Mặt trận Vĩnh Long: Làm chủ thị xã dài ngày nhất
Trong căn nhà cấp 4, ở phường 8, TP Vĩnh Long, biết ý định chúng tôi, chú Mười vào đề ngay: Cũng như các tỉnh, lệnh tổng tiến công được giữ bí mật tuyệt đối; đến trước thời điểm tổng tiến công, mới biết quân khu xác định Vĩnh Long là trọng điểm 2, nên ngoài lực lượng chủ yếu của tỉnh là các Tiểu đoàn 306, 308; hai tiểu đoàn địa phương quân và các lực lượng tại chỗ, quân khu còn tăng cường Trung đoàn 3 để hỗ trợ.
Tối mồng 1 Tết, các đơn vị đã đến địa điểm tập kết để các tổ trinh sát dẫn đường tiếp cận mục tiêu. Rạng sáng mồng 2 Tết, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công vào thị xã Vĩnh Long, Đại đội 58, vượt cầu Kinh Cụt đánh chiếm Ty Cảnh sát địch; Đại đội 59 phối hợp với Đại đội địa phương quân đánh địch ở cầu Công Xi Heo chiếm được vành đai Phường 1 đến đường Trương Vĩnh Ký, Trưng Nữ Vương. Bị đánh bất ngờ, địch sử dụng lực lượng hỗn hơp gồm: Cảnh sát dã chiến, bảo an, xe thiết giáp được pháo binh, không quân, hải quân chi viện phản kích quyết liệt vào khu vực Tiểu đoàn 306 chiếm giữ. Ta kiên quyết giữ vững địa bàn và tiếp tục bao vây hậu cứ Tiểu đoàn biệt động quân 43 của địch, Tiểu đoàn bảo an 46 và mở nhiều hướng tiến công mới.
 |
Lực lượng địa phương quân huyện Cái Nhum-Vĩnh Long được thành lập để bổ sung cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu. |
Tiểu đoàn 308 phối thuộc với địa phương quân huyện Cái Nhum đánh chiếm và làm chủ bờ sông Long Hồ; một đại đội khác đánh chiếm cầu Thiềng Đức, làm thiệt hại nặng Đại đội biệt kích 10 của địch. Đến 5 giờ sáng mồng 2 Tết, đơn vị đã chiếm và làm chủ Trường Trung học Tống Phước Hiệp, uy hiếp chi đội thiết giáp địch. Một mũi khác tiến công vào khu vực công binh Mỹ ở phà Cổ Chiên tiêu diệt 10 tên Mỹ, phá hủy 3 xe ủi.
Rạng sáng mồng 3 Tết, được sự hỗ trợ của lực lượng biệt động, Đại đội 59, Tiểu đoàn 306 đánh chiếm Đài truyền tin Hoa Lư, sau đó đánh chiếm Tòa hành chính tỉnh; Đại đội 58 đánh chiếm Ty Cảnh sát, Ty Ngân khố, làm chủ Bệnh viện Nguyễn Trung Trực; Đại đội hỏa lực tập kích hậu cứ Tiểu đoàn biệt động quân 43, Tiểu đoàn bảo an 46, kiềm chế không cho chúng phản kích. Một bộ phận của Tiểu đoàn 308 vượt sông trước, phối hợp với lực lượng biệt động tiến công tiêu diệt hàng chục tên biệt kích ở miếu Quốc Công.
Sáng mồng 3 Tết, tên Tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp khẩn thiết xin lực lượng Vùng 4 chiến thuật cứu viện, nhưng nơi nào cũng bị ta tiến công, ngăn chặn, không cứu viện được bằng đường bộ, địch sử dụng đường không cùng lực lượng hải quân, pháo binh, xe thiết giáp tại chỗ yểm trợ. Chúng phản kích dữ dội bằng bom, rốc-két vào các khu vực ta làm chủ, phố phường bốc cháy, bộ đội ta và dân thường bị thương khá nhiều nhưng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 306 vẫn quyết tâm giữ vững liên lạc và hiệp đồng với các đơn vị bạn chiến đấu kiên cường với khẩu hiệu: “Chưa chiếm được thị xã Vĩnh Long, Tiểu đoàn 306 chưa về”.
Các lực lượng trong nội ô thị xã giằng co với địch từng căn nhà, góc phố và đánh bại 5 lần địch phản kích, diệt trên 150 tên, bắn cháy 3 xe M113 và bắn hỏng ba chiếc khác. Tên Tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp và Tỉnh phó Nguyễn Sanh Tiền cùng các cố vấn Mỹ phải di tản xuống tàu Hải quân đậu ngoài sông Cổ Chiên; trong khi ta tiếp tục đánh chiếm nhiều mục tiêu mới như: Nhà Bưu điện, Ty Ngân khố, Tòa án. Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn 306 được quần chúng báo tin bao vây bắt gọn hơn 50 tàn quân ngụy, thu nhiều vũ khí… nhưng do lực lượng ta mỏng, địch tái chiếm và làm chủ Tòa hành chính.
Đêm mồng 4 Tết, Tiểu đoàn 306 củng cố lực lượng để đánh chiếm trụ sở Tổng đoàn bảo an, Ty Chiêu hồi và đặt DKZ trên nhà cao tầng đánh chiếm Dinh Tỉnh trưởng, nhưng địch đã dùng không quân phản kích. Đến trưa mồng 5 Tết, địch phản kích quyết liệt vào khu vực ta làm chủ. Tối mồng 6 Tết, Tiểu đoàn 306 phân công một Trung đội phối hợp cùng biệt động thị xã uy hiếp Dinh Tỉnh trưởng và Bộ Chỉ huy Hành quân, một bộ phận khác triển khai đội hình luồn sâu, áp sát đội hình địch ở phía Nam cầu Cá Trê. Đến 23 giờ, các mũi của ta lọt vào bên trong, đồng loạt nổ súng tiến công, dùng lựu đạn, thủ pháo, bắn găm, bắn gần tập kích tiêu diệt từng tên địch, bị tấn công bất ngờ, lại không quen lối đánh gần của ta, địch lúng túng không kịp trở tay, ta tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ, trước khi rút ra vùng ven.
Sau 6 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã anh dũng tiến công, kiên cường bám trụ, bẻ gãy nhiều cuộc phản kích của địch, diệt 2000 tên, bắt hàng trăm tên, loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên cảnh sát, 1.000 phòng vệ dân sự, bắn cháy 25 xe M113, bắn chìm 10 tàu, bắn rơi và phá hủy 25 máy bay, thu 500 súng các loại, đập tan bộ máy ngụy quyền của địch, làm chủ thị xã 6 ngày đêm. Đây là thị xã ta làm chủ dài ngày nhất ở miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Mặt trận Mỹ Tho: Những trận chiến bi hùng
Những ngày cuối năm tất bật, phải hẹn mấy lần, Đại tá Lê Dũng (Lê Văn Tươi), nguyên Chỉ huy phó Chính trị Tỉnh đội Tiền Giang, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TP Mỹ Tho năm 1968 mới sắp xếp được cho chúng tôi gặp.
Đã qua tuổi 70, nhưng chú vẫn nhớ khá chi tiết về sự kiện tổng tiến công ở TP Mỹ Tho. Chú kể: Lực lượng ta tiến công vào TP Mỹ Tho gồm Tiểu đoàn 261a, 261b, 514a; Chiến đoàn 2, gồm các Tiểu đoàn 263, 265, 504 và các đơn vị quân khu, bộ đội địa phương, du kích và tự vệ của Thành đội Mỹ Tho; có lực lượng chính trị, binh vận và hàng nghìn quần chúng hỗ trợ.
Rạng sáng mồng 2 Tết, các đơn vị tiến công vào trung tâm TP Mỹ Tho, đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch, nhưng đến giờ nổ súng, chỉ có các Tiểu đoàn 261a, 261b và 514a đến kịp. Đội biệt động được tăng cường thêm mấy chiến sĩ đội săn tàu, nhanh chóng tiếp cận đồn cảnh sát phía Đông cầu Quay, tiến đánh khám đường. Các đơn vị của quân khu đánh vào các mục tiêu bên trong, bị Tiểu đoàn 32 biệt động quân ngụy chốt chặn. Đến 4 giờ sáng, Tiểu đoàn 514a nổ súng tập kích mở đường làm chúng thiệt hại nặng, bộ phận còn lại vẫn chống trả quyết liệt để bộ phận khác vượt sông Bảo Định, đánh chiếm Ty Bình định, thu toàn bộ vũ khí, bắt sống được mấy tên lính đánh thuê nước ngoài, diệt các đồn ở khu vực nội ô; sau đó chia thành các mũi tiến đánh Sở chỉ huy Sư đoàn 7 và Dinh Tỉnh trưởng Định Tường. Tiểu đoàn 261b vượt sông Bảo Định, chốt từ cây xăng Năm Nồi đến chùa Phổ Đức; Tiểu đoàn 265 đến Trung An, chiếm lộ Dừa, diệt đồn Cầu Đỏ. Đội Biệt động, sau khi diệt đồn Cầu Quay, tiến đánh khám đường, bị địch ngăn chặn, phản kích, các đồng chí bắn diệt được mấy chiếc xe jeep của địch. Lực lượng ta dùng súng B40, B41 bắn sập các lô cốt khám đường, tiếp cận cửa khám, nhưng địch phản công dữ dội.
Kể đến đây, bỗng chú Dũng đưa tay lau khóe mắt, xúc động tiếp lời: “Tôi rất khâm phục tinh thần đồng đội của các đồng chí trong đội biệt động, nhất là đồng chí Tòng và đồng chí Kỳ Đỏ. Đồng chí Tòng bị thương, đồng chí Kỳ Đỏ tình nguyện ở lại chăm sóc và bị lạc đơn vị, ở lại nhà dân, được dân nuôi giấu dưới ghe. Khi bị giang thuyền địch phát hiện, hai đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, đồng chí Tòng dùng lựu đạn lao qua tàu địch diệt 2 tên, làm bị thương 3 tên và anh dũng hy sinh, còn đồng chí Kỳ Đỏ bị thương và địch bắt.
Các mũi của Tiểu đoàn 261a, 261b bị địch ngăn chặn quyết liệt, ta bắn cháy một số xe M113 và tiếp tục tiến công khu vực bùng binh. Chiều mồng 2 Tết, Tiểu đoàn 265 tiến chiếm cầu Đôi và phát triển về hướng căn cứ cố vấn Mỹ Châu Phúc Liêm, bị địch ngăn chặn, ta về phòng ngự ở ngã ba Quốc lộ 60. Đến tối, các đơn vị tiến vào đến thành phố, nhưng không đánh chiếm được trung tâm, do địch huy động lực lượng, xe tăng, thiết giáp chốt giữ và phản công.
Đến sáng mồng 3 Tết, ta làm chủ được khu vực Giếng Nước, phường 5, phía Bắc bùng binh Nguyễn Trãi, Trần Quốc Toản, Hùng Vương; tiếp tục tiến công vào trung tâm. Địch tăng cường Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 Mỹ và máy bay, pháo phản kích vào các khu vực đã mất, dùng tàu chiến, trực thăng đổ quân chi viện, đánh thẳng vào đội hình của ta. Bộ đội ta bắn cháy một máy bay L19, 20 xe M113, tiêu hao một tiểu đoàn Mỹ, một tiểu đoàn ngụy, giữ vững trận địa. Chiều mùng 5 Tết, địch điên cuồng huy động lực lượng pháo hạm từ sông Tiền, máy bay ném bom cháy, hủy diệt lực lượng ta và thành phố, làm thiệt hại nhiều tài sản, nhà cửa, hàng trăm đồng bào thương vong, một số đồng chí của ta hy sinh.
Do yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, cấp trên lệnh các đơn vị rút về vùng ven củng cố lực lượng, chuẩn bị thời cơ chiến đấu tiếp tục, chỉ để lại trong thành phố một bộ phận nhỏ kìm chân địch.
TP Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã hoàn thành kế hoạch tổng tiến công vào thành phố, thị xã theo kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân khu 8, Quân khu 9 trong tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Tuy chưa đánh chiếm được hết các mục tiêu quan trọng; lực lượng ta hy sinh khá nhiều, thiệt hại tài sản và tính mạng của bà con rất lớn, nhưng đây là trận tập kích quy mô chiến lược, đưa bộ đội đánh sâu vào lòng địch và ở lại dài ngày trong nội đô. Đây có thể coi là một đợt tổng duyệt lớn, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
KIM LOAN