Phần mở đầu: Giới thiệu hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh chủ trương và quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cắt băng khai mạc triển lãm.

Phần 1 chủ đề “Dốc sức cho chiến trường” giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh quá trình chuẩn bị về mọi mặt của quân và dân ta ở hai miền Nam, Bắc cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

“Bước ngoặt lịch sử” là chủ đề phần 2 trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh quá trình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân với các mục tiêu cụ thể và thắng lợi tạo bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại biểu tham quan triển lãm.

Phần 3 chủ đề “Âm vang bản hùng ca” trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh những tác động to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống chính trị nước Mỹ, dẫn đến thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tiến công căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968.
Tiến đánh Bộ tổng tham mưu ngụy tại Sài Gòn đêm 30, rạng ngày 31-1-1968.
Xe xích lô đồng chí Đỗ Văn Căn (Ba Mủ), cơ sở của lực lượng Đặc công biệt động Sài Gòn sử dụng vận chuyển vũ khí từ ngoại ô vào Sài Gòn đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố Xuân Mậu Thân 1968.

Tại triển lãm, nhiều hiện vật lần đầu tiên được trưng bày như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1-1968) quyết định thực hiện Tổng công kích Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; mái chèo đồng chí Trương Văn Thành - Thông tin C10, Quân khu 7 sử dụng chuyển công văn, tài liệu và bộ đội phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; mệnh lệnh của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng gửi cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng và đồng bào miền Nam, ngày 30-1-1968;  xe xích lô đồng chí Đỗ Văn Căn (Ba Mủ), cơ sở của lực lượng Đặc công biệt động Sài Gòn sử dụng vận chuyển vũ khí (bên trong khối mủ cao su) từ ngoại ô vào Sài Gòn đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố, Xuân Mậu Thân 1968; nắp hầm bí mật của gia đình bà Lê Thị Vịt ở thôn Đồng Tiến, Thủy Phương, Hương Phủ, Bình Trị Thiên đã giấu 12 cán bộ trong hầm bí mật để đánh vào thành phố Huế, Xuân 1968…

Triển lãm “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” là sự tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn và sự hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN