Cựu chiến binh Ngô Bá Chính sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn và ông được lựa chọn tham gia trận đánh lịch sử ấy với nhiều lợi thế. Với vỏ bọc là một sinh viên Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, đã từng tốt nghiệp tú tài toàn phần đã giúp Ngô Bá Chính hoạt động “hợp pháp” ngay trong lòng thành phố mà không vấp phải sự nghi ngờ nào của mạng lưới mật thám vốn dày đặc của ngụy quyền. Tham gia trận đánh ấy, ông cùng đồng đội được ví như những “chim sắt” dũng mãnh thoắt ẩn thoắt hiện, làm địch ăn ngủ không yên. Trong ký ức của ông, trận đánh vào Bộ tổng tham mưu ngụy dịp Tết Mậu Thân lịch sử là một dấu ấn như mới vừa hôm qua. Giọng ông Chính chậm rãi, tự hào kể lại:

- Nhận nhiệm vụ đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy khi vừa tròn 20 tuổi, với vai trò Tổ trưởng-Xạ thủ B40, F100 Biệt động Quân khu Sài Gòn- Gia Định, tôi và các chiến đấu viên lúc đó tỏ ra phấn chấn, quyết tâm rất cao, mặc dù biết mục tiêu này lớn, kế hoạch táo bạo đánh thọc sâu vào cơ quan chỉ huy đầu não của quân đội chính quyền Sài Gòn, sẽ gặp sự kháng cự mạnh nên chúng tôi xác định đây là trận đánh cuối cùng, sẽ hy sinh nhiều.

“Trong giờ phút lịch sử này, từ các vùng nông thôn, từng đoàn quân chủ lực của ta đang băng đồng vượt rừng tiến về thành phố. Các đơn vị Biệt động thành là những đội quân tiên phong không có quyền chần chừ, do dự. Những tư tưởng ngần ngại trong lúc này là có tội với nhân dân”, ông Chính nhớ lại.  

Lính Mỹ khiêng xác đồng bọn (bên phải) bị lực lượng vũ trang cách mạng tiêu diệt trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Sáng mùng Một, tôi ghé về thăm gia đình, rồi chiều tập trung tại nhà chị Ba Thúy để khui hầm vũ khí. Hì hục lôi được lên thì thấy súng bị ngấm nước, hỏng hết. “Tài sản này là xương là máu! Thử nghĩ đưa được bấy nhiêu khẩu súng từ ngoài chiến khu vào vùng nội thành là biết bao gian khổ, vậy mà khi cần dùng đến lại chả có tác dụng gì”, giọng ông đầy xót xa như thể đang sống ở chính thời điểm đó.

Khi việc khắc phục số súng trên trở nên vô vọng thì cả đội nhận được tin cấp trên cấp bổ sung súng mới. Ai nấy đều vui mừng, rạng rỡ như sắp chết đuối vớ được phao. “Có đủ vũ khí thì phen này quyết chơi đến cùng. Chúng tôi ngoéo tay nhau, quyết tâm như vậy”, ông nói.

Bộ Tổng tham mưu là cơ quan đầu não lớn nhất của quân đội ngụy ở Sài Gòn, chiếm trọn khu đất rộng gần 100 mẫu tây ở phía Đông sân bay Tân Sơn Nhất. Căn cứ này được chia thành nhiều ô với những dãy nhà 2 tầng. Đây là nơi làm việc của các tướng lĩnh cao cấp chỉ huy quân đội chính quyền Sài Gòn, đứng đầu là Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng). Túc trực trong căn cứ luôn có 1 tiểu đoàn cảnh vệ và 2 đại đội xe bọc thép thường xuyên tuần tra nghiêm ngặt. Hơn nữa, bên ngoài địch bố trí một số đơn vị bảo vệ với vũ khí trang bị khí tài hiện đại, sẵn sàng đáp trả mạnh khi bị tấn công.

Mục tiêu chiến đấu cũng na ná như sa bàn tập trận của đơn vị từ tháng trước ở khu căn cứ Thanh An (Dầu Tiếng). Có điều khi bước vào thực tế chiến đấu thì hỏa lực bố phòng mạnh hơn. Dù quân số chưa đến ba chục người trước lực lượng bố phòng gấp trăm lần, nhưng dường như điều này không làm các chiến sĩ bận tâm và cũng không còn thời gian để bàn cãi nữa. Những con “chim sắt” đã nhập cuộc với quyết tâm cao nhất. Theo phương án tác chiến, đơn vị Biệt động 69 gồm Đội 6 và Đội 9, giờ nổ súng được xác định thống nhất là vào 1 giờ ngày mùng 2 Tết (tức ngày 31-1-1968). Đội 6 của ông Chính sau khi tập trung phân công chiếu đấu, những chiến đấu viên lên chiếc xe Jeep chở đầy súng đạn. Trên hành trình tiếp cận mục tiêu đã xảy ra một tình huống ngoài dự kiến là chiếc xe Jeep bị nổ lốp do tải quá nặng trên đường Trương Quốc Dung, cách mục tiêu chừng 500m. Chiếc xe dừng lại giữa đường đã thu hút sự tò mò của nhiều người dân đang đi chơi xuân trên đường. Xử lý tình huống đầy bất lợi này, người chỉ huy bèn hô to: “Chúng tôi là bộ đội về Sài Gòn đánh Mỹ-Thiệu. Yêu cầu đồng bào hãy ủng hộ chúng tôi”, nghe đến đây mọi người đều vỗ tay. Các chiến sĩ trong đội thêm phấn chấn.

Cựu chiến binh Ngô Bá Chính.

