Chương trình diễn ra trong không khí ấm áp, xúc động với những câu chuyện, hồi ức đầy cảm động của các nhân chứng. Đó là câu chuyện của bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh không bao giờ quên được hình ảnh các anh bộ đội giải phóng với nón tai bèo, đi dép cao su, cầm súng chiến đấu và hy sinh ngay trên đường phố Sài Gòn lúc bấy giờ. Là người nữ biệt động hiếm hoi tham gia trận đánh Dinh Độc Lập trong Mậu Thân 1968, bà Vũ Minh Nghĩa vẫn nhớ như in cảm xúc lúc nhận nhiệm vụ này. Theo bà, tinh thần của toàn đội lúc đó chỉ có quyết tâm đánh và chấp nhận hy sinh. Ở trận đánh này, nhiều đồng đội của bà đã không trở về. Còn nữ chiến sĩ biệt động Lê Hồng Quân cũng không kìm được cảm xúc khi chia sẻ những tháng ngày chiến đấu ác liệt với kẻ thù, hay bị giam cầm, tra tấn dã man trong tù của địch.… Và còn rất nhiều câu chuyện người thật, việc thật cảm động khác tại buổi giao lưu.

 Các đại biểu và nhân chứng chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Điểm nhấn trong câu chuyện của các nhân chứng tựu chung là chính là nhờ lòng dân mà các chiến sĩ cách mạng mới hoạt động được ngay trong lòng địch. Sự hình thành các hầm trú ẩn, hầm vũ khí bí mật hay các “lõm” chính trị cũng minh chứng cho sức mạnh lòng dân. Kể cả khi diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sức mạnh, sự che chở của nhân dân rất lớn. Tuy sự kiện này chưa đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước nhưng đã tạo tiếng vang lớn, đánh mạnh vào ý chí xâm lược của kẻ thù, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng trên toàn miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là biểu tượng sáng người về ý chí cách mạng quật cường của quân và dân ta với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những bài học rút ra từ sự kiện này luôn vẹn nguyên giá trị giáo dục truyền thống cho cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố nói riêng, các thế hệ hôm nay và mai sau nói chung.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA – HỒ LONG