quyền; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng vào phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Năm 2016, tổng số TTHC được công bố và giải quyết là 1.461 thì tính đến ngày 21-3-2017, tổng số TTHC được công bố tại Quảng Ninh đã tăng lên hơn 1.557, trong đó cấp tỉnh hơn 1.214, cấp huyện 256 và cấp xã là 87. Hiện nay, 100% TTHC đưa vào giải quyết tại các trung tâm hành chính công (HCC) được xây dựng quy trình giải quyết bảo đảm rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian và được cập nhật công bố, niêm yết công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức, giúp tổ chức và người dân thuận tiện trong tìm hiểu, tra cứu.

leftcenterrightdel
Ông Đào Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Hành chính công thị xã Đông Triều hướng dẫn nhân viên xử lý công việc trên ki-ốt tra cứu thông tin. 

Với cách làm này, năm 2016, Trung tâm HCC tỉnh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đúng và trước thời hạn đạt 99,4%. Tại trung tâm HCC ở các địa phương, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước thời hạn đạt 97,9%. Trong quý 1-2017, với nhiều cách làm sáng tạo, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm HCC tỉnh đạt 99,97%; còn tại các địa phương đạt tỷ lệ 98,8%.

Từ ngày 1-7-2016, các địa phương triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Trung tâm HCC các cấp còn tiếp tục triển khai việc trả kết quả cho tổ chức, cá nhân bằng chữ ký số và cập nhật kết quả giải quyết TTHC trên trang thông tin điện tử của đơn vị, qua đó giúp người dân giảm thời gian, giảm chi phí, giảm tiêu cực, phiền hà. Cùng với đó, để giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đưa Tổng đài Trung tâm HCC của tỉnh, số máy 1900558826 vào hoạt động.

Vừa làm xong thủ tục đăng ký kinh doanh, chị Phạm Huệ Minh, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Trường Minh, cho biết: “Ngày trước tôi đi làm giấy tờ rất lâu và thường phải nhờ qua môi giới. Nhưng từ khi tỉnh triển khai trung tâm HCC và dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, doanh nghiệp chúng tôi có thể ở nhà nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến. Cách làm này thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp".

Các địa phương "chuyển động"

TP Uông Bí được đánh giá là điểm sáng của tỉnh khi đi đầu trong cải cách TTHC với nhiều cách làm sáng tạo và linh hoạt. Theo đó, Trung tâm HCC TP Uông Bí là nơi duy nhất đưa điểm thu ngân sách nhà nước vào hoạt động. Điểm thu ngân sách bao gồm các đơn vị: Chi cục Thuế, Kho bạc và Ngân hàng Công Thương phối hợp cử cán bộ ngân hàng thu nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất, thuế xây dựng tư nhân, thuế thu nhập cá nhân, thu phạt vi phạm giao thông. Với cách làm này đã góp phần giảm bớt thời gian đi lại cho người dân khi đến làm các thủ tục trên.

Thị xã Đông Triều cũng là một trong những địa phương tiêu biểu có kết quả giải quyết TTHC ấn tượng, tạo bước đột phá mạnh mẽ. Hiện nay, số TTHC thực hiện tại trung tâm của huyện là 293 thủ tục, trong đó có 225 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên đạt gần 77%, hơn 170 TTHC được thẩm định và phê duyệt tại chỗ. Số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết đạt gần 13.000 hồ sơ thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có hơn 82% hồ sơ giải quyết trước hạn. Riêng ở mức độ 3, thị xã Đông Triều đã có 337/ 2.187 giao dịch qua mạng trên toàn tỉnh, xếp thứ hai sau Sở Y tế tỉnh.

Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Lan, trú tại xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều tại Trung tâm HCC thị xã. Chị Lan đến Trung tâm HCC thị xã để làm hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị Lan cho biết: “Trước đây tôi đi làm giấy tờ, thủ tục cũng phải ra xã ít nhất là hai lần mới được việc, lại rất rườm rà, cứ nghĩ phải mất công, mất việc đến cơ quan hành chính chờ đợi là ngại. Đây là lần đầu tiên tôi lên Trung tâm HCC thị xã làm thủ tục, nhưng thấy các bước rất thuận tiện, nhanh chóng, khiến những người nông dân như chúng tôi bớt vất vả”.

Ông Trần Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết: “Thành công trong CCHC ở Đông Triều đầu tiên phải nói đến việc tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện CCHC. Hơn 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức với khoảng 3.000 học viên được tổ chức. Không chỉ tập huấn, đào tạo thông thường mà còn tổ chức hội đồng kiểm tra, sát hạch về trình độ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng sử dụng các dịch vụ công trong thực thi công việc đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức các phòng, ban chuyên môn từ thị xã đến cấp xã, phường”. Cùng với tập huấn, chính quyền các cấp ở Đông Triều còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hơn 6.000 cuốn sổ tay “Một số nội dung cơ bản về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)” và cuốn “Những điều cần biết về chính quyền điện tử, trung tâm HCC, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại các xã, phường” được phát hành đến từng xóm, thôn, khu phố, doanh nghiệp trên địa bàn. Thị xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng 194 bảng tin và hòm thư góp ý đặt tại các nhà văn hóa thôn, khu phố và trụ sở 21 xã, phường cùng nhiều pa-nô, áp-phích tuyên truyền, bản tin phát thanh.

Bài và ảnh: QUANG THÁI - NGUYỄN CƯỜNG - ĐỨC TUẤN