Đột nhiên có tiếng chuông nhà thờ gần đó đổ dồn như báo hiệu giờ phút lịch sử đã tới. Các chiến sĩ Biệt động lao nhanh về phía trước. Khi tổ đi đầu tới gần một cao ốc của Mỹ, phát hiện một tên lính Mỹ đang ngồi gác lô cốt. Trong khi tên lính chưa kịp có phản ứng gì, đã lĩnh nguyên một quả B40, sập tan lô cốt...

“Chưa có lệnh sao nổ súng. Lộ rồi! Mau vận động lên” - Người chỉ huy quát um lên. Đội 9 thấy đội 6 đánh lên thì cùng phối hợp, hai cánh quân xông vào mục tiêu, B40 “phụt” liên tiếp. Toàn đội chia thành nhiều tổ như những mũi dao nhọn chọc vào yết hầu địch, đánh chiếm từng căn nhà nơi bọn cảnh vệ ở. Bọn lính gác bị tấn công bất ngờ, trở tay không kịp. Mục tiêu quá rộng, càng vào sâu lực lượng của ta càng bị phân tán. Địch triển khai hỏa lực mạnh chống trả quyết liệt. Hỏa điểm xuất hiện bên trong căn cứ dày đặc như sao”, mắt ông Chính ánh lên niềm tự hào khi kể tới đây.

Giọng đầy phấn khích, ông nói: “Khoảng 1 giờ 30 phút, tôi và Tám Cứ chốt ở ngay cửa, thấy hai chiếc GMC chở đầy lính Mỹ, vừa tầm B40 quá, tôi nện cái ầm, nổ tung chiếc xe. Không kịp để bọn địch kịp nhảy xuống đối phó, Tám Cứ bồi tiếp một quả đạn B40 nữa, lửa trùm kín thùng xe. Chưa đầy 30 giây, gần 50 tên lính đã bị diệt gọn”.

Nguyên tắc bắn B40 là phải tìm điểm tựa cách sau lưng 7m, nhưng nhiều chiến sĩ đã chiến đấu quên mình, cứ thấy địch là bắn nên nhiều người bị lửa phả lại bỏng cả lưng. Trận đánh cứ thế ác liệt, diễn ra dai dẳng đến lúc trời sáng rõ. Trời sáng hẳn, nhìn xác giặc nằm chết ngổn ngang, mới hay các chiến sĩ biệt động đã chiến đấu cả đêm. Theo lệnh của trên, đơn vị Biệt động 69 có nhiệm vụ đánh chớp nhoáng, giữ mục tiêu 3 giờ, chờ đại quân vào bàn giao. Khắp đường phố Sài Gòn khói đen dày đặc. Đại quân ta cũng đang từ vùng ven rầm rập tiến vào thành phố. Những suy nghĩ đó làm các chiến sĩ phấn chấn tinh thần, giữ vững trận địa, coi thường cái chết.

Bị tấn công bất ngờ, gây thiệt hại lớn nhưng địch đã nhanh chóng huy động thêm lực lượng, tập trung hỏa lực bắn dữ dội nhằm đánh bật quân ta ra khỏi căn cứ của chúng. Rất may thời điểm đó, Tiểu đoàn 2 Gò Môn của ta tấn công ở hướng cổng số 4 đã giúp chia lửa cho đội 69. Tuy nhiên, đến gần trưa thì số thương vong đã lên tới nửa, sức chiến đấu của đội biệt động giảm dần. Để bảo tồn lực lượng, chỉ huy ra lệnh cho các tổ chiến đấu lui ra ngoài, bám vào khu cư xá sĩ quan ngụy, đối diện cổng chính chờ tiếp viện.

“Sau này tôi được biết lực lượng tiếp ứng cho chúng tôi lúc đó vẫn còn đang nằm ở ngoại ô, cách Sài Gòn 60km, nghe lệnh vậy vội vã chạy băng đồng, vứt đồ đạc cá nhân, vừa chạy vừa chiến đấu, tới sáng thì vào tới Vườn Lài (cách 10km). Tuy nhiên, khi vào phố rồi thì không thể chạy như thế, hơn nữa họ lại không biết đường”, ông Chính kể.

“Chiến đấu đến chập tối ai nấy đều thấm mệt, cả đội ngồi dựa vào bờ tường nghỉ, bỗng nghe tiếng “cách” rất to. Mọi người đều nghĩ đó là một viên đạn lạc thì đồng chí Thắng kêu lên “chết cha! Lựu đạn, tránh ra”, rồi lao nhanh về phía góc tường và anh đã hy sinh lập tức khi quả lựu đạn nổ. Các đồng đội bàng hoàng, chết lặng.  Trái lựu đạn phát nổ là do lúc anh Thắng kẹp mỏ vịt quả lựu đạn lại và nhét tạm vào túi quần khi đã rút chốt. Do mải chiến đấu hăng say cả ngày, anh quên mất trái lựu đạn nên nó đã bất ngờ phát nổ” - Ông Chính bùi ngùi nhớ lại phút giây hy sinh của đồng đội.

Hai bên giằng co, kéo dài tới trưa mùng ba Tết thì đội biệt động cũng hết đạn, hy sinh phần lớn, chỉ huy mới ra lệnh tìm cách rút. May thay, lúc đó địch kêu gọi người dân trong khu cư xá ngụy ra ngoài để “làm cỏ” khu vực đó. Với bản tính lanh lẹ, lại có vốn ngoại ngữ và thẻ sinh viên nên “chim sắt” Ngô Bá Chính may mắn hơn những đồng đội khác thoát khỏi vòng vây trong gang tấc.

Bài, ảnh: THU HÀ