“Kính mờ quá, may mà vẫn trúng bia!”, Trung úy Vũ Văn Được tươi cười nói với những người có mặt sau khi cùng nhóm xạ thủ hoàn thành bài bắn “Chiến đấu trong khu dân cư”. Theo quy định của Ban tổ chức Cuộc thi "Xạ thủ chiến thuật", các VĐV khi bước vào thi đấu đều phải đeo ốp tai, kính bảo vệ mắt. Đây quả là khó khăn không nhỏ với các VĐV Đội tuyển “Xạ thủ chiến thuật” bởi suốt mấy tháng qua, họ thường phải tập luyện dưới thời tiết nắng nóng, oi bức, kính dễ bị hấp hơi và mờ, rất khó bám đường ngắm cơ bản.
Army Games 2021 là giải đấu đầu tiên mà Trung úy Vũ Văn Được trở lại thi đấu sau chấn thương. Năm 2018, trong quá trình tập luyện để chuẩn bị cho một giải đấu tổ chức ở Australia, anh bị đứt dây chằng cổ chân và phải mổ, thời gian để bình phục gần như hoàn toàn mất tới hơn hai năm. Thế nên khi được tuyển chọn vào đội hình tham gia Army Games 2021, Vũ Văn Được đặt quyết tâm và mục tiêu rất cao. Thêm nữa, trong lần trở lại này, anh được làm việc với HLV mới, các bài bắn cũng khá mới lạ và đặc biệt so với các giải đấu trước đây nên trong quá trình tập luyện, anh cảm thấy hứng thú hơn.
 |
Các vận động viên Đội tuyển "Xạ thủ chiến thuật" trong một buổi tập. Ảnh: NGÔ TRUNG |
Cùng với Trung úy Vũ Văn Được, Đội tuyển “Xạ thủ chiến thuật” còn có 9 VĐV, hầu hết đều là những xạ thủ từng kinh qua nhiều giải đấu quốc tế và khu vực, điển hình như Giải bắn súng quân dụng các nước ASEAN (AARM). Tuy nhiên, tất cả đều chuẩn bị bước vào Army Games 2021 với quyết tâm cao nhất và không xem nhẹ, chủ quan trong quá trình luyện tập. Bởi hầu hết bài bắn trong khuôn khổ hội thao này thường có tính chiến thuật, thực tế cao, cự ly một số mục tiêu cũng xa hơn so với các giải đấu khác. Một số bài bắn còn đòi hỏi các VĐV phải thể hiện tính đồng đội, phối hợp nhịp nhàng, phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí, mục tiêu. Ấn tượng rõ nhất khi theo dõi một buổi tập của Đội tuyển “Xạ thủ chiến thuật” là dù bắn súng K59 hay AK47 thì anh em đều rất “tin tay” sau hơn 4 tháng bám thao trường, “ăn cơm tuyển”.
 |
Vận động viên Đội tuyển "Xạ thủ chiến thuật" luyện tập bài bắn. Ảnh: PHÚ SƠN |
Cách đó không xa, các HLV của Đội tuyển “Xạ thủ bắn tỉa” đang chăm chú theo dõi các học trò của mình thực hiện “bài bắn ở tư thế không thuận lợi”, một trong những bài bắn được đánh giá là “khó nhằn” nhất trong Cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" ở Army Games sắp tới. Đặc điểm của nội dung bắn tỉa là yêu cầu độ chính xác cao, cùng với đó là đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng vũ khí. Theo Trung úy Vũ Đức Huy, thành viên Đội tuyển “Xạ thủ bắn tỉa” đang tập luyện chuẩn bị cho Army Games 2021, để hạ các mục tiêu, xạ thủ phải tập luyện làm sao để giữ được sự ổn định trong từng tư thế, từng phát bắn. Quan trọng hơn, phải biết làm chủ súng và kính ngắm bằng cách đánh giá áp suất không khí, tốc độ gió, hướng gió, tốc độ vận động của mục tiêu-những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đường đạn. Chính vì thế, khi bước vào mỗi bài bắn, nhiệm vụ của các xạ thủ là quan sát, tính toán cực nhanh để đưa ra quyết định phù hợp và tiêu diệt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất.
Đó là chưa kể trong Cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" ở Army Games 2021, có những bài bắn thực sự “làm khó” các xạ thủ. Chẳng hạn, bài bắn với vật cản thấp 30cm, anh em đứng thì rất chông chênh, quỳ thì lại quá cao, nằm thì không nằm được nên buộc phải bắn trong tư thế ngồi thấp. Tập bài này, các xạ thủ phải rèn luyện hằng ngày thì khi thi đấu mới có thể “vào tư thế” nhanh, đường ngắm mới ổn định.
 |
Các vận động viên Đội tuyển "Xạ thủ bắn tỉa" trong một buổi tập. Ảnh: PHÚ SƠN |
Ở Army Games 2021, nếu như Đội tuyển “Xạ thủ chiến thuật” phải thực hiện 14 bài bắn thì Đội tuyển “Xạ thủ bắn tỉa” với 6 VĐV (4 chính thức, 2 dự bị) sẽ phải chinh phục tổng cộng... 23 bài bắn. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai Cuộc thi "Xạ thủ bắn tỉa" trong khuôn khổ một kỳ Army Games; khả năng, trình độ của các đội tuyển nước ngoài tham gia cuộc thi cũng không phải hạng xoàng. Thế nên ngay cả trong quá trình tập luyện, các VĐV nước chủ nhà cũng cảm thấy ít nhiều áp lực.
Đại úy Hoàng Đức Chung, Đội trưởng Đội tuyển “Xạ thủ bắn tỉa” cho biết, ngay từ những ngày đầu mới tập trung, ngoài việc rèn thể lực, các yếu lĩnh chung về đường ngắm, tay cò thì các HLV phải tập trung huấn luyện cho VĐV nâng cao khả năng tính toán cơ bản, từ đó áp dụng vào bắn thực tế trên thao trường. Cùng với đó là rèn luyện tâm lý, bản lĩnh thi đấu, bởi với nội dung bắn súng, yếu tố tâm lý tác động rất lớn đến đường đạn và kết quả mỗi bài bắn.
Khi nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân rời Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4, buổi tập của các VĐV vẫn đang diễn ra hối hả, và có lẽ sẽ kéo dài đến 9 giờ đêm như thường lệ. Như chia sẻ của họ, càng vất vả và áp lực thì càng phải bình tĩnh, xác định tập thế nào, thi thế ấy để giành kết quả cao nhất trong từng bài bắn. Và quan trọng hơn là phải tự tin vào chính mình, tin tưởng vào đồng đội.
Tại Army Games 2021, Đội tuyển “Xạ thủ chiến thuật” sẽ thi đấu ở Liên bang Nga với 4 giai đoạn: Trình độ; bắn súng đơn; nhóm; đấu. Trong khi đó, Đội tuyển Xạ thủ bắn tỉa thi đấu ở Việt Nam với 4 giai đoạn thi đấu chính thức gồm: Thi cá nhân; thi cặp xạ thủ; thi đồng đội; thi ai nhanh hơn. |
CHÂU ANH