Kết quả, ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch (có 4 vạn quân Mỹ), 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn nặng nề, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris và giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự. 

Quân Giải phóng hành quân vào chiếm lĩnh trận địa trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968. Ảnh tư liệu

Trước hết, đó là nghệ thuật nghi binh, lừa địch. Nhằm phân tán lực lượng chủ lực, làm lạc hướng đối phó của địch, bắt đầu từ cuối năm 1967, ta lần lượt mở một số chiến dịch ở vùng ven biên giới ở Tây Nguyên và duy trì bình thường các hoạt động quân sự tại vùng ven đô thị, vùng nông thôn đồng bằng. Ta phối hợp với bạn Lào mở Chiến dịch Nậm Bạc, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên cả chiến trường Lào, tạo điều kiện cho đòn tiến công đồng loạt vào các đô thị. Đêm 20-1-1968, ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, thu hút và vây hãm 2/5 lực lượng cơ động chiến đấu Mỹ, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, uy hiếp mạnh tuyến phòng thủ Đường số 9 của địch, phá tan những cố gắng của chính quyền Johnson, tạo thế cho các chiến trường khác, nhất là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng...

Về chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu, ta không chọn rừng núi và nông thôn mà tiến công thẳng vào thành phố, thị xã, thị trấn, nơi tập trung các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, các sở chỉ huy, kho tàng, hậu cứ, sân bay, bến cảng… là cơ sở vật chất bảo đảm cho chiến tranh, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế-những nơi địch có nhiều sơ hở, hiểm yếu, dễ chấn động nhất. Ở Huế, ta tiến công nhiều mục tiêu trong thành phố: Căn cứ Mang Cá, sân bay Tây Lộc, khu Đại nội, Cột cờ, Ngọ Môn, bưu điện, nhà ngân khố, trường Quốc học, tòa nhà tỉnh trưởng… Ở Sài Gòn, ta tiến công 6/9 mục tiêu chiến lược (bộ tổng tham mưu ngụy, đài phát thanh Sài Gòn, dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ, bộ tư lệnh hải quân…), trong khi địch cho rằng ta chưa có khả năng đánh vào các trung tâm đầu não của chúng ở thành phố. 

Ta đã kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng; kết hợp ba mũi giáp công, tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, trọng điểm là ở các địa bàn đô thị. Đêm 30-1-1968, cả miền Nam ta đồng loạt nổ súng tiến công các mục tiêu ở cả nội thành và ngoại thành. Tại Sài Gòn, lực lượng biệt động nhanh chóng đánh vào các mục tiêu đầu não địch, như: Đại sứ quán Mỹ; đài phát thanh; bộ tư lệnh hải quân; dinh Độc Lập; bộ tổng tham mưu ngụy... Ở các vùng ven, vùng sâu, vùng yếu, các khu ấp chiến lược, lực lượng dân quân du kích tổ chức hàng nghìn cuộc vũ trang tuyên truyền, vận động hàng chục vạn gia đình binh sĩ, làm rã ngũ hàng nghìn lính bảo an, dân vệ, huy động hàng chục vạn lượt người tham gia phục vụ chiến đấu; quần chúng nhân dân tích cực tiến công địch, dẫn đường, tiếp tế, tải thương, nuôi giấu thương binh, treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm chướng ngại vật trên đường phố, gọi loa, tuyên truyền binh lính địch bỏ hàng ngũ địch về với gia đình, vợ con. Đặc biệt ở Huế, ta tiến công vào các cơ quan đầu não, làm chủ Huế được 25 ngày.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta không thực hiện cách đánh lần lượt từ ngoài vào trên từng hướng chiến lược, mà kết hợp tiến công từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong; tiến công đồng loạt bằng nhiều hình thức, nhiều lực lượng, cả quân sự, chính trị, binh vận; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng; kết hợp đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực với đòn tiến công của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Đây là cách đánh độc đáo, sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa bàn, quy mô lực lượng, phù hợp sở trường, trình độ tác chiến của bộ đội ta. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tạo một bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta để đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