Năm APEC 2017 diễn ra đúng vào lúc APEC đang ở giai đoạn nước rút hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Song song với đó là sự xuất hiện của không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Thực tế này đặt những người chèo lái con thuyền APEC trước trọng trách chung tay hành động nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho diễn đàn. Hàng loạt sáng kiến, thỏa thuận đạt được cho thấy rõ điều đó. Quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng những biện pháp mạnh bạo mà các thành viên sẵn sàng cam kết là minh chứng cho APEC đang nỗ lực hết sức mình “tạo động lực mới”, để tương lai của thế kỷ 21 được khởi nguồn từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương - một cộng đồng năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và thực sự vì người dân và doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Trong khuôn khổ Năm APEC 2017, đại diện và chuyên gia của nhiều tổ chức quốc tế đã đến tham dự và phát biểu tại các hoạt động, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Cộng đồng doanh nghiệp và học giả cũng tham gia, đóng góp tích cực tại các hoạt động này. Thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 là một mục tiêu xuyên suốt của hợp tác APEC kể từ năm 1994 đến nay. Và trong năm 2017, các thành viên APEC vẫn tiếp tục đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến góp phần triển khai các Mục tiêu Bogor. Tất cả những điều này truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng, APEC đang ngày càng khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng hợp tác, liên kết và khả năng hội tụ trí tuệ của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất đối với Việt Nam, APEC hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cùng nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là những đối tác quan trọng trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Vì lẽ đó, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại và cũng là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.

Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu và APEC không phải là ngoại lệ. Trước tình hình đó, Việt Nam đã phát huy tốt vai trò chủ nhà, vận dụng hiệu quả các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc, bình đẳng và cùng có lợi để thúc đẩy các thành viên giữ đà hợp tác, liên kết, đi đến đồng thuận trên nhiều vấn đề hợp tác chuyên ngành. Dư luận quốc tế đánh giá, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã cùng với các thành viên APEC khơi dậy những “động lực mới” cho tăng trưởng và liên kết của khu vực. Nhiều nội dung hợp tác năm nay mang tính kế thừa của hợp tác APEC những năm trước đó, song Việt Nam đã gắn thêm với những yếu tố mang tính thời sự. Đây là một đóng góp thiết thực của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên...

Đối với Việt Nam, cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như những nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2018, việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 góp phần hiện thực hóa chủ trương rất quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các cơ chế đa phương”. Những chuyến thăm cấp Nhà nước và thăm chính thức Việt Nam cùng hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC nhân dịp này giúp Việt Nam đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác được xác lập đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, đặc biệt là tăng cường đan xen lợi ích dài hạn với các thành viên APEC chủ chốt. Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh một Việt Nam hòa bình, đổi mới, năng động và giàu lòng mến khách, các hoạt động của Năm APEC 2017 còn mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch... cho các địa phương và doanh nghiệp.

Bạn bè và đối tác trong cũng như ngoài diễn đàn đều trân trọng, đánh giá cao từ công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp đến những đề xuất, sáng kiến chủ động, tích cực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC. Hình ảnh một Việt Nam mặc dù tất bật ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 12 (Damrey) song vẫn hết mình để Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra suôn sẻ, vừa bảo đảm sự trọng thị mà không kém phần thân tình, có lẽ sẽ là khó quên đối với bất kỳ ai tham dự. Năm APEC 2017 chính thức khép lại nhưng dư âm về một diễn đàn năng động, đầy sức sống và trách nhiệm cũng như một Việt Nam đổi mới, tích cực và giàu lòng mến khách vẫn tiếp tục lan tỏa rộng khắp.

QĐND